Đề xuất giao cơ quan chuyên trách kiểm soát tài sản, thu nhập
Sáng 5-3, tại Nhà Quốc hội (QH), Ủy ban Tư pháp của QH họp phiên toàn thể lần thứ tám. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga nêu rõ, tại phiên họp này, Ủy ban sẽ thẩm tra dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.
Thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), đề cập thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập (Điều 32 dự thảo Luật), Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái chỉ rõ, trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng cho thấy, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc thực hiện các quy định về kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập chưa hiệu quả là thiếu bộ máy quản lý bản kê khai và sử dụng các thông tin, dữ liệu có được nhằm kiểm soát biến động tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai. Vì vậy, việc quy định về hệ thống các cơ quan, đơn vị chuyên trách kiểm soát tài sản, thu nhập dựa trên quản lý tài sản, thu nhập là rất cần thiết. Dự thảo Luật giao cho Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập đối với người có nghĩa vụ kê khai hưởng phụ cấp chức vụ từ 0,9 trở lên ở cả Trung ương và địa phương; thanh tra bộ, ngành, thanh tra cấp tỉnh hoặc đơn vị phụ trách công tác tổ chức, cán bộ tại cơ quan, tổ chức, đơn vị ở T.Ư nơi không có cơ quan thanh tra (gọi chung là cơ quan thanh tra) kiểm soát tài sản, thu nhập của các đối tượng còn lại.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho biết, theo tính toán, Thanh tra Chính phủ sẽ kiểm soát tài sản, thu nhập khoảng 6.000 đối tượng, các cơ quan thanh tra cấp tỉnh kiểm soát trên dưới 2.000 người, riêng các địa phương lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh khoảng 10.000 đối tượng. Nếu dự thảo Luật được thông qua và QH ra Nghị quyết kèm theo để tổ chức thi hành luật thì ngành thanh tra sẽ đề xuất chuyển phần lớn lực lượng để làm việc này.
Phần thanh tra kinh tế - xã hội hiện nay đang chiếm một nửa công chức ngành thanh tra sẽ phải giảm đi; công tác thanh tra các vụ việc, dự án sẽ chuyển cho Kiểm toán Nhà nước. Thanh tra Chính phủ, thanh tra tỉnh, thanh tra bộ, ngành chỉ thanh tra các vụ việc quan trọng mà Thủ tướng thấy cần thiết phải làm rõ. Dự kiến, hơn 1/3 công suất của Thanh tra Chính phủ sẽ dành cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập, tạo ra sự biến đổi trong tổ chức hoạt động của toàn lực lượng. Như vậy, cả nước có 85 cơ quan, 21 bộ, ngành, 63 tỉnh và Thanh tra Chính phủ thực hiện nhiệm vụ kiểm soát tài sản, thu nhập.
PHAN PHƯƠNG