Đến sân bay vẫn căng thẳng - đường về nhà của 30 người Việt từ Vũ Hán

Thứ ba, 11/02/2020 14:39

Chuyến bay sáng 10/2 đưa 30 người Việt từ nơi bị phong tỏa vô thời hạn về Việt Nam, nơi họ sẽ tự do sau 14 ngày - một hành trình “hồi hộp, đặc biệt”, theo một lưu học sinh.
Chiều 9/2, ngày cuối ở Vũ Hán, Cường nhận được thông báo từ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc là giấy thông hành đã được Sở Ngoại vụ địa phương duyệt, chuyến bay cũng đã được cấp phép.

Sau nhiều ngày chờ đợi ở “tâm bão” của dịch virus corona, mà mỗi ngày số ca nhiễm đều tăng 2.000-3.000 còn số ca tử vong liên tiếp lập kỷ lục, cuối cùng nguyện vọng về Việt Nam của anh và 29 người Việt ở Vũ Hán cũng thành hiện thực.

Cường cấp tốc chuẩn bị lên đường. Một số xe buýt được sắp đặt từ trước tới một số điểm đón để đưa đoàn người, đa phần là lưu học sinh, ra sân bay.

Rạng sáng 10/2, chuyến bay chở 30 công dân Việt Nam từ Vũ Hán hạ cánh tại sân bay Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Việt Linh.

Giây phút đo thân nhiệt “rất hồi hộp”

Đường ra sân bay có nhiều chốt chặn xe, “giống như trạm thu phí vậy”, Từ Phát Cường, 29 tuổi, sinh viên Đại học Sư phạm Hoa Trung, nói với Zing.vn. Vũ Hán đang trong tuần thứ ba bị phong tỏa, nhân viên thay phiên trực ở các chốt 24/24. Cường thấy một số xe tới các trạm kiểm soát nhưng không có giấy tờ nên phải quay lại.

Từ Phát Cường, 29 tuổi, sinh viên Đại học Sư phạm Hoa Trung. Ảnh: NVCC.

 

Sau đó, chính xe buýt chở người Việt cũng bị giữ lại tạm thời. Vì số người trên xe đông, nên dù đoàn đã có giấy thông hành, trạm kiểm soát vẫn chờ Sở Ngoại vụ địa phương tới để dẫn xe ra sân bay, mất 2 tiếng.

Nhân viên của trạm đã lên xe để kiểm tra thân nhiệt - giây phút “rất hồi hộp” đối với Cường và mọi người. Trước đó, một người bạn nước khác của Cường kể rằng đoàn hơn 100 người nước họ khi ra sân bay về nước thì phát hiện hai người có thân nhiệt cao, không được cho lên máy bay. Đại sứ quán cũng đã báo trước như vậy. Những ngày gần đây, mọi người nhắn tin bảo nhau giữ gìn sức khỏe, không để bị lạnh, không làm gì quá sức.

“Khá căng thẳng lúc đó... Trên đường ra sân bay một số người cũng kẹp nhiệt kế kiểm tra thường xuyên xem có vấn đề gì không”, Cường kể lại qua điện thoại, sau khi đã trở về Việt Nam an toàn, vào cách ly.

“Mình cũng mang theo nhiệt kế mà trường phát, loại kẹp vào nách... mấy ngày nay đo nhiệt độ khoảng 3 lần mỗi ngày, sáng - trưa - tối, lúc ra xe đo thêm lần nữa, may mà kết quả vẫn khoảng 36,3-36,5 độ C”, sinh viên theo học thạc sĩ ngành giáo dục Hán ngữ nói.

Sân bay Vũ Hán vắng lặng, chỉ có đoàn của Cường. Họ sớm vào phòng chờ sau khi làm thủ tục, trong đó nhân viên ở sân bay hỏi kỹ về tình trạng sức khỏe, tiếp tục đo thân nhiệt và ghi lên tờ phiếu cho mỗi người.

Trên xe buýt ra sân bay (trái) và chụp ảnh ở sân bay Vũ Hán sau khi làm thủ tục (phải). Ảnh: NVCC.

 

Chuyến bay “đặc biệt”

Sau những phút ra sân bay hồi hộp, những câu chuyện “mắc kẹt ở Vũ Hán” dần được mọi người kể với nhau. Có những người mới lần đầu gặp, nhưng họ đều quá đồng cảm sau nhiều ngày sống giữa tâm điểm của dịch bệnh đã làm tê liệt cuộc sống ở quốc gia 1,4 tỷ dân. Có chị sang Vũ Hán ăn cưới, ở lại chơi rồi bị kẹt lại. Có người sang chơi, chờ sát ngày mới đặt vé về rồi lại gặp lệnh phong tỏa.

Những lời hỏi thăm xua đi phần nào sự căng thẳng của một ngày mà tất cả đã phải cấp tốc sơ tán khỏi vùng dịch để lên một chuyến bay “đặc biệt”, theo lời Cường. “Đặc biệt” vì anh lên máy bay trong bộ đồ nylon để trùm vào quần áo, trùm cả giày - và tất nhiên không thể thiếu khẩu trang.

Thay đồ bảo hộ chuẩn bị lên máy bay (trái) và Cường sau khi ngồi vào ghế máy bay (phải). Ảnh: NVCC.

Trong khoang máy bay, các tiếp viên, đều là nam và mặc đồ bảo hộ, thông báo chuyến bay không phục vụ bữa ăn vì lý do dịch bệnh, mong mọi người thông cảm. Đại sứ quán cũng báo trước như vậy, dặn mọi người chuẩn bị thức ăn nhẹ. Trên chuyến bay cũng có bác sĩ.

Chuyến bay HVN68 hạ cánh xuống sân bay quốc tế Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh lúc 5h04 phút sáng 10/2.

Trước đó, chính máy bay này vận chuyển trang thiết bị, vật tư y tế trị giá 500.000 USD của Việt Nam hỗ trợ Trung Quốc, đồng thời giúp đưa 11 công dân Trung Quốc về Vũ Hán, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Chuyến bay HVN68 hạ cánh xuống sân bay quốc tế Vân Đồn. Ảnh: Việt Linh.

Sau 10-15 phút nữa trên xe buýt điện của sân bay, đoàn xuống xe làm thủ tục hải quan, điền đơn y tế. Trong cả quá trình, Cường vẫn mặc đồ bảo hộ trùm kín từ quần áo cho đến giày, và được phun khử trùng nhiều lần.

Trước khi lên xe buýt ra khỏi sân bay để về Hà Nội cách ly, họ thay bộ đồ bảo hộ khác, vẫn để trùm kín toàn thân, và được khử trùng lần nữa.

Nhóm người Việt từ tâm dịch Vũ Hán trở về. Ảnh: Việt Linh.

“Giống mùi thuốc tẩy trùng mà thỉnh thoảng hồ bơi vẫn có”, Cường kể. “(Các nhân viên) làm việc chuyên nghiệp, không làm mình thấy tủi thân, mà còn thấy an tâm. Biết là ở sân bay (Vũ Hán) đã được khử trùng rất kỹ rồi, nhưng khử trùng thêm là cảm thấy an toàn hơn, cho mình, và cho cộng đồng”.

Hỏi chuyện trong thang máy, Cường được biết các nhân viên chuyến bay và bác sĩ cũng phải cách ly 14 ngày giống như đoàn người Việt Nam trở về từ Vũ Hán.

“Trên máy bay các anh (tiếp viên) thường xuyên hỏi cần gì không, làm mình vui, thoải mái vì được quan tâm”, Cường nói. “Cũng thấy cực cho các anh, vì qua đón tụi mình về mà cũng phải vào cách ly”.

Đồ đạc cũng được phun tẩy trùng. Ảnh: Việt Linh.

Xe buýt rời Vân Đồn vào khoảng 6h50 để di chuyển về nơi cách ly gần Hà Nội, Cường cho biết. Trên xe có nhân viên y tế điểm danh, phát xôi kèm giò lụa cho đoàn người mà suốt chuyến bay mới chỉ ăn bánh ngọt, đồ khô. Quãng đường đi nhanh do có xe cảnh sát, cứu thương dẫn đường.

“Lúc lên xe, sau khi kiểm tra, khử trùng, thấy nhẹ nhõm cả người”, sinh viên đến từ Đồng Nai nói.

Lên xe về cơ sở cách ly, có xe cảnh sát dẫn đường. Ảnh: NVCC.

 

Từ phong tỏa vô thời hạn đến tự do sau 14 ngày

Về tới cơ sở cách ly, thêm một lần khử trùng cả người lần đồ đạc. Cường được hướng dẫn lên phòng cách ly “rất thoáng mát, sạch sẽ”, có tivi, tủ đựng đồ, máy lạnh, “nói chung rất tiện nghi”.

Bữa sáng có cháo mề, sữa chua, tới bữa trưa có cơm canh, thịt, rau, đồ xào và chuối, làm Cường nhớ tới những ngày Vũ Hán phong tỏa nhưng được trường đại học hỗ trợ bữa ăn. “Cảm giác được mọi người chăm sóc kỹ, quan tâm, hỗ trợ”, anh nói.

Cường được làm các xét nghiệm, bao gồm lấy mẫu nước bọt, lấy máu và chụp X-quang. Hàng ngày, mọi người sẽ điền hồ sơ theo dõi tình hình sức khỏe, tự đo và ghi thân nhiệt sáng - trưa - tối, rồi để ra bàn, có người tới thu.

Sống giữa tâm dịch corona những tuần qua, nhưng chỉ đến đây, vào cách ly, làm xét nghiệm, khái niệm “dịch bệnh” bỗng trở nên “hữu hình” và “thật” hơn bao giờ hết đối với Cường, chạm tới thân thể anh.

Bác sĩ quân y, nhân viên lái xe mặc quần áo chuyên dụng phòng chống lây nhiễm dịch bệnh. Ảnh: Việt Linh.

“Về đây được khám nhất định yên tâm hơn rồi. Ở bên kia cũng tránh tiếp xúc, nhưng vì ở giữa vùng dịch nên không thể dám chắc hoàn toàn về sức khỏe”, Cường nói, nhắc đến những con số hơn nghìn ca nhiễm mới ở Vũ Hán mỗi ngày. “Tâm lý mọi người mỗi ngày một lo lắng”.

“Về đây cách ly 14 ngày hoặc hơn nữa cũng được, nhưng được xét nghiệm và biết chắc không bị sao mới an tâm được”.

Chuyến bay về Việt Nam đưa anh từ nơi đang phong tỏa vô thời hạn, không được đi lại tự do tới nơi mà cuộc sống sẽ trở về bình thường sau khoảng 14 ngày.

“Nguyên ngày ở nhà, ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống, công việc của họ (bạn bè Trung Quốc), giao thông không hoạt động, công xưởng nhà máy đóng hết, rất thương cho người bên đó”, Cường, sinh viên mới sang học tháng 9/2019, chia sẻ.

“Về đây thoát khỏi tâm dịch, mọi người (trong đoàn) tâm lý vui tươi, cởi mở hơn nhiều, nói đùa cũng nhiều hơn, cũng mong 14 ngày qua nhanh, không ai có vấn đề gì”.

“Hẹn ngày dịch bệnh chấm dứt”

Xét nghiệm xong, niềm vui của Cường và đoàn người trở về từ Vũ Hán cũng đến từ những tin nhắn hỏi thăm, động viên của người thân ở Việt Nam, bạn bè, thầy cô bên Trung Quốc.

Người trở về liên lạc với người thân sau khi hạ cánh xuống sân bay Vân Đồn. Ảnh: Việt Linh.

Vui nhất trong đoàn có lẽ là một cặp vợ chồng sắp sinh em bé, khiến “mấy tuần mọi người cũng lo lắng cùng”, Cường cho biết. Thông cáo của Bộ Ngoại giao sau chuyến bay cũng nhắc đến “một nữ hành khách đang mang thai 8 tháng”, đồng thời cho biết cả đoàn đều có “sức khỏe ổn định, tinh thần tốt và sẽ được cách ly, theo dõi y tế theo quy định”.

Nếu còn kẹt ở Vũ Hán sẽ khó khăn trong việc tìm bệnh viện, mà tới bệnh viện sinh con phải lo nguy cơ nhiễm bệnh, Cường nói. “Về tới đây, được sắp xếp yên ổn, vợ chồng anh ấy nhắn tin cảm ơn liên tục, cảm ơn miết luôn”.

Chuyến sơ tán của đoàn người có chung hoàn cảnh biến họ thành những người bạn. Họ mong đợi ngày dịch bệnh chấm dứt, để có thể họp mặt, dù là ở Vũ Hán hay Việt Nam - tất nhiên họ sẽ có thể nói chuyện gần nhau hơn bây giờ.

“Không nhìn rõ mặt mọi người trong nhóm vì khẩu trang luôn đeo trên mặt, trừ những bạn cùng phòng cách ly, biết mặt nhau khi ăn cơm”, Cường nói. “Giờ trong cách ly vẫn phải giữ khoảng cách, có nhiều cản trở”.

Một mối lo của họ còn khi ở Vũ Hán là phải đến các bệnh viện, nói có nguy cơ lây virus corona. Ảnh: Việt Linh.

Cường, đang theo học ngành giáo dục Hán ngữ, sẽ bắt đầu học online một môn về ngôn ngữ của học kỳ tới vào ngày 12/2. Anh sẽ cố học bình thường trên giường của phòng cách ly dùng laptop và wifi - như một hành động mạnh mẽ nên làm, bất chấp sự gián đoạn mà dịch bệnh gây ra cho trường lớp.

“Dù dịch xảy ra mình cũng muốn đối mặt bằng cách làm sao cuộc sống vẫn diễn ra bình thường, không để ảnh hưởng quá nhiều”.

Anh nghĩ tới lúc có thể gặp bạn bè, ở nhà phụ giúp gia đình, hoặc đi học thêm một số khóa học vẫn muốn học - một khi không còn phải hoang mang khi bước ra phố như ở Vũ Hán nữa.

“Trải qua những khó khăn, không có được cuộc sống bình thường, giờ được sống bình thường là mình cũng cảm thấy vui rồi”, Cường nói.

Theo zing