Đi tìm cây trồng “sống chung với bão”

Thứ tư, 23/10/2013 21:59

(Cadn.com.vn) -  Bão lũ đã, đang và sẽ mãi mãi là “khắc tinh” của nhiều loài, trong đó có các loại cây trồng. Thực tế thiệt hại kinh hoàng do các cơn bão, lũ, lốc xoáy liên tiếp vừa qua ở miền Trung đối với rừng, vườn cao su, cà-phê, tiêu, chuối... là lời cảnh báo và cũng đặt ra cho người nông dân và những nhà hoạch định chiến lược phát triển kinh tế nước ra những vấn đề cần giải quyết: trồng cây gì để xóa nghèo.

CAO SU KHÔNG... DAI NHƯ TÊN GỌI

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Quảng Nam, bão số 11 gây thiệt hại hơn 400ha cây cao su trên địa bàn tỉnh, ước tính thiệt hại hơn 20 tỷ đồng. Đây không phải lần đầu tiên cây cao su Quảng Nam chịu ảnh hưởng bởi mưa bão. Các trận bão năm 2006, năm 2007 và năm 2009 cũng gây thiệt hại nặng cho ngành cao su tại địa phương này. Sau bão, Nông trường Cao su Đức Phú, trải rộng hơn 1.000ha trên địa bàn xã Tam Thạnh (H. Núi Thành) hoang tàn, xác xơ. Sau khi bão tan, cán bộ, công nhân nhiều nông trường gần như “thả tay” khi đến hiện trường. Ông Dương Phú Tân-Giám đốc Nông trường Cao su Đức Phú cho biết, đơn vị có hơn 1.000ha cây cao su ở giai đoạn kiến thiết, kinh doanh, trong đó khoảng 200ha đang thu hoạch mủ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng do bão.

Hiệp Đức, vốn được xem là “thủ phủ” cao su ở Quảng Nam, dù xa biển hàng chục ki-lô-mét cũng thiệt hại nặng nề. Toàn huyện có hơn 2.550ha cây cao su đại điền, 1.500 ha cao su tiểu điền. Sau bão số 11, trên địa bàn huyện có hơn 178ha cao su gãy, ngã.

Cao su ngã đổ sau bão số 10 ở Quảng Bình.

Trước đó, cơn bão số 10 đổ bộ vào Quảng Bình cũng làm hàng ngàn héc-ta cao su hư hại. Tại thị trấn Nông trường Việt Trung (TTNNVT), H. Bố Trạch có gần 2.000 ha cao su bị gãy đổ, chiếm 90% tổng diện tích và ước tính thiệt hại gần 200 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Văn Thủy, cán bộ H. Bố Trạch, toàn huyện có 7.321 ha cao su bị gãy đổ, chiếm hơn 70% tổng diện tích. Các huyện Lệ Thủy, Tuyên Hóa, Minh Hóa (Quảng Bình) cũng có hàng trăm héc-ta cao su bị gãy đổ đã đẩy hàng chục ngàn hộ nông dân lâm vào cảnh cùng cực.

Tại Quảng Trị, bão số 10 cũng đã làm 9.500 ha cao su bị gãy, đổ, xiêu vẹo, thiệt hại  hàng trăm tỷ đồng.

“CÂY XÓA NGHÈO” KHIẾN NÔNG DÂN TÁI NGHÈO

Không riêng cây cao su, bão số 10, 11 còn tàn phá hàng ngàn héc-ta cây trồng khác ở các tỉnh miền Trung. Hàng trăm héc-ta bắp, mía, mì bị ngã đổ, bị ngâm nước, nông dân chỉ còn biết chặt cây về cho trâu, bò ăn. Tại Đại Lộc (Quảng Nam), hàng chục héc-ta chuối, đu đủ cũng bị phá nát. Riêng về chuối, được mệnh danh là “cây nghị quyết” ở vùng này đã mất trắng 70 ha. Cạnh đó, nhiều hộ trồng tiêu ở Gio Linh, Vĩnh Linh (Quảng Trị) cũng khốn đốn vì trụ tiêu ngã đổ, tiêu “buông tay” héo rũ. Ngay cả các loại cây lấy gỗ bị ngã đổ cũng đã gây thiệt hại lớn cho người trồng, tại TT-Huế có khoảng 390 ha keo bị gãy đổ. Tại Đà Nẵng, chỉ riêng xã Hòa Phú (H. Hòa Vang), thống kê sơ bộ toàn xã có hơn 1.800ha keo từ 2 - 5 năm tuổi bị gãy đổ; ước tính thiệt hại ban đầu khoảng 50 tỷ đồng...

