"Di tích Chăm tại Đà Nẵng & những phát hiện mới"

Thứ bảy, 27/09/2014 08:01
 

(Cadn.com.vn) - Là tựa đề tập sách được biên soạn từ đề tài "Khảo sát, sưu tầm hiện vật và lập bản đồ di tích Chăm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng" do các nhà nghiên cứu khảo sát thực hiện trong những năm gần đây, nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng làm chủ biên. Sách do Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành tháng 8-2014.

Tập sách bao gồm 4 chương, trình bày khoa học, kèm theo nhiều tài liệu bản đồ, hình ảnh chi tiết các di tích hiện vật, để người đọc đối chứng dễ dàng. Chương đầu là những vấn đề chung, trình bày nhắc lại danh xưng Chiêm, Chàm, Chăm, Lồi, Hời, Chiêm Thành, Chăm... đến đặc điểm địa lý, lịch sử của Đà Nẵng trong thời kỳ Champa và Đại Việt, nêu rõ về lịch sử vùng đất Đà Nẵng, với những cuộc tiếp xúc giữa các nền văn hóa lớn, các cuộc xê dịch biên giới và đan xen, hòa trộn cư dân, đã để lại dấu ấn trong cách ứng xử, cả phá hủy và kế thừa đối với các di sản văn hóa Champa.

Trong các chương còn lại, chủ yếu thống kê miêu tả các di tích Chăm tại TP Đà Nẵng, qua thực tế từ các cuộc khảo sát, khai quật khảo cổ. Cụ thể, ở chương 2, nhóm biên soạn miêu tả 7 địa điểm di tích chính, nơi đó có những bằng chứng rõ ràng về các kiến trúc Chăm đã từng tồn tại, còn tìm thấy những hiện vật có giá trị tiêu biểu. Cụ thể là các di tích: An Sơn, Cấm Mít, Khuê Trung, Ngũ Hành Sơn, Phong Lệ, Quá Giáng, Xuân Dương.

Bên cạnh đó là những địa điểm khác có phát hiện những dấu vết ít ỏi của kiến trúc Chăm, có những di vật Chăm được tái sử dụng hoặc những nơi mà ký ức dân gian vẫn cho là di tích của người Chàm, người Hời, như Thành Lồi và các giếng cổ... Chương 3 là phần thống kê, miêu tả các hiện vật đã sưu tầm đưa về Bảo tàng Điêu khắc Chăm và các hiện vật còn trong di tích từ những địa điểm nói trên. Phần này chủ yếu thông qua hình ảnh một số hiện vật còn lại, được xếp theo từng di tích, qua đó để bạn đọc có thể hình dung phần nào về các di tích mà phần lớn kiến trúc đã bị hủy hoại. Chương 4 trình bày ý nghĩa, giá trị các di tích và các hiện vật.

Đặc biệt, trong phần lời bạt, nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng cho rằng: "So với các tháp Chăm còn nguyên vẹn ở các địa phương khác thì di tích Chăm ở Đà Nẵng rất khó để đưa vào khai thác phục vụ du lịch. Tuy nhiên, nếu đặt các di tích Chăm như một bộ phận trong một tổng thể kết hợp với các yếu tố khác thì vẫn có thể phát huy được giá trị của di tích Chăm trong lộ trình tham quan. Những di tích, hiện vật Champa chúng tôi còn nhìn thấy, còn khảo tả hôm nay có lẽ chỉ đủ là một chút "của tin" để thế hệ mai sau biết mình đang sống trên một mảnh đất có bề dày lịch sử hàng ngàn năm, nơi biết bao sinh linh từng đón chào ánh mặt trời chói lọi ban mai, từng thổn thức trong buổi chiều hiu hắt. Thế phách bao thế hệ đã hòa tan cùng trời đất nhưng tinh thần vẫn gởi gắm ở từng viên gạch, phiến đá cổ xưa. Chúng ta cần trân trọng và giữ gìn".

Trần Trung Sáng