Đèn đỏ, ngã ba, ngã tư và... tiết kiệm!

Thứ ba, 29/04/2008 00:00

(Cadn.com.vn) - Một trong những điều mà ai cũng nghĩ là chuyện nhỏ đó là chuyện của cái đèn đỏ. Ở thành phố, thị xã, thị trấn nào không có? Bởi nó là chuyện của cái lẽ đương nhiên nên ta mặc định trong tiềm thức rằng dừng lại 45 hay 30, 20 giây chờ đèn xanh rồi đi tiếp thì có can cớ gì?

Thật ra, chuyện không chỉ giản đơn có thế. Để chống lạm phát, Chính phủ đang kêu gọi cả nước tiết kiệm. Vậy, hãy lấy chuyện nhỏ là đèn đỏ, đem ra vận vào chuyện quốc gia đại sự là tiết kiệm, lại... ra vấn đề ngay: Nếu tính trung bình mỗi điểm dừng đèn đỏ là 20 giây, số lượng người/ô-tô/xe máy trung bình là 40 người – (ở Hà Nội hay TP HCM là hàng trăm người) nhân lên với hàng chục ngàn cái đèn đỏ bất hợp lý thì số lượng xăng, dầu hao tổn cho những điểm dừng có thể không dừng ấy là một số tiền không nhỏ. Thông số đưa ra là trung bình mỗi lần dừng, mỗi xe máy tốn 200 đồng tiền xăng, mỗi ô-tô là 1.000 đồng; mỗi ngày mỗi đèn đỏ “dừng” 42 lần... thì cứ mỗi ngày trôi qua, số tiền lãng phí của mỗi ngã ba, ngã tư có thể không dừng ấy riêng phần xe máy là 336.000 đồng, tức 20 lít xăng. Nếu tính chung cả nước, với hàng ngàn ngã ba, ngã tư bắt dừng vô lý thì số tiền lãng phí lên đến vài tỷ đồng... Đó là chưa nói đến lãng phí về thời gian của hàng nghìn người.

Có rất nhiều ngã ba, ngã tư treo biển: “Đèn đỏ, được phép rẽ phải”. Tại sao có chỗ rẽ phải được còn chỗ khác lại không? Xin lấy ví dụ ở Huế, đến đầu cầu phía nam cầu Phú Xuân, có treo biển “Đèn đỏ được phép rẽ phải” nhưng ở bờ bắc thì cũng đoạn đường ấy, cũng ngần ấy người nhưng lại không cho phép. Ngoài ra, chuyện bắn tốc độ cũng cần phải bàn, đó là sau những “đoạn đường  bắt buộc chạy chậm”, đoạn sau tài xế lại tăng tốc để “chạy bù”... Hành khách ai cũng lè lưỡi: “Đoạn đường này bắt  buộc chạy nhanh?”. Vậy đấy, hệ lụy khó lường.

Từ những điều vừa nêu trên, NXD xin kiến nghị mấy vấn đề: 1- Cục GTĐB và Cục CSGT nên rà soát lại trên toàn quốc tất cả các ngã ba, ngã tư nào bắt dừng không hợp lý để thay đổi; 2- Biển hạn chế tốc độ cũng cần xem xét một cách cụ thể, toàn diện vì có những đoạn đường cấm vô lý, buộc ô-tô phải đi với tốc độ rùa bò, lãng phí mỗi ngày hàng chục triệu đồng như đoạn Đồng Hới – Quán Hàu...

Tại sao chúng ta cứ hay bàn về cái vĩ mô trong khi lẽ vi mô nó sờ sờ ra đấy nhưng lại chặc lưỡi cho qua? Tiết kiệm hay phát triển, tất cả đều phải đồng bộ. Không thể cứ thiển cận thích cấm thì cấm, thích chậm thì chậm... là được. Nếu khi chúng ta đặt một cái đèn đỏ hay một biển báo buộc đi chậm, chúng ta nghĩ đến cái phép nhân chia rất đơn giản mà NXD đã đưa ra ở trên; có lẽ, sự việc đã khác rồi...

N.X.D