Sau bão số 11, gia đình ông Đoàn Nghệ (thôn Phước Hà, xã Bình Phú, H. Thăng Bình, Quảng Nam) gần như kiệt quệ khi  hơn 8 ha cao su bị gió quật gãy ngang thân. “8ha cao su qua gần 8 năm tôi đã đầu tư hơn 2,3 tỷ đồng. Vừa rồi 6ha cao su cho thu hoạch mủ gần 100 triệu đồng, Vừa mới hy vọng đổi đời từ rừng cao su, nay tôi không chỉ mất trắng mà mang nợ đầm đìa, bởi vốn đầu tư phải vay...”.

Không riêng gì gia đình ông Nghệ, hàng nghìn hộ nông dân với khát vọng đổi đời đã mạnh dạn vay vốn đầu tư các loại cây trồng vốn được xem là “cây xóa nghèo” như cao su, keo, mì, ngô, mía... Nay bị bão tàn phá, nguy cơ tái nghèo là hiện hữu.


Người dân Quảng Nam dọn rừng cao su bị bão số 11 tàn phá.

CẦN SỰ VÀO CUỘC CỦA CÁC NHÀ KHOA HỌC

Cách đây vài tháng, H. Thăng Bình (Quảng Nam) tổ chức hội thảo kỹ thuật cạo mủ cao su cho nông dân trồng cao su tiểu điền tại rừng cao su của gia đình ông Đoàn Nghệ, người vừa được nêu. Chưa kịp phấn khởi vì mô hình làm ăn hiệu quả này, người trồng cao su hoặc có ý định trồng cao su lại vấp phải thực tế phũ phàng: gặp “khắc tinh” bão. 

Nhìn nhận vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam vẫn khẳng định: “Dù bão lũ gây thiệt hại nặng nề, trong đó có cả người dân trồng cao su, nhưng tôi khẳng định tiếp tục trồng cây cao su tiểu điền, đại điền nhưng không phát triển một cách vô tội vạ, phải thận trọng không nên phát triển ồ ạt như phong trào trồng cây sắn trước đây. Theo đó tỉnh Quảng Nam tiếp tục làm việc với Tập đoàn cao su Việt Nam để khảo sát lại địa hình phù hợp để tiếp tục trồng cây cao su”.

Được biết, năm 1998 tỉnh Quảng Nam bắt đầu trồng thí điểm 10ha cây cao su tại H. Hiệp Đức. Sau đó, cây cao su được mở rộng diện tích trồng tại địa phương này. Đến nay, tỉnh Quảng Nam đã trồng được 14.592ha/gần 50.000ha quy hoạch ở 8 huyện Núi Thành, Phước Sơn, Tây Giang, Nông Sơn, Nam Giang, Hiệp Đức, Đông Giang và Bắc Trà My. Tuy nhiên qua thực tế trên có thể thấy, cây cao su không thể trồng phân tán, thiếu tập trung dạng tiểu điền mà phải tập trung vào đại điền. Bởi lẽ, khi hình thành được vùng trồng rộng lớn, rừng cây điệp trùng sẽ là lá chắn gió bão, hạn chế rủi ro thiệt hại.

Tại các tỉnh miền Trung, địa hình đồi núi dốc nên việc quy hoạch phát triển kiểu đại điền như các tỉnh Tây Nguyên rất khó. Do vậy hơn lúc nào hết, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Nam nên nhìn nhận lại, nếu với quan điểm “tiếp tục phát triển cao su” thì phải có biện pháp như thế nào để tránh thiệt hại cho người trồng mỗi khi bão đến.

Với các loại cây khác, nhất là những giống ngắn ngày, các nhà khoa học cần vào cuộc giúp người nông dân nghiên cứu cải tạo, lai giống, thay đổi niên vụ để “tránh” bão, lũ. Bên cạnh đó, cần thiết tuyên truyền sâu rộng hơn nữa người nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật, tuân thủ các khuyến cáo, không phát triển ào ạt, thiếu quy hoạch... nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do bão, lũ gây ra.

Bão Bình- Văn Thi