Đề xuất đưa luật an toàn giao thông vào dạy ở cấp 3
Đại tá Nguyễn Quang Nhật-, Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, Cục Cảnh sát Giao Thông (Bộ Công an) đề xuất đưa luật an toàn giao thông vào dạy học bắt buộc ở bậc THPT, học sinh đạt yêu cầu sẽ không cần thi lý thuyết khi học bằng lái xe.
Ngày 10-10, Ban An toàn giao thông TPHCM phối hợp Trung tâm Tư vấn sức khỏe cộng đồng tổ chức Hội thảo phổ biến những quy định mới về bảo vệ trẻ em trên ô-tô trong Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông, trong 9 tháng đầu năm, có 1.957 vụ tai nạn giao thông ở trẻ em (từ 6 đến dưới 18 tuổi), làm tử vong 783 em và bị thương 2.018 em.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật- Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, Cục Cảnh sát Giao Thông (Bộ Công an) cho biết, từ nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra, trẻ em là đối tượng đặc biệt cần được bảo vệ. Việc cần làm là đẩy mạnh giáo dục ở các cấp.
Theo Đại tá Nhật, đầu năm học, tại nhiều trường học, cơ sở giáo dục đều có lực lượng cảnh sát giao thông đến sinh hoạt, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh. Tuy nhiên, những phổ biến chỉ được đưa vào sinh hoạt ngoại khóa hoặc được giáo viên lồng ghép vào các tiết giáo dục công dân, chưa đủ "sức nặng" trong việc tác động đến các em.
"Chúng tôi đang xin ý kiến, xem xét và mong muốn đưa việc giáo dục luật an toàn giao thông đường bộ là môn bắt buộc ở bậc THPT", Đại tá Nhật thông tin.
Đại tá Nhật cũng đề xuất, nếu đưa luật an toàn giao thông vào làm môn bắt buộc ở bậc THPT, học sinh sau khi tốt nghiệp, đạt yêu cầu sẽ không cần thi lý thuyết về luật an toàn giao thông đường bộ khi thi bằng lái xe.
Đồng quan điểm, PGS. TS Phạm Việt Cường- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và Phòng chống chấn thương, trường Đại học Y tế công cộng, cũng nhấn mạnh việc giáo dục an toàn giao thông cho trẻ em, học sinh là vấn đề cấp thiết.
Nhìn lại sự việc học sinh bị bỏ quên trên ô tô gây hậu quả đau thương ở Hà Nội và Thái Bình, Đại tá Nguyễn Quang Nhật chia sẻ, cần đặt ra những quy định đảm bảo an toàn về việc đưa đón học sinh như lắp đặt camera, thiết bị cảnh báo chống để quên trên xe, xe chở từ 27 trẻ em phải có 2 người phụ trách, quy định về màu sắc, đặc thù cho xe.
Bằng cách đó, nhà trường sẽ dễ quản lý trong công tác đưa đón học sinh, có phương tiện chuyên chở đảm bảo an toàn, giảm ùn tắc giao thông.
Còn theo PGS.TS Phạm Việt Cường, một trong những điểm đáng lưu ý của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là trẻ em dưới 10 tuổi, cao dưới 1,35m sẽ không được ngồi cùng hàng ghế với người lái xe (trừ loại xe ô tô chỉ có một hàng ghế). Tuy nhiên, khi đưa con đến trường bằng ô tô, phụ huynh thường để trẻ ngồi ghế trước.
"Đây là vị trí chịu nhiều lực tác động khi va chạm, dễ văng ra ngoài khi không cài dây an toàn, chịu sự va đập của túi khí, sự hiếu động của trẻ gây mất tập trung cho người lái", ông chia sẻ.
Do thực hiện điều đó, theo ông Cường, phụ huynh, người giám hộ phải được tập huấn, hướng dẫn về cách lựa chọn và sử dụng thiết bị an toàn giao thông cho trẻ. Nhà trường cần nhắc nhở, trang bị kiến thức, kỹ năng ứng phó cho học sinh.
Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền cần phối hợp cung cấp các chương trình hỗ trợ tài chính với giá thành hợp lý, giảm giá cho các gia đình có thu nhập thấp để đảm bảo đầy đủ thiết bị an toàn giao thông cho học sinh.
Sau cùng, ông khẳng định, bên cạnh những quy định, chế tài của luật pháp, việc đảm bảo an toàn cho các em còn đòi hỏi ý thức, trách nhiệm của phụ huynh, giáo viên, người điều khiển phương tiện giao thông và cả cộng đồng.
Theo Dân trí