Di tích Hải Vân Quan chậm tiến độ trùng tu

Thứ tư, 06/03/2024 18:31
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án Bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan với thời gian đến hết quý II-2024. Nghĩa là việc mở cửa đón khách sẽ kéo dài do với tiến độ đề ra khi khởi công dự án

Theo kế hoạch khi khởi công, cuối năm 2023 dự án trùng tu di tích Hải Vân Quan sẽ hoàn thành và bắt đầu mở cửa đón khách tham quan. Tuy nhiên, mới đây UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt điều chỉnh dự án, kéo dài thời gian đến hết quý II-2024.

Hiện các đoàn khách du lịch lên Hải Vân Quan chỉ có thể tham quan, check - in bên ngoài. Nếu đúng như điều chỉnh tiến độ thì phải đến giữa năm 2024 di tích này mới cửa đón khách
Hải Vân Quan vẫn còn đóng cổng để tiếp tục hoàn thiện các hạng mục

Sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, nhiều đoàn khách du lịch, khách lẻ trong và ngoài nước đến Hải Vân Quan để tham quan nhưng chỉ có thể check – in phía ngoài rồi trở về vì cổng vào di tích vẫn đóng cửa. Nhìn toàn cảnh, công việc trùng tu có vẻ đã cơ bản xong nhưng nhiều người ngạc nhiên vì sao điểm du lịch nổi tiếng này vẫn chưa đón khách theo kế hoạch đề ra khi cơ quan chức năng TP Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế bắt tay thực hiện dự án.

Nhiều công việc còn dang dở

Đến thời điểm hiện tại, các hạng mục như Hải Vân Quan, Thiên hạ đệ nhất hùng quan, nhà trú sở, nhà vũ khố, các vị trí pháo đài, tường đá, lối đi cơ bản hoàn thành. Cùng với đó, phần tường chắn đất, mương thoát nước, hệ thống tường thành nhà Nguyễn, cổng phụ, chòi canh, lan can cơ bản hoàn tất. Tuy nhiên một số hạng mục khác vẫn còn dang dở, trong đó có việc hạ ngầm đường dây điện băng qua đường ở khu vực đỉnh đèo phía Đà Nẵng vẫn chưa hoàn thiện.

Một trong số đó là việc hạ ngầm đường điện trung thế 22kV từ bên kia đường chạy qua khu vực di tích

Khi được hỏi về nguyên nhân, Viện Khoa học công nghệ xây dựng - Phân viện miền Trung thông tin, do thời tiết mưa liên tục thời gian trước tết, đơn vị trực tiếp thi công hạng mục này vướng một số thoả thuận pháp lý với Cục Quản lý đường bộ 3, Điện lực Liên Chiểu... dẫn đến việc dù khối lượng công việc không nhiều nhưng chưa thể hoàn thiện. Do đó tiến độ thực hiện dự án được đề nghị điều chỉnh tùy theo tình hình thực tế.

Nguyên nhân của việc chậm trễ là đơn vị thi công gặp thời tiết bất lợi dịp trước tết Nguyên đán, kèm theo đó là vướng một số thủ tục pháp lý liên quan đến nhiều đơn vị khác

Ông Hà Thúc Thịnh– cán bộ Phòng Kế hoạch kỹ thuật, Điện lực Liên Chiểu cho biết, đơn vị quản lý, vận hành tài sản là khoảng hơn 200m đường dây điện trung thế 22kV đi qua công trình để đảm bảo hoạt động của trạm thu phát sóng trên núi Hải Vân. Để thực hiện việc hạ ngầm này thì nhà thầu thi công phải hoàn thành một số loại giấy phép, thoả thuận cần thiết. Trong đó có giấy phép băng đường của Cục Quản lý đường bộ 3, văn bản thoả thuận với Cty Điện lực Đà Nẵng và các văn bản pháp lý liên quan khác.

