Đến từng khu dân cư cảnh báo thủ đoạn lừa xuất ngoại lao động rồi đòi tiền chuộc

Thứ sáu, 17/06/2022 07:43
Ngày 16–6, Lãnh đạo UBND xã Tà Long (H.  Đakrông, Quảng Trị) cho biết đã khẩn trương chỉ đạo các thôn, bản tập trung tuyên truyền trực tiếp tại nhóm hộ, khu dân cư về phương thức, thủ đoạn hoạt động mua bán người qua biên giới làm việc sau đó đe đọa gia đình đòi tiền chuộc. Đây đang là vấn đề nóng được người dân đặc biệt quan tâm, bởi đã có nạn nhân tại địa bàn Quảng Trị rơi vào bẫy, riêng xã Tà Long có 2 nạn nhân đang khắc khoải ngày về.
Lực lượng chức năng về từng bản tuyên truyền cho người dân vùng cao H.Đakrông.
Lực lượng chức năng về từng bản tuyên truyền cho người dân vùng cao H.Đakrông.

Tà Long là xã miền núi của huyện nghèo Đakrông, với hơn 4.300 khẩu, chủ yếu đồng bào Vân Kiều sinh sống. Địa bàn rừng núi hiểm trở, đi lại gian nan, đặc biệt là với 2 thôn giáp biên với nước bạn Lào là Pa Ngay và Ngược. Người dân không có nhiều điều kiện để tiếp cận công nghệ thông tin, chính vì thế việc tuyên truyền về phòng chống tội phạm, nâng cao cảnh giác được xã triển khai nhiều phương pháp, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền trực tiếp nhằm tác động nhanh, hiệu quả. Vượt rừng, băng suối để tới từng bản, từng cụm dân cư giữa thung lũng, hay trên đỉnh núi chưa bao giờ là việc dễ dàng nhưng vì bình yên của nhân dân nên cán bộ cơ sở đều nỗ lực hết mình.

Chia sẻ về tình hình 2 nạn nhân là con em địa bàn xã, Lãnh đạo UBND xã Tà Long cho hay đó là 2 thanh niên, gồm Hồ Văn T. (2003) và Hồ Văn H. (2004, cùng trú thôn Ly Tôn). Thông tin ban đầu ghi nhận, vào khoảng tháng 3 -2022, T. và H. vào Bình Dương làm việc. Quá trình đó, qua mạng zalo, T. được giới thiệu lên TPHCM làm việc, lương cao. T. và H. đón xe lên TPHCM gặp nhóm tuyển dụng trên đưa sang Campuchia làm việc. Tuy nhiên, sang đây rồi thì cả hai mới biết bị lừa, choáng váng khi muốn về Việt Nam phải nộp tiền. Cuối tháng 5-2022, T. và H. liên lạc về cho gia đình thông báo hiện đang ở Campuchia, nếu muốn về Việt Nam thì phải chuyển tiền chuộc người. Sự việc được báo đến chính quyền và cơ quan CA.

Cũng theo lãnh đạo xã Tà Long, gia đình hai em T. và H. đã chuyển theo yêu cầu vào số tài khoản do chúng cung cấp, mỗi trường hợp hơn 80 triệu đồng. Những gia đình trên đều là hộ nghèo nên phải vay mượn khắp nơi, bà con xóm bản cũng gom góp, giúp sức vào. Sau đó, bọn chúng yêu cầu chuyển thêm mỗi người 50 triệu đồng, nhưng gia đình các nạn nhân chưa thể xoay mượn ra tiền.

Thượng tá Hoàng Văn Trung- Trưởng Công an huyện Đakrông cho hay, ngay sau khi tiếp nhận tin tố giác từ gia đình của các nạn nhân, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đakrông đã thu thập thông tin, lấy lời khai ban đầu, sau đó chuyển tin báo trên đến Công an tỉnh Bình Dương để giải quyết theo thẩm quyền.

Một nạn nhân khác tại H. Hướng Hóa cũng đã bị sập bẫy tương tự, nhưng trường hợp này bị đề nghị nộp tiền chuộc ít hơn, 38 triệu đồng. Đó là nam vị thành niên (trú Khe Sanh, 2005) thông qua mạng xã hội được tuyển dụng vào làm việc tại tỉnh Tây Ninh. Tuy nhiên, vào đến nơi thì em bị lừa đưa sang Campuchia theo đường tiểu ngạch và “bố trí” vào một công ty có hệ thống canh giữ nghiêm ngặt, khép kín, được “đào tạo” các kỹ thuật lừa đảo tiền qua mạng. Ngày 30-5-2022, nạn nhân liên lạc được về với gia đình, thông báo phía công ty cho biết đã phải bỏ tiền ra mua nhân viên nên giờ phải làm trả nợ, nếu không thì nộp tiền chuộc mới được về. Nạn nhân đã tìm cách bỏ trốn nhưng bất thành. Sau đó, gia đình chuyển 1.530 UDS (hơn 38 triệu đồng) thì được đưa về Cửa khẩu Mộc Bài để làm thủ tục về nước.

Đây là thủ đoạn hoạt động phạm tội mới, phức tạp có dấu hiệu của nhiều loại tội phạm “Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép”, “Tội mua bán người”, “Cưỡng đoạt tài sản”, các tội sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản... có yếu tố nước ngoài với bị hại chủ yếu là các thanh, thiếu niên. Để phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, Công an các xã của tỉnh Quảng Trị đã thông báo tình hình, phương thức thủ đoạn hoạt động phạm tội nêu trên và đề nghị quần chúng nhân dân nâng cao cảnh giác, chủ động tự phòng ngừa bảo vệ con em thanh thiếu niên trong độ tuổi lao động trước nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm buôn bán người, lừa đảo chiếm đoạt tài sản... Khi phát hiện yếu tố nghi vấn, đề nghị người dân chủ động liên lạc với cơ quan công an nơi gần nhất để xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.

Bảo Hà