Đêm phố cổ-Phố đi bộ: Sản phẩm văn hóa đặc trưng của Hội An
(Cadn.com.vn) - Ngày 7-10, UBND TP Hội An tổ chức tổng kết-tọa đàm chương trình 16 năm thực hiện đề án “Đêm phố cổ Hội An” và 10 năm thực hiện đề án “Phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ”. Tại đây, nhiều vấn đề đã được đặt ra như: Hai đề án có thực sự là sản phẩm du lịch, sản phẩm văn hóa đặc trưng của Hội An, góp phần cho việc giới thiệu- quảng bá du lịch Hội An? Có mang lại hiệu quả trong việc kinh doanh, buôn bán cho người dân trong khu phố cổ, cho doanh nghiệp hay không?...
Niềm tự hào của người dân Hội An
Thời gian đầu, Đề án “Đêm phố cổ” đã gặp nhiều trở ngại, nhất là sự phản ứng của một số người dân trong khu phố cổ do chưa nhận thức hết được ý nghĩa và lợi ích của việc thực hiện đề án này. Tuy nhiên với quan điểm nhất quán từ lãnh đạo các cấp đến đa số bà con khối phố; công tác tuyên truyền, vận động trên mọi phương tiện, qua các buổi họp tổ, gặp mặt tiếp thu ý kiến để hoàn chỉnh nội dung... dần dần chủ trương này đã được nhân dân ủng hộ. Ngoài ra, nhóm thực hiện đã lập phiếu thăm dò, trưng cầu ý kiến của tất cả các hộ dân hiện đang sinh sống trong khu phố cổ. Kết quả đã có 97,23% ý kiến đồng tình với chủ trương tổ chức “Đêm phố cổ”.
Khi đi vào thực hiện, các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể của 2 phường Minh An và Cẩm Phô thành lập các tổ công tác, thường xuyên đi vận động, nhắc nhở nhân dân những việc làm cụ thể như tắt ánh sáng trắng trong nhà, cửa hàng, sử dụng trang phục truyền thống, không để xe trên lề đường và trước hiên nhà; giữ gìn vệ sinh trước, trong và sau đêm phố cổ; thắp đèn lồng; nhắc nhở trẻ em không vớt hoa đăng... Sự đồng lòng hưởng ứng và chấp hành nghiêm túc của nhân dân trong khu vực đã góp phần to lớn vào sự thành công của đề án, làm cho các Đêm phố cổ trở thành một không gian thật sự ấn tượng.
Quang cảnh buổi tọa đàm. |
Sau gần 16 năm (1998 - 2014) thực hiện, Đêm phố cổ vẫn phát huy giá trị, tạo được ấn tượng tốt đẹp trong lòng người thưởng lãm và trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa nổi bật của Hội An, một món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người dân Hội An cũng như du khách. Các phương tiện thông tin đại chúng vẫn luôn chọn Đêm phố cổ là đề tài khai thác, quảng bá cho du lịch Hội An nói riêng và Việt Nam nói chung. Đêm phố cổ Hội An cũng đã mặc nhiên trở thành một hoạt động cho bất kỳ lễ hội nào được tổ chức tại khu phố cổ Hội An trong những năm gần đây.
Từ năm 2008 đến nay, Hội An đã tổ chức thêm 35 đêm phố cổ thu nhỏ phục vụ hơn 3.000 lượt khách trong và ngoài nước tại các công ty dịch vụ du lịch đăng ký tổ chức như Nhà hàng Nam Long - Hội An; Cty du lịch Miền Á Đông tại Đà Nẵng; Trung tâm du lịch lữ hành Hội An, Cty CTC Hội An; Cty TNHH DVDL TM Hoài Phố, Cty TNHH SX-TM-DV-XNK Ánh Dương...