Nhiều khu vực nằm trong khuôn viên di tích vẫn chưa hoàn thiện

Khi đủ điều kiện, Điện lực mới có căn cứ để đồng ý, cho phép cắt điện trong thời gian nhất định để hạ ngầm, đảm bảo an toàn điện, sau đó phải hoàn trả để cấp điện trở lại. “Nếu duy tu, cải tạo mà có ảnh hưởng đến hiện trạng lưới điện thì đơn vị chủ đầu tư có trách nhiệm hoàn trả lại lưới điện cho Cty Điện lực Đà Nẵng rồi mới nghiệm thu. Tóm lại tài sản của điện lực như thế nào thì phải hoàn trả lại như thế đó”, ông Thịnh cho hay.

Liên quan đến tiến độ thi công hạ ngầm tuyến cáp, đại diện đơn vị thi công cho biết, sáng mai (7-3) việc hạ ngầm sẽ chính thức được tiến hành. Theo phương án, Điện lực Liên Chiểu sẽ cắt điện từ 8 giờ 30 đến 15 giờ 30 cho việc khoan, hạ ngầm, đấu nối trở lại.

Đèn chiếu sáng trong di tích đã được lắp đặt chờ đấu nối điện

“Hiện vật tư đã được tập kết tại hiện trường. Tổng cộng sẽ hạ ngầm 290m, trong đó có 12m xuyên qua đường. Thật ra cáp ngầm đã thi công hết rồi, chỉ còn đấu nối hai bên đường và thu hồi dây trên không thôi. Nếu thời tiết thuận lợi, chúng tôi chỉ làm trong một buổi là xong để bàn giao lại cho phía Điện lực, góp phần đẩy nhanh tiến độ dự án, mở cửa đón khách, phục vụ du lịch cho 2 địa phương Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế”, vị đại diện này cho biết.

Việc khoan và chạy cáp ngầm đã hoàn thành từ lâu. Hiện tại nhà thầu chỉ còn việc đấu nối hai bên đường và thu hồi dây trên không

Tìm hiểu nguyên nhân dự án chậm tiến độ, chúng tôi được biết hạng mục hạ ngâm đường điện không phải là nguyên nhân duy nhất. Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án Bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan với thời gian đến hết quý II-2024.

Ông Võ Văn Dũng – Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở Văn hoá – Thể thao TP Đà Nẵng cho biết, đơn vị được giao có trách nhiệm phối hợp với phía Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế để đẩy nhanh tiến độ dự án. Ngay sau khi đường dây điện trung thế chạy qua di tích được hạ ngầm, hai bên tiếp tục phối hợp đẩy nhanh một số hạng mục còn lại đồng thời có các buổi làm việc để thảo luận về phương án quản lý, khai thác, phục vụ du lịch, phát triển kinh tế giữa 2 địa phương.

“Nếu theo quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thì khoảng hơn 3 tháng nữa dự án trùng tu sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, suốt thời gian qua chúng tôi đã liên tục làm việc với nhau để thống nhất phối hợp quản lý, khai thác, mở cửa đón khách”, ông Dũng cho hay.

Hiện các đoàn khách du lịch lên Hải Vân Quan chỉ có thể tham quan, check - in bên ngoài. Nếu đúng như điều chỉnh tiến độ thì phải đến giữa năm 2024 di tích này mới cửa đón khách

Di tích Hải Vân Quan được xây dựng vào năm 1826, là một đồn lũy quân sự trấn thủ tại đỉnh đèo Hải Vân, ngay ranh giới giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng. Đây là công trình chứa đựng nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử và cũng là thắng cảnh nổi tiếng, góp phần vào sự phát triển du lịch của 2 địa phương. Di tích cũng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích Quốc gia vào năm 2017.

Cuối năm 2021, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng khởi công dự án bảo tồn tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan. Tổng mức đầu tư dự án hơn 42 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố Đà Nẵng 50% và ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế 50%. Thời gian dự kiến thực hiện dự án trong vòng 2 năm. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng tổ chức triển khai thực hiện dự án.

Công Khanh