"Đi cũng dở, ở không xong" với Khe Cạn
Mùa nắng thì tuyến kênh "không lối thoát" bốc mùi nồng nặc, ô nhiễm nghiêm trọng; mùa mưa thì ngập úng, sình lầy tràn cả vào nhà. Điệp khúc này đã lặp đi lặp lại gần chục năm nay, khiến cuộc sống của hàng trăm hộ dân ở P. Thanh Khê Tây, Q. Thanh Khê (Đà Nẵng) nằm ở trung tâm thành phố nhưng rất nhếch nhác, tạm bợ. Tình cảnh này là quan hệ nhân quả liên quan đến dự án Khu vực cống thoát nước Khe Cạn đứng bánh suốt một thời gian dài. Chính quyền cơ sở thì chưa gỡ được, người dân thì "đi cũng dở, ở không xong" vì nhà cửa, đất đai rà đến đâu rối đến đó.
Các loại giấy tờ liên quan đến nhà đất mà người dân cung cấp, theo cơ quan chức năng là không đảm bảo tính pháp lý để đền bù, bố trí tái định cư. |
Rối như tơ vò
Đã qua 9 lần tiếp công dân, 80 lượt trả lời đơn thư kiến nghị ở cấp quận nhưng nhiều năm trời dự án Khu vực cống thoát nước Khe Cạn đi qua địa bàn P. Thanh Khê Tây gần như vẫn còn nằm trên giấy vì không thể hoàn thành khâu đền bù giải tỏa, giải phóng mặt bằng và lên phương án bố trí tái định cư. Người dân ở đây bức xúc gọi đây là dự án "mắc cạn" và cho rằng các phương án đền bù từ phía chính quyền là không hợp tình, còn cơ quan chức năng thì khẳng định đã vận dụng tối đa các quy định để giải quyết theo hướng có lợi cho từng trường hợp. Trong các đơn thư kiến nghị, đối thoại với phường, quận, các hộ dân mong muốn được "đền bù" tốt hơn để ổn định cuộc sống, nhưng UBND P. Thanh Khê Tây và Q. Thanh Khê khẳng định hầu hết trong số này chỉ thuộc diện "hỗ trợ", vì nếu làm theo lý thì phần lớn đều phải giải tỏa theo diện "0 đồng"!
Cầm trong tay hàng chồng giấy tờ, tài liệu liên quan đến nhà đất mà mình đang ở kèm theo đơn thư kiến nghị, bà Hồ Thị Châu (trú tổ 20, P. Thanh Khê Tây) cho biết: Bà mua lô đất diện tích 80m2 trên địa bàn theo diện viết tay cách đây 10 năm. Khi làm nhà ở bà được cấp giấy phép xây dựng tạm để đủ điều kiện làm hợp đồng điện, nước; hàng năm thực hiện nộp thuế theo diện đất phi nông nghiệp. Bà Châu cho rằng đất và nhà xây trên đất đã được sử dụng lâu năm, xây dựng có giấy phép tạm, nộp thuế đầy đủ thì nếu buộc di dời, giải tỏa phải được đền bù như là đất đã có sổ. Tuy nhiên trên thực tế thì phương án mà Hội đồng giải phóng mặt bằng và các cơ quan chức năng Q.Thanh Khê đưa ra chỉ là hỗ trợ với mức giá rất thấp. "Hỗ trợ như vậy thì không thể đảm bảo cho chúng tôi có cuộc sống mới. Nếu nhận tiền để mua đất thì không đủ, mà nhận tái định cư trong chung cư nhà ở xã hội thì suốt đời cũng là ở thuê, phòng ốc lại nhỏ, nằm trên tầng cao. Từ chỗ có đất, có nhà giờ không có gì cả, phải đi ở như ở trọ thì làm sao được", bà Châu nói.