Các du khách rất thích phố đi bộ tại Hội An. |
Năm 2002, UBND thị xã Hội An (nay là TP Hội An) đã giao cho Trung tâm VHTT thường trực và chủ trì, phối hợp với các cơ quan ban ngành, địa phương liên quan xây dựng, thực hiện dự án “Khu phố cổ Hội An không có tiếng động cơ xe máy” nhằm sắp xếp và tổ chức lại trật tự giao thông phù hợp tạo bước đột phá về chất lượng du lịch cho du khách khi đến với khu phố cổ. Từ đó đến nay, du khách đến tham quan rất thích thú tản bộ trong không gian tĩnh lặng để vừa thưởng thức tiếng nhạc dịu êm, vừa ngắm phố, mua sắm, chụp ảnh mà không sợ chi phối bởi tiếng ồn hoặc nỗi lo bị xe máy va quệt.
Một du khách Đức chia sẻ: “Tôi đến Hội An khá sớm, rồi hàng năm tôi lại đến và mỗi lần đến tôi thấy Hội An lại thêm những điều hấp dẫn, đẹp và thân thiện. Đặc biệt, tôi đánh giá cao việc tổ chức khu phố dành cho người đi bộ, không tiếng động cơ. Đến Việt Nam, chúng tôi đi nhiều nơi và lo nhất là giao thông nhưng về Hội An thì hoàn toàn yên tâm. Dự án luôn là đề tài khai thác quảng bá của các giới truyền thông trong nước và quốc tế”.
Giữ nề nếp
Tuy nhiên những năm gần đây, do lượng khách đến thưởng lãm Đêm phố cổ ngày càng tăng kèm theo nhu cầu mua sắm, sự hưởng ứng của một số hộ dân trong khu phố cổ đối với các nội dung của đề án có phần giảm sút, dẫn đến chất lượng hoạt động “Đêm phố cổ” không còn đúng như mục đích ban đầu. Vệ sinh trên tuyến phố chưa sạch, tình trạng rải gạo muối, bánh trái sau khi cúng Trung thiên làm ảnh hưởng đến môi trường. Việc bán hoa đăng tự phát của người dân ngày càng nhiều, không niêm yết giá; cảnh mời chào du khách mua hàng, sử dụng các em nhỏ để chèo kéo khá phổ biến...
Hội An đã nhận được nhiều danh hiệu do các tổ chức, tạp chí Quốc tế nổi tiếng bình chọn: “Hội An, thành phố được yêu thích nhất thế giới”, “Hội An–thành phố cảnh quan 2013” , “Hội An nằm trong top 20 địa điểm thú vị để tận hưởng cuộc sống về đêm” và mới đây trong một trang web du lịch lớn nhất thế giới TripAdvisor đã bình chọn Hội An xếp thứ 14 trong Top 25 điểm đến Châu Á được du khách yêu thích nhất. |
Về Phố đi bộ, mặc dù UBND TP Hội An đã làm tốt công tác tuyên truyền nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn một bộ phận nhỏ người dân chưa đồng tình ủng hộ. Việc thực hiện “Phố cổ không động cơ” chưa triệt để. Các lề đường trong khu phố cổ vẫn luôn bị lấn chiếm bởi các gánh hàng rong, bán hình ảnh 3D, hàng lưu niệm, áo quần... làm giảm đi nét đẹp của phố Hội...
Bên lề buổi tọa đàm, ông Võ Phùng, Giám đốc TTVHTT TP Hội An cho biết: “Chúng tôi sẽ tổng hợp các ý kiến trong buổi tọa đàm để từ đó có phương án tốt hơn cho 2 đề án này trong thời gian đến. Theo tôi, về cơ bản 2 đề án đã có được rất nhiều thành công, để lại ấn tượng trong lòng du khách. Và thành công lớn nhất của chương trình 16 năm thực hiện đề án “Đêm phố cổ Hội An” cũng như đề án “Phố đi bộ” đó chính là dấu ấn không gian xưa không thể phai mờ trong lòng du khách. Nếu đến Hội An không đúng vào dịp tổ chức các đêm hội, du khách vẫn có thể đi dạo dọc theo các tuyến đường đi bộ, thả hồn vào phố trong tiếng nhạc du dương sẽ có được sự bình an thanh thản”.
Lê Anh Tuấn