Đi qua vùng thủy điện

Thứ tư, 02/11/2016 10:01

* Kỳ 1: Cuộc sống bức bách từ những khu tái định cư

(Cadn.com.vn) - Để được xây dựng, chủ đầu tư các công trình thủy điện (CTTĐ) đều cho rằng khi đi vào hoạt động, CTTĐ sẽ tham gia điều tiết nước, cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp vào mùa khô, cắt giảm lũ vào mùa mưa. Nhưng thực tế những năm qua cho thấy, các CTTĐ ở miền Trung đã làm thay đổi dòng chảy khiến hạ lưu khô cạn, người dân thiếu nước sản xuất, sinh hoạt. Trong khi đó, rừng bị tàn phá nhiều do phải nhường đất cho CTTĐ, khi lũ xuất hiện, CTTĐ không những không cắt được lũ mà còn xả nước để cứu đập khiến người dân vùng hạ du gánh thêm tai họa. Với 42 dự án CTTĐ đã được phê duyệt và vận hành, Quảng Nam được xem là địa phương có mật độ CTTĐ nhiều nhất nước. Thế nhưng hiện tại, cuộc sống người dân nơi có dự án CTTĐ vẫn còn đối mặt với muôn vàn khó khăn.

Thiếu đất sản xuất và nước sinh hoạt

Khu tái định cư (TĐC) thôn 2, xã Phước Hòa (H. Phước Sơn, Quảng Nam) nằm trên đồi cao nhìn về phía nhà máy TĐ Đắc Mi 4. Năm nay, dù đã vào mùa mưa nhưng bể chứa nước phục vụ sinh hoạt của hơn 60 hộ dân nơi đây khô trơ đáy. Thiếu nước sinh hoạt, hằng ngày người dân khu TĐC này phải xuống khu vực làng cũ cách đó mấy cây số để lấy nước về dùng. "Thiếu nước sinh hoạt, thiếu đất sản xuất, nhà ở chật chội, hư hỏng xuống cấp, không có chỗ chăn nuôi gia súc… là những vấn đề rất cần được các cấp chính quyền và chủ đầu tư quan tâm để người dân có được một cuộc sống tốt hơn" - ông Hồ Văn Thành - Trưởng thôn 2 vừa nói vừa dẫn chúng tôi lên bể chứa nước trên đồi cao của thôn. Bể được xây dựng bê-tông kiên cố gồm 2 ngăn, một ngăn chứa nước chảy về và một ngăn chứa nước đã qua hệ thống lọc sơ bộ. Tuy nhiên, thời điểm này cả hai ngăn chứa đều trơ đáy.

"Khi chưa có thủy điện, cuộc sống người dân chúng tôi cũng có khó khăn nhưng đời sống tương đối ổn định. Vì đất sản xuất có, có vườn cây ăn quả, có nước suối để sinh hoạt, nhà cửa tuy phên nứa nhưng rộng rãi, có chỗ ngủ cho con cái. Bây giờ thì nhà của thủy điện xây đã xuống cấp, nứt nẻ, cửa ngõ hư hỏng. Đặc biệt nguồn nước sinh hoạt do thủy điện làm cho dân bị hư hỏng, hơn 2 năm nay thì nguồn nước mất hẳn. Để có nước sử dụng, người dân phải đi 3km lấy nước về dùng" - ông Thành than thở.

Người dân khu TĐC CTTĐ Đắc Mi 4 đang sống trong bức bách, nghèo khó.

Cách đây gần 10 năm (2009), để triển khai xây dựng CTTĐ Đắc Mi 4, gần 100 hộ dân ở thôn 2 (xã Phước Hòa) và thôn Nước Lang (xã Phước Xuân) phải di dời chỗ ở để nhường hơn 60ha đất ở, đất sản xuất cho CTTĐ. Sau gần 10 năm về ở nơi mới, hầu hết các hộ dân CTTĐ đều rơi vào tình cảnh khó khăn, cuộc sống ngột ngạt, bức bách do thiếu thốn nhiều thứ. "Khi còn ở làng cũ có rất nhiều công việc để kiếm ra tiền như bắt ốc, cá, bứt mây, lá nón, chưa kể làm rẫy, làm lúa có lương thực dự trữ. Từ khi chuyển qua khu TĐC mới này, cuộc sống vất vả, không có đất để trồng lúa. Giờ hầu hết người dân tại đây chỉ biết làm thuê để kiếm sống, nhưng người được thuê đa phần là đàn ông, còn phụ nữ chỉ quanh quẩn ở nhà, không có việc gì làm" - chị Hồ Thị Mai (khu TĐC thôn 2) chia sẻ.