Cùng hoàn cảnh này, bà Nguyễn Thị Phượng cho biết, lô đất 93m2 mà bà đang ở được mua từ năm 2009, khi xây nhà cũng được cấp giấy phép tạm, có xác nhận nhà ở, hợp đồng điện nước và hàng năm cũng đóng thuế phi nông nghiệp. Tuy nhiên khi lên phương án đền bù giải tỏa thì thuộc diện đất nông nghiệp là không hợp lý. "Về lý, khi thu hồi đất của chúng tôi thì phải đền bù ở mức như là đất ở, vì chúng tôi thực hiện nghĩa vụ tương đương. Về tình thì chúng tôi là những người dân nghèo, cần có nơi an cư. Nếu phải ra đi mà không có tiền mua đất để ở, không được bố trí tái định cư thì chúng tôi không biết đi đâu", bà Phượng trình bày.
Không thỏa đáng với phương án hỗ trợ để di dời phục vụ dự án Khu vực cống thoát nước Khe Cạn (phân kỳ 1), mới đây 60 hộ dân tại P. Thanh Khê Tây đã gửi đơn khiếu nại đến cơ quan chức năng, báo chí với mong muốn chính quyền có cách giải quyết để không phải "chịu thiệt thòi". Nhiều người cũng thẳng thắn thừa nhận bản thân họ có cái sai là trước đây vì khó khăn về kinh tế hoặc nhận thức chưa tới nên chưa ý thức được việc hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đến khi ý thức được tầm quan trọng của việc này thì đất đã nằm trong vùng quy hoạch dự án nên không thể cấp sổ đỏ cho đất ở nữa. Theo người dân địa phương, có một điều lạ là trong khi họ không thể làm sổ thì cũng ngay trong khu vực này một số người khác đã bằng cách nào đó "ra sổ" được nên đủ điều kiện đền bù, bố trí tái định cư. Một số ý kiến khác thì thắc mắc cho rằng nếu làm cống thoát nước thì chỉ cần phóng thẳng một đường, qua nhà ai thì nhà đó hiến đất, không nhất thiết phải giải tỏa hàng trăm hộ dân.
Một đoạn trên tuyến kênh Khe Cạn ô nhiễm, mùa nắng thì hôi thối, mùa mưa thì ngập úng. |
"Vận dụng hết mọi quy định để có phương án tốt nhất cho dân"
Bà Lê Thị Nhật Diệu - Chủ tịch UBND P. Thanh Khê Tây cho hay, các vấn đề liên quan đến dự án Khu vực cống thoát nước Khe Cạn hiện là mối quan tâm lớn nhất liên quan đến vấn đề an sinh xã hội của phường. "Dự án triển khai từ phía Cẩm Lệ về tới đây thì tắc lại, nguyên nhân chính cũng là vấn đề đền bù giải tỏa. Bà con gắn bó, sinh sống ở đây lâu lắm rồi, nhưng giờ hồ sơ đất đai không đảm bảo tính pháp lý. Chiếu theo quy định hiện hành thì phần lớn không đủ cơ sở để đền bù, bố trí tái định cư. Nhưng không thể để người dân ra đi tay trắng. Quận cũng đang đề xuất lên thành phố các phương án sao cho hài hòa quyền lợi, còn địa phương thì chỉ tuyên truyền, vận động thôi chứ không có thẩm quyền giải quyết được", bà Diệu thông tin.
Khi trao đổi những khó khăn trong quá trình triển khai dự án Khu vực cống thoát nước Khe Cạn, ông Tào Hùng - Chánh Văn phòng UBND Q. Thanh Khê cũng thừa nhận là "đang rất khó tháo gỡ". Theo ông Hùng, dự án được UBND thành phố phê duyệt quy hoạch chi tiết 1:500 tại quyết định số 345/QĐ-UBND ngày 14-9-2016 với tổng diện tích quy hoạch 64.834m2. Thành phố cũng giao tiến độ giải phóng mặt bằng phân kỳ 1 của dự án là hoàn thành trong quý II-2020. Theo phương án bố trí tái định cư, chỉ có các hộ giải tỏa đất ở và đất khuôn viên mới được bố trí tái định cư, còn các hộ giải tỏa đất nông nghiệp thì không đủ điều kiện bố trí.
