Đi tìm gương điển hình tiên tiến
(Cadn.com.vn) - Có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, điển hình tiên tiến (ĐHTT) là một nhân tố quan trọng, làm nòng cốt cho phong trào thi đua yêu nước ở nước ta hiện nay. Phong trào thi đua mà không có ĐHTT thì phong trào không có sức sống và ngược lại, có ĐHTT mà không có phong trào thi đua thì những điển hình đó cũng không có cơ hội được tôn vinh để mọi người biết và học tập. Trong công tác thi đua khen thưởng (TĐKT), việc phát hiện, nhân rộng các ĐHTT trong tất cả mọi lĩnh vực đời sống xã hội, học tập lao động sản xuất, chiến đấu và kinh doanh... là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của những người làm công tác TĐKT, là đối tượng không thể thiếu trong các phong trào thi đua.
Những năm tháng đất nước còn gian khổ, đổ biết bao mồ hôi, hy sinh xương máu để giải phóng miền Nam và xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, phong trào thi đua đã có tác dụng mạnh mẽ, là động lực góp phần vào thắng lợi sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Những ĐHTT trong giai đoạn này rất dễ bắt gặp. Đó là những gương “Gương người tốt việc tốt” thường xuyên được biểu dương, tôn vinh qua báo chí, trong các tập sách xuất bản, đặc biệt được Bác Hồ rất quan tâm qua “Tủ sách người tốt việc tốt”. Những ĐHTT thời kỳ đó, có khi chỉ là những con người bình dị như chị lao công, chị y tá ở bệnh viện, anh thương binh, anh thợ điện, chị nông dân... xuất hiện từ các phong trào phụ nữ “Ba đảm đang”, “Thanh niên ba sẵn sàng”... Những tấm gương rất đời thường nhưng lại rất phi thường.
Khi đất nước chuyển sang giai đoạn của cơ chế thị trường, mở cửa, phong trào thi đua yêu nước vẫn tiếp tục được duy trì, củng cố và phát triển để phù hợp với tình hình mới. Trong giai đoạn này, thước đo hiệu quả cuối cùng thường được quan tâm là năng suất, chất lượng, là doanh thu trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh cả ở đối tượng nông dân đến công nhân, doanh nhân, từ nông thôn đến thành thị.
Việc phát hiện các nhân tố điển hình nếu chỉ thông qua các báo cáo tại các hội nghị tổng kết, các kỳ đại hội thi đua, hoặc qua tìm hiểu về doanh thu của doanh nghiệp, đóng góp thuế cho Nhà nước, nộp ngân sách, làm từ thiện nhiều hay ít... tất nhiên là một trong các tiêu chuẩn để bình xét, nhưng nếu chỉ chú tâm vào những công việc này, đôi khi lại trở thành biểu hiện của quan liêu, xa rời thực tế. TĐKT không chỉ là những công việc mang tính sự vụ đơn thuần như việc tổ chức các lễ công bố, trao giải thật “hoành tráng”; là số lượng bằng khen, huân huy chương trong năm càng nhiều càng có thành tích... mà người làm công tác TĐKT phải là người sống trong lòng phong trào, hòa mình vào phong trào, từ đó mới nắm bắt, phát hiện các ĐHTT cần phát huy, nhân rộng và nhất là tạo sