Đến triển lãm để hiểu & thêm yêu Đà Nẵng!
Đó là chia sẻ của một số bạn trẻ khi đến xem triển lãm "Đô thị biển Đà Nẵng qua tài liệu lưu trữ" do Sở VH&TT TP Đà Nẵng phối hợp tổ chức từ ngày 9 đến 14-7 tại Bảo tàng Đà Nẵng.
Các đại biểu tham quan, lắng nghe thuyết minh trình bày tại triển lãm. |
Chăm chú đọc những dòng chú thích tư liệu Mộc bản, Châu bản triều Nguyễn tại khu trưng bày phần 1: Đà Nẵng - Vùng đất và con người, em Khánh Ngọc (1999) - trú Q.Hải Châu- xúc động bày tỏ suy nghĩ: "Sinh ra và lớn lên tại Đà Nẵng nhưng em chưa có điều kiện để tìm hiểu ngọn ngành về quá trình hình thành, đấu tranh, xây dựng và phát triển của TP nơi mình đang sống. Vì thế, với em, triển lãm "Đô thị biển Đà Nẵng qua tài liệu lưu trữ" này rất có ý nghĩa. Đặc biệt, em rất ấn tượng với những tư liệu, hình ảnh ở gian trưng bày về Đà Nẵng - Vùng đất và con người. Thông qua những tài liệu mộc bản, châu bản, văn bản, hình ảnh và bản đồ được trưng bày tại đây giúp em hiểu rõ hơn về quá trình hình thành cũng như những thay đổi về tổ chức hành chính vùng đất Đà Nẵng từ những năm 1306 khi tên gọi Đà Nẵng vẫn chưa xuất hiện, đến thời điểm TP Đà Nẵng chính thức được thành lập...". Đồng suy nghĩ, em Võ Thị Thu Vy - sinh viên (SV) năm thứ nhất chuyên ngành Du lịch lữ hành, trường ĐH Đông Á (quê Quảng Nam) - cho hay: "Em đã tham quan khá nhiều triển lãm, tuy nhiên từ triển lãm này giúp em hiểu hơn về lịch sử Đà Nẵng cũng như quá trình hình thành, phát triển của TP biển đáng yêu này nói riêng, về quá trình đấu tranh của ông cha ta nói chung để có một đất nước Việt Nam tươi đẹp như hôm nay. Là SV ngành du lịch lữ hành, triển lãm này lại càng cực kỳ hữu ích, cung cấp cho em nhiều kiến thức liên quan đến lịch sử, phục vụ cho công việc chuyên môn sau này...".
Ngoài những tài liệu quý như Châu bản, Mộc bản Triều Nguyễn, những tư liệu mật và tuyệt mật của chính quyền thuộc địa Pháp..., nhiều bạn trẻ là SV đang sinh sống, học tập trên địa bàn TP Đà Nẵng còn quan tâm, thích thú khi được nhìn thấy những bức ảnh về Đà Nẵng những năm 1970, Sắc lệnh 148-SL/CC ngày 11-10-1972 của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Cộng hòa về việc duyệt y đồ án thiết kế thị xã Đà Nẵng, bản đồ Quảng Nam-Đà Nẵng năm 1890... được trưng bày tại triển lãm. Không ít bạn trẻ khi đến đây tham quan đã tranh thủ chụp lại các tư liệu này làm nguồn tư liệu cho mình...
Các bạn trẻ chăm chú xem triển lãm Đô thị biển Đà Nẵng qua tài liệu lưu trữ. |
Không gian trưng bày triển lãm "Đô thị biển Đà Nẵng qua tài liệu lưu trữ" được Bảo tàng Đà Nẵng bố trí tại tiền sảnh tầng một với bố cục trưng bày theo ba chủ điểm gắn liền với từng mốc lịch sử quan trọng: Đà Nẵng - Vùng đất và con người; Đà Nẵng trong quá trình đấu tranh, bảo vệ nền độc lập của dân tộc (từ năm 1858 đến 1975); Đà Nẵng trong quá trình xây dựng và phát triển (1975 đến nay), đã góp phần tái hiện được bức tranh toàn cảnh về TP Đà Nẵng từ quá khứ đến hiện tại, giúp công chúng đến tham quan triển lãm hiểu rõ hơn về TP biển xinh đẹp, đáng yêu này. "...Có thể nói, những thăng trầm hơn 700 năm của vùng đất và con người Đà Nẵng đã được tổng hợp, trưng bày, giới thiệu tại triển lãm hôm nay thật sự là những tài liệu, hình ảnh rất có giá trị"- ông Hà Vĩ- Phó Giám đốc Sở VH&TT TP chia sẻ suy nghĩ tại lễ khai mạc.
Theo ông Đặng Thanh Tùng- Cục trưởng Cục Văn thư & lưu trữ Nhà Nước, Đà Nẵng là TP trực thuộc Trung ương có vị trí địa lý, chính trị và quân sự vô cùng quan trọng của đất nước. Đây cũng là mảnh đất lưu lại nhiều dấu ấn đậm nét về lịch sử và văn hóa, có bề dày về truyền thống, có vị thế đặc biệt trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc. "Bề dày lịch sử, vị thế, truyền thống của Đà Nẵng đã được khẳng định và ghi ghép khá đầy đủ thống nhất, toàn diện trong các di sản tư liệu thế giới của Việt Nam đã được UNESCO công nhận đó là các mộc bản, châu bản triều Nguyễn và nhiều tài liệu lưu trữ quốc gia khác hiện đang được bảo quản an toàn trong Trung tâm lưu trữ quốc gia thuộc Cục văn thư và lưu trữ nhà nước Bộ Nội vụ... Tại triển lãm lần này, các di sản tư liệu thế giới, các bảo vật quốc gia và tài liệu lưu trữ quốc gia do Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước Bộ Nội vụ quản lý đã được dày công lựa chọn để trưng bày cùng những hình ảnh, tư liệu, bản đồ hiện lưu trữ tại Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng, Bảo tàng Đà Nẵng và Báo Đà Nẵng. Điều này sẽ giúp cho nhân dân và du khách tiếp cận được tư liệu lịch sử chân thực, đáng tin cậy, để hiểu rõ thêm về những dấu mốc lịch sử, những giá trị truyền thống tốt đẹp, giá trị văn hóa đặc sắc của Đà Nẵng, góp phần bồi đắp lòng tự hào của người dân TP đối với truyền thống lịch sử cách mạng quê hương; từ đó đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng Đà Nẵng cùng đất nước ngày càng giàu đẹp"- ông Đặng Thanh Tùng nhấn mạnh.
Cũng theo Cục trưởng Cục Văn thư & lưu trữ Nhà nước, sau khi triển lãm kết thúc, Cục sẽ trao tặng toàn bộ các phiên bản, các di sản tư liệu thế giới và tài liệu lưu trữ này cho TP Đà Nẵng để bổ sung, làm phong phú thêm nguồn tư liệu phục vụ cho công tác nghiên cứu, giáo dục truyền thống lịch sử và xây dựng cơ sở dữ liệu của TP.
Có thể nói, hơn 200 tư liệu, tài liệu, hình ảnh được trưng bày tại triển lãm "Đô thị biển Đà Nẵng qua tư liệu lưu trữ" thực sự là nguồn tư liệu quý giá, rất đáng để công chúng trong, ngoài TP Đà Nẵng đến tham quan, tìm hiểu; nhất là với những ai yêu lịch sử, muốn tìm hiểu sâu hơn về lịch sử Đà Nẵng. Thời gian triển lãm vẫn còn (19-7 mới kết thúc), những ai chưa hay biết về triển lãm này, hãy nhanh chân đến Bảo tàng Đà Nẵng để hiểu và thêm yêu Đà Nẵng hơn.
KHÁNH YÊN