Đề xuất không tăng lương tối thiểu vùng năm 2021

Thứ sáu, 05/03/2021 07:15

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến góp ý dự thảo báo cáo Chính phủ về lương tối thiểu vùng năm 2021. Theo dự thảo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trên cơ sở phân tích tình hình kinh tế - xã hội, các yếu tố điều chỉnh mức lương tối thiểu trong bối cảnh bị tác động nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19 và việc tăng lương tối thiểu sẽ gây thêm tác động việc làm của người lao động trong khi các doanh nghiệp còn đang gặp nhiều khó khăn, Hội đồng Tiền lương quốc gia  khuyến nghị Chính phủ không điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2021.

Về mức lương tối thiểu vùng của năm 2020, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã tính toán dựa trên kết quả mức sống dân cư năm 2018 và ước CPI mức 4% giai đoạn 2019 - 2020 nhằm bù trượt giá, đảm bảo giá trị thực tế để đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình. Sau khi có kết quả CPI thực tế của từng năm, mức lương tối thiểu sẽ được cập nhật lại để đảm bảo mức sống tối thiểu làm căn cứ để tính cho các năm tiếp theo.

Trong phương án khuyến nghị Chính phủ về không điều chỉnh lương tối thiểu năm 2021, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã báo cáo, với dự kiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 4%/năm, mức lương tối thiểu năm 2020 đã cao hơn mức sống tối thiểu 1,51%. Thực tế, CPI của năm 2020 chỉ tăng 3,23% nên lương tối thiểu vùng sau khi cập nhật lại đã đảm bảo cao hơn 2,28% so với mức sống tối thiểu.

Vì vậy khi tiếp tục giữ nguyên mức lương tối thiểu này để áp dụng cho năm 2021 vẫn đáp ứng được mức sống tối thiểu. Trường hợp CPI của cả năm 2021 tăng cao hơn 2,28%, về nguyên tắc tính toán phần lương tối thiểu thấp hơn mức sống tối thiểu vùng sẽ được xem xét để đưa vào điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng áp dụng từ năm 2022.

Theo nội dung dự thảo, các chỉ tiêu về thất nghiệp, thiếu việc làm và doanh nghiệp giải thể, ngừng việc của năm 2020 đều tăng cao, trái ngược với xu hướng giảm của những năm gần đây. Năm 2020, cả nước có 101.700 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13,9% so với năm 2019. Trung bình mỗi tháng có gần 8.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Lực lượng lao động là 54,6 triệu người, giảm 1,2 triệu người so với năm 2019. Thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương là 6,62 triệu đồng/người/tháng, giảm 75.000 đồng so với năm 2019...

Điều này cho thấy năm 2020, lương tối thiểu vùng tăng nhưng thu nhập của người lao động giảm, do lương tối thiểu chỉ để đảm bảo mức sàn thấp nhất cho người lao động, tăng lương tối thiểu không dẫn đến việc tăng lương, thu nhập chung của người lao động.

HẠNH QUỲNH