Đếm ngược thời gian lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá

Thứ ba, 24/03/2020 17:00

Cùng với cả nước, việc lắp đặt hệ thống thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên theo quy định của Chính phủ tại TP Đà Nẵng đang bước vào giai đoạn nước rút. Đây là giải pháp rất quan trọng nhằm khắc phục tình trạng không kiểm soát việc khai thác thủy hải sản trên biển, hạn chế các hoạt động khai thác bất hợp pháp, nhất là hành vi khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài.

Việc lắp đặt thiết bị sẽ kết thúc vào trước ngày 1-4, tuy nhiên tại Đà Nẵng, phần đa tàu cá vẫn chưa hoàn tất công việc này.

 

Chủ tàu cá trao đổi với phóng viên về việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá theo quy định.

* Tại chuyến kiểm tra công tác triển khai thực hiện quy định về hoạt động khai thác đánh bắt hải sản theo khuyến nghị của ủy ban Châu Âu (EC) tại TP Đà Nẵng giữa tháng 2 mới đây, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho hay, việc khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá của Việt Nam hiện rất chậm so với cam kết với Châu Âu. Ngoài số tàu từ 24m trở lên đã thực hiện lắp đặt thiết bị khoảng hơn 90%, còn lại tàu từ 15 đến dưới 24m hiện tỷ lệ chưa lắp đặt rất cao, trong đó nhiều địa phương mới chỉ đạt mức hơn 10%-30%/tổng số tàu. Hiện Bộ NN&PTNT đang chỉ đạo các địa phương tăng cường đôn đốc việc lắp đặt thiết bị để kịp tiến độ, bởi sau ngày 25-5 tới đây công tác kiểm tra sẽ được phái đoàn của Châu Âu kiểm tra tại Việt Nam.

Hỗ trợ 100% chi phí

Theo ông Nguyễn Phú Ban - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Đà Nẵng, cũng như ngư dân cả nước, theo quy định các chủ tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên phải hoàn tất lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá hoạt động ở vùng khơi trước ngày 1-4 tới đây. Ngay sau khi hoàn tất việc lắp đặt, Sở sẽ tham mưu UBND thành phố ban hành quy trình xử lý thông tin tàu mất kết nối, vi phạm vùng biển nước ngoài và tổ chức trực ban, giám sát 24/24 giờ để thu thập, tổng hợp số liệu để tiến hành xử lý theo quy định.

Ông Ban cho hay, toàn thành phố hiện có 526 tàu có chiều dài từ 15 mét trở lên, trong đó, tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên đã có 16/17 tàu đã lắp thiết bị giám sát hành trình movimar theo quy định. Một tàu còn lại trong số này là tàu ĐNa - 90678 TS đang nằm bờ từ tháng 9-2017 đến nay, hiện các cơ quan chức năng đang liên hệ với chủ tàu tiến hành thực hiện theo quy định. Đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét làm nghề câu cá ngừ đài dương, lưới kéo có 3/3 tàu đã lắp thiết bị giám sát hành trình theo quy định. Hiện hơn 500 tàu còn lại, ông Ban cho biết cũng đã hướng dẫn chủ tàu làm thủ tục, hồ sơ và đang chờ tàu về cập cảng sẽ lắp hàng loạt.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Sở NN&PTNT là đơn vị được thành phố giao thực hiện hỗ trợ 100% kinh phí lắp đặt, còn ngư dân chỉ cần lựa chọn thiết bị phù hợp. Nhằm tạo điều kiện cho ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, HĐND đã ban hành Nghị quyết, hỗ trợ 100% kinh phí lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và kinh phí thuê bao năm đầu tiên cho tất cả tàu cá ở Đà Nẵng có chiều dài từ 15 mét trở lên đang hoạt động tại vùng khơi. “Hiện tại các cơ quan chức năng đang tiến hành các thủ tục cấp phép để ngư dân lắp đặt thiết bị. Tuy nhiên do hiện nay hầu hết các tàu cá còn hoạt động ngoài khơi nên số lượng lớn tàu chưa về lắp đặt. Tuy nhiên việc lắp đặt bắt buộc đã được thông báo đến các chủ tàu, nếu sau ngày 1-4 chủ tàu không lắp đặt sẽ không được hỗ trợ chi phí mà thành phố đã phê duyệt nữa. Điều này đồng nghĩa với việc chủ tàu phải tự trang bị, bằng không tàu không thể ra khơi”- ông Ban nói.

Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá miễn phí cho ngư dân Đà Nẵng.

