Đi lại sau Tết "dễ thở"

Thứ năm, 02/02/2017 09:13

(Cadn.com.vn) - Ngày 1-2 (tức mồng 5 Tết) là ngày nghỉ cuối cùng trong kỳ nghỉ Tết Đinh Dậu, ngoài phần lớn người dân ngoại tỉnh đã trở lại Đà Nẵng để làm đúng lịch thì một bộ phận vẫn còn được nghỉ bù do làm thêm trước khi về hoặc các doanh nghiệp linh động cho nghỉ thêm vì chưa cấp bách trong sản xuất kinh doanh. Điều này cộng với việc lượng xe phục vụ Tết dồi dào khiến việc đi lại của người dân chủ động, không xảy ra tình trạng thiếu vé, vạ vật dọc đường hay nhồi nhét khách.

Sáng mồng 5 Tết, nhiều người bắt đầu trở lại Đà Nẵng làm việc.  Ảnh: Công Khanh 

Không có cảnh vạ vật, nhồi nhét

Nếu như những năm trước, bắt đầu từ mồng 4 Tết đã xuất hiện cảnh người dân các tỉnh phía Bắc đứng dọc đường để bắt xe vào Nam thì năm nay tình trạng này còn rất ít. Theo đại diện các hãng xe, hầu hết công nhân, sinh viên, người làm việc ở tỉnh xa đã chủ động mua vé cho ngày vào ngay trong Tết nên ngày đi đã được phòng vé điện báo giờ xuất phát. Đại diện phòng vé Tú Tạc của Cty Hải Vân tại bến xe Vinh (Nghệ An) cho hay, để chủ động cho cả hành khách và công tác điều phối của nhà xe, hầu hết vé đi vào Nam đã được bán trực tiếp ngay trước Tết. Người dân phải trực tiếp đến phòng vé để mua tránh tình trạng đặt chỗ nhưng không lấy vé và đơn phương hủy ngày đi khiến nhà xe không thể bù thêm khách trong tình trạng vẫn còn ghế. “Khi đã nộp tiền và nhận vé, người đi phải tự sắp xếp công việc vui chơi, thăm thú để đi đúng lịch trình. Điều này hạn chế tình trạng người cần thì không có, người có thì muốn đổi, hủy. Áp lực tại các bến xe cũng được giảm đi rõ rệt”, chị Huệ - nhân viên phòng vé Tú Tạc cho hay.

Một lý do khác khiến chuyện tàu xe cả trước và sau Tết không còn căng thẳng là sự ra đời của nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách với các xe giường nằm đời mới phục vụ nhu cầu đi lại của người dân các địa phương phía Bắc làm việc tại Đà Nẵng. Theo anh Trần Đình Vinh (trú xã Xuân Lộc, H. Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), hiện là công nhân tại khu công nghiệp Hòa Cầm, Đà Nẵng, ngoài việc có một số chuyến xe đưa đón miễn phí một bộ phận công nhân, sinh viên thì những người còn lại thường hay liên kết hợp đồng với các hãng xe để chủ động cho việc về và đi. Các xe hợp đồng thường đến đón tận nhà hoặc các khu vực trung tâm, giá cả cũng vừa phải, người quen đi cùng nhau nên rất vui.

Mờ sáng mồng 5 Tết, Bến xe Đà Nẵng đón rất nhiều chuyến xe giường nằm từ các tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên số xe cập bến cũng không dồn dập, không hề có cảnh nhồi nhét, chêm khách hoặc xảy ra căng thẳng giữa hành khách với nhà xe. Chị Nguyễn Thị Mai – công nhân Chi nhánh Cty CP Nhựa Chinhuei tại Khu công nghiệp Hòa Khánh cho biết: “Vì là xe giường nằm nên không thể nhồi nhét. Cùng lắm một vài người do đi đột xuất, không có vé thì thỏa thuận với nhà xe nằm ở lối đi. Tuy nhiên cũng rất sạch sẽ và thoải mái, hình như do mức phạt rất cao nên gần như các nhà xe không dám bắt thêm khách dọc đường”.

Sau Tết, Bến xe Đà Nẵng đủ đầu xe để tập trung phục vụ các tuyến phía Nam và Tây Nguyên. Ảnh: Công Khanh

Tập trung cao điểm phục vụ tuyến phía Nam

Theo lãnh đạo Cty CP Vận tải và Quản lý bến xe Đà Nẵng, bắt đầu từ ngày 29-1 (mồng 2 Tết) đến ngày 6-2 (ngày 10-1 Âm lịch), các nhà xe đã tập trung giải tỏa khách các tuyến phía Nam. Trong số này, tuyến Đà Nẵng - TP Hồ Chí Minh sẽ có 37 xe giường nằm quay đầu liên tục, tuyến Khánh Hòa có 19 xe, tiếp đó là Bình Định, Vũng Tàu, Ninh Thuận, Cần Thơ và các tỉnh Tây Nguyên. Các hãng xe lớn của tuyến này như Phi Hiệp, Hải Vân, Lào Tiển, Phương Trang, Quang Hạnh... đều cam kết có đủ phương tiện để đáp ứng nhu cầu của người dân, kể cả những ngày cao điểm. Từ trước Tết, bến xe Đà Nẵng đã yêu cầu các nhà xe cam kết tăng cường gấp đôi số lượng xe chạy so với ngày thường. Trung bình mỗi ngày có hơn 1.000 lượt xe phục vụ việc đi lại của hành khách. Cũng do người dân đã chủ động mua vé từ sớm nên trong những ngày sau Tết, 37 phòng vé đều rất vắng vẻ.

Theo ông Lê Viết Hoàng - Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Vận tải và Quản lý bến xe Đà Nẵng cho biết, đến thời điểm này việc đi lại của người dân rất thuận lợi, an toàn, tất cả hành khách đi xe đều có vé, không có tình trạng bắt chẹt, lấy giá cước cao hơn so với quy định. Hiện đơn vị thường xuyên bố trí bộ phận theo dõi, giám sát chặt chẽ các xe xuất bến để đảm bảo cho hành khách đi đúng giá. “Chúng tôi không bố trí phiên cho xe nếu không đảm bảo điều kiện xuất bến theo quy định hoặc lái xe đã uống rượu bia. Ngoài ra, để hạn chế tình trạng xe bỏ bến ra chạy dù, lực lượng chức năng không giải quyết các trường hợp báo nghỉ hoạt động trong chiến dịch Tết nếu không có lý do chính đáng và chưa được cơ quan quản lý tuyến địa phương chấp thuận”, ông Hoàng cho hay.

Tương tự như bến xe, trong buổi sáng mồng 5 Tết,  lượng người đến và đi tại ga Đà Nẵng cũng rất thưa thớt. Để phục vụ hành khách đi lại sau Tết, ngoài 30 đoàn tàu Thống Nhất, ga Đà Nẵng tăng cường thêm 7 đôi tàu khu đoạn, chạy các chặng như Đà Nẵng - Hà Nội, Đà Nẵng – TP Hồ Chí Minh... để giảm tải cho các đôi tàu chạy thường xuyên. Đến thời điểm này, ga Đà Nẵng đã bán ra gần 6.000 vé cho hành khách đi lại sau Tết. Ngành đường sắt giảm giá vé từ sau mồng 10 Tết khuyến khích người dân đi vào các ngày thấp điểm.

Công Khanh