Khu TĐC thôn 2 trước đây chỉ có 44 hộ dân sinh sống, nhưng qua nhiều năm, đến nay phát sinh tăng thêm 20 hộ. Thiếu đất để ở, nhiều hộ phải sống chung một nhà, nhưng nhà do CTTĐ xây chỉ có một phòng ngủ nên cuộc sống vô cùng bức bách.

Bà Lê Thị Sen - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hòa nhìn nhận: "Người dân TĐC thôn 2 khổ lắm. Không có nước dùng, nhà bị xuống cấp, đất sản xuất lại thiếu... Nhiều lần chúng tôi kiến nghị lên huyện cũng như chủ đầu tư CTTĐ để xem xét hỗ trợ sửa chữa nhà cửa, đường ống dẫn nước cho người dân, nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm gì". Ông Hồ Công Điểm - Chánh Văn phòng UBND H. Phước Sơn cũng cho rằng, những bức xúc của người dân là có thật: "Về phía huyện sẽ tiếp tục đôn đốc thủy điện Đắc Mi 4 thực hiện nghĩa vụ, sớm khắc phục những khó khăn của người dân đang gặp phải".

Bể nước sinh hoạt của thôn 2, xã Phước Hòa trơ đáy.

Dân bỏ làng

Không riêng gì các khu TĐC CTTĐ ở Phước Sơn, ở H. Bắc Trà My, cũng gần 10 năm trước (2009), hơn 800 hộ dân của các xã Trà Bui, Trà Đốc, Trà Tân phải di dời chỗ ở nhường đất cho việc xây dựng CTTĐ Sông Tranh 2. Sau khi vào các khu TĐC do CTTĐ xây dựng, qua nhiều năm sinh sống cuộc sống của người dân nơi đây gặp vô vàn khó khăn. 2 thôn TĐC 3A và 3B của xã Trà Đốc có gần 200 hộ dân sinh sống. Do thiếu đất sản xuất nên hàng chục hộ dân bỏ nhà ở khu TĐC để về lại khu vực lòng hồ CTTĐ trước đây dựng lều sinh sống. "Khó khăn lớn nhất của người dân nơi đây là thiếu đất sản xuất và nước sinh hoạt. Để có đất canh tác, người dân về lại khu vực lòng hồ, nơi có diện tích đất chưa bị ngập nước để ở. Một số hộ dân thậm chí bán nhà để đi nơi khác sinh sống. Hơn 4 tháng nay, thủy điện cũng không còn trợ cấp gạo nữa nên cuộc sống người dân khó khăn hơn" - ông Hồ Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Trà Bui cho biết.

Anh Hồ Văn Du nói ngôi nhà do CTTĐ xây xuống cấp nghiêm trọng, không ở được.

Tuy có nhà do CTTĐ xây để ở, nhưng cũng như nhiều gia đình khác, gia đình anh Trần Văn Du (1983, trú thôn 3A) không dám ở nhà xây mà dựng túp lều bên cạnh để vợ con cùng ở. Chỉ qua ngôi nhà của mình do CTTĐ xây, anh Du nói: "Nhà thủy điện xây chất lượng kém lắm, nứt nẻ khắp nơi. Thỉnh thoảng động đất lại xảy ra nên mình sợ nhà sập, không dám ở. Ở đây nhà nào cũng dựng thêm lều chứ ở nhà xây không yên tâm".

Cách đó khoảng 10km, từ lòng hồ CTTĐ Sông Tranh 2 nhìn lên, nóc Sơ Rơ (thuộc thôn 8, xã Trà Bui) trông như một khu phố với những ngôi nhà san sát nhau. Trước đây người dân nơi đây cũng sống dưới khu vực lòng hồ CTTĐ, sau khi được đưa lên đây, không có đất ở, dân số ngày càng đông nên nhà này chen với nhà kia để "mọc lên" trên lưng chừng đỉnh đồi. Đỉnh đồi này có diện tích khoảng hơn 2ha nhưng có đến gần 120 hộ dân sinh sống. Tương tự những nơi TĐC khác, thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt vẫn là tình cảnh người dân nơi đây hằng ngày phải gánh chịu…

Bão Bình
(còn nữa)