Ngư dân đắn đo lựa thiết bị

Được biết, hiện tại UBND thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt 3 thiết bị giám sát hành trình được hỗ trợ lắp đặt trên tàu cá gồm: Thuraya SF2500, Thuraya MarineStar (của Tổng Công ty Dịch vụ Viễn Thông VNPT Vinaphone) và thiết bị Vifish 18 (của Công ty TNHH MTV Thông tin Điện tử Hàng hải Việt Nam VISHIPEL). Giá thiết bị dao động từ hơn 23 triệu đồng đến hơn 28 triệu đồng (tùy theo đơn vị). Qua khảo sát, trong số những tàu cá đã lắp đặt, cả 3 thiết bị đều được chủ tàu lựa chọn, xong nhiều tàu cá còn lại chưa lắp đặt thiết bị vẫn đang rất đắn đo. Đặt câu hỏi với các chủ tàu: Đã được hỗ trợ kinh phí 100%, tại sao còn có sự đắn đo, nên hay không nên lựa chọn thiết bị nào? Hầu hết các chủ tàu đều “lăn tăn” về chuyện trả chi phí thuê bao về lâu dài.

Theo chủ tàu cá Nguyễn Then, ông mới lắp đặt xong thiết bị giám sát hành trình Thuraya SF2500 với mức hỗ trợ khoảng 28 triệu đồng do thành phố hỗ trợ. Dù sau này thuê bao phải trả cao hơn so với thiết bị Vifish 18, nhưng tiện lợi hơn là có thể gọi điện về nhà. Còn chủ tàu DNA-90699 – ông Lê Long, sau một thời gian phân vân, ông đã quyết định chọn lắp thiết bị Vifish 18 (giá lắp đặt hơn 20,3 triệu đồng). Ông Long phân tích, cả 3 thiết bị đều được các cơ quan hữu quan công nhận chất lượng, trong đó dù có thiết bị giá hơn 28 triệu đồng và có thêm chức năng gọi điện về nhà, tuy nhiên về lâu dài, số tiền thuê bao phải trả hàng tháng cao, nên ông quyết định chọn thiết bị của Vifish 18. “Sau khi được tư vấn, giới thiệu tính năng, tôi biết rõ, ngoài việc trang bị thiết bị giám sát giúp đáp ứng các quy định về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) theo khuyến nghị của EC, Vifish.18 còn mang đến các tính năng tiện ích như: nhận thông tin dự báo thời tiết, gửi điện 2 chiều giữa tàu và bờ, nhắn tin sms tới điện thoại và tính năng gửi tín hiệu báo động cấp cứu trong các tình huống nguy hiểm. Chỉ với thao tác nhấn nút đơn giản, tín hiệu báo nạn được phát trực tiếp lên vệ tinh và truyền đến Hệ thống Đài TTDH Việt Nam và các đơn vị phối hợp tìm kiếm cứu nạn” – ông Long nói.

Chung quan điểm như ông Long, nhiều chủ tàu đang cập tại Âu Thuyền Thọ Quang cho biết, nếu sau 1 năm thành phố hỗ trợ miễn phí, chủ tàu dùng Vifish.18 sẽ phải trả khoảng hơn 370.000 đồng/tháng thuê bao, trong khi một số thiết bị khác khoảng 700.000 đồng/tháng. “Tất nhiên nếu sử dụng các thiết bị thuê bao cao, sẽ có thêm chức năng gọi điện về nhà. Nhưng mỗi ngày chỉ giới hạn 1 phút, thời gian gọi phát sinh mỗi phút sẽ phải trả phí cao, vì vậy nhiều ngư dân đã chọn thuê bao phí thấp, bởi thời gian đi biển họ vẫn có thể gọi về nhà bằng Icom miễn phí qua sóng của đài Duyên Hải. Nên về lâu dài, lựa chọn thuê bao mức giá thấp chủ tàu sẽ lợi nhiều” – một chủ tàu cho biết.

Ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, việc lựa chọn thiết bị hiện nay chủ tàu vẫn đang được các cơ quan chức năng cũng như các nhà cung cấp thiết bị tư vấn để họ đưa ra lựa chọn cuối cùng. “Điều quan trọng nhất hiện nay là thời gian lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đã bắt đầu ở giai đoạn nước rút. Nếu chủ tàu không lắp đặt sẽ chịu thiệt thòi nhiều, nhất là mức hỗ trợ 100% kinh phí lắp thiết bị và miễn phí thuê bao 1 năm từ phía thành phố” – ông Ban nói.

CÔNG HẠNH