Đến với "Cõi phiêu bồng"

Thứ sáu, 20/04/2018 09:54

 

Đọc 60 bài thơ trong tập thơ "Cõi phiêu bồng" của Lê Xuân Định (Đinh Xuân Lệ)  do Nhà Xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành, tôi cảm thấy se thắt, rung cảm trước tấm lòng ấm áp của người con đất Huế, hiện công tác tại Bảo tàng Quảng Nam (Hội viên Hội VHNT TP Tam Kỳ). Mở đầu tập thơ tác giả dành tình cảm thiêng liêng cao quý nhất cho người mẹ: "Mẹ sinh ta khi đồng không mông quạnh/ Gió bấc về xô tấm liếp phân trâu..." và cái thời anh sinh ra trong những năm tháng còn chiến tranh, loạn lạc "Thời tao loạn theo cha bỏ xứ/ Đường mưu sinh nhiều bước thăng trầm". Cuộc đời anh là những chuyến đi dài ngày, qua nhiều miền quê, qua nhiều dòng sông chảy nặng phù hoa, gắn bó với biết bao nhiêu kỷ niệm với 3 dòng sông thơ mộng là sông Hương (nơi anh sinh ra), sông Hàn (nơi anh sinh sống) và sông Trường Giang (nơi anh công tác); 3 dòng trôi êm ái đã lắng đọng, hội tụ trong anh những cảm xúc thăng hoa, để rồi nó như chất xúc tác thành nên những trang thơ mượt mà, dung dị và lắng đọng... Và có lẽ 60 năm phong ba trong cuộc đời anh tuy chưa thỏa lòng thực hiện được giấc mơ "lớn lao" trong đời, song cái anh làm được là "Sáu mươi năm về neo bến cũ", con người là vậy, tuổi trẻ thì bôn ba vạn dặm đi khắp muôn phương vì kế sinh nhai và lo sự nghiệp, nhưng khi có tuổi thì muốn quay về quê hương nguồn cội, nơi cha mẹ sinh ta ra để tạ ơn đấng sinh thành: "Bỏ bữa bên chồng vì cơn ốm nghén/ Đau đớn khôn cùng giây phút khai hoa/ Bầu ngực thanh xuân như từng ước nguyện/ Cho con hồng hào mũm mĩm thịt da". Tác giả viết về Ngoại của mình khi đi vào "Cõi phiêu bồng": "Từ phố biển con về đưa tiễn ngoại/ Ngự Bình ơi xin vỗ về giấc ngủ/ Cho người vừa vĩnh biệt cõi trần gian..." (Tiễn Biệt);

Lê Xuân Định cũng dành nhiều bài thơ với từ ngữ đẹp, chọn lọc, cô đọng: "Trời xuân rắc bụi thiên đàng/ Long lanh rực cánh mai vàng dưới sân" (Tự cảm ngày xuân) để nói về thiên nhiên cuộc sống mà anh đã khắc khoải trải nghiệm và đi qua 60 mùa xuân đời người. Những câu thơ lãng mạn và đẹp trong tình yêu khi anh có dịp quay về quê hương: Chiều nhạt nắng đưa em qua bến Ngự/ Gió Trường Tiền gợn mái tóc ngàn mây/ Em đùa nghịch che mắt anh, hỏi thử:/ Có biết rằng nhịp thứ mấy không đây? hay như: Tạm biệt Huế - đường khuya đôi bóng đổ/ Hàng cây xanh nuôi dưỡng những cuộc tình/ Giọt cà-phê bên dòng "sông trăng đó"/ Em trở về xứ Quảng để…xa anh (Về Cố đô)… Làm công tác bảo tàng, bảo tồn di sản văn hóa Việt, nên anh có cái tâm, cái tầm của một người biết quý trọng yêu thương, biết rung cảm trước những trăn trở của cuộc đời của tạo vật và tạo hóa và anh có thuận lợi trong việc được đi nhiều nơi trên đất nước để có những gửi gắm vào thơ.

VÕ VĂN THỌ