Phân kỳ 1 của dự án này sẽ thực hiện giải tỏa 134 hồ sơ (trong lòng tuyến cống là 101 hồ sơ và khu vực dùng để xây dựng 2 block chung cư là 33 hồ sơ), giải tỏa hẳn 120 hồ sơ, giải tỏa một phần là 14 hồ sơ. Trong số này chỉ có 19 hồ sơ đất ở, có tới 115 hồ sơ đất nông nghiệp. Dù UBND thành phố Đà Nẵng giao hết quý II-2020 phải hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng nhưng đến hiện tại chỉ có 25 hồ sơ bàn giao mặt bằng (9 hồ sơ đất ở và 16 hồ sơ đất nông nghiệp), số còn lại chưa thực hiện vì cho rằng chế độ hỗ trợ quá thấp không đủ đảm bảo cuộc sống mới.
Ông Hùng cũng cho biết, căn cứ theo quy định của pháp luật, UBND thành phố đã có một số thông báo về các mức hỗ trợ đối với người dân trong vùng dự án. Cụ thể hỗ trợ 100% giá đất trồng cây hàng năm vị trí 1 đồng bằng (98.000 đồng/m2), cây cối hoa màu 18.000 đồng/m2 đối với đất trống. Tiếp đó thành phố cũng có công văn thống nhất hỗ trợ tiền thuê nhà đối với các hộ trong vùng giải tỏa là 3 triệu đồng/tháng/hộ. Đầu năm 2020, tiếp tục có công văn thống nhất hỗ trợ 100% giá trị nhà, vật kiến trúc đối với các trường hợp xây trên đất nông nghiệp, đất do phường quản lý được giải quyết thuê căn hộ chung cư; 80% đối với các trường hợp không được thuê chung cư.
Mới đây nhất, ngày 9-4-2020 UBND thành phố tiếp tục thống nhất hỗ trợ các trường hợp đất nông nghiệp xen lẫn trong khu dân cư. Cụ thể, các thửa đất tiếp giáp 3 hoặc 4 mặt với đất ở thì được hỗ trợ thêm 50% giá trị đất ở trong khu vực; tiếp giáp 2 mặt hỗ trợ thêm 40%, tiếp giáp 1 mặt hỗ trợ thêm 30%. Các trường hợp không tiếp giáp với đất ở nhưng có ít nhất 1 mặt tiếp giáp với các thửa đất thuộc diện trên đây thì hỗ trợ thêm 20%. Trong vùng dự án hiện chỉ mới có 12 hồ sơ theo diện này được phê duyệt hỗ trợ hơn 1,4 tỷ đồng. Còn lại 103 hồ sơ đất nông nghiệp chưa được hỗ trợ. "Nếu đúng về lý, sẽ có nhiều hộ thuộc diện giải tỏa mà không có bất cứ khoản đền bù, hỗ trợ nào. Vì vào thời kỳ trước, trên giấy phép tạm cấp cho người dân xây nhà có nội dung "cam kết không mua bán chuyển nhượng và tự động tháo dỡ không yêu cầu đền bù khi quy hoạch". Tuy nhiên, giờ khó khăn thế này thì quận cũng tham mưu thành phố vận dụng hết mọi quy định để có phương án tốt nhất cho dân", ông Hùng nói.
Với câu hỏi của người dân vì sao chỉ thực hiện dự án cống thoát nước Khe Cạn mà phải giải tỏa cả diện tích lớn? Có hay không việc thu hồi đất để sau này phân lô bán nền? ông Hùng cho biết dự án này rất lớn, đã được quy hoạch và thực hiện qua 2 giai đoạn. "Việc thu hồi đất là phục vụ cho cả 2 phân kỳ, chứ không thể để lại rồi sau này lại tiếp tục thu hồi cho giai đoạn 2. Dự án đã quy hoạch rồi, không có chuyện lấy đất phân lô để bán", ông Hùng khẳng định.
Liên quan đến thắc mắc vì sao trong cùng một khu vực nhưng có một số người đã làm được "sổ đỏ", giờ thuộc diện được đền bù, bố trí tái định cư nhưng phần lớn không ra sổ được, ông Trần Trung Nam - Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường Q. Thanh Khê cho biết: "Đây là vấn đề mang tính lịch sử, tế nhị. Lúc đó như thế nào tôi không rõ".
Công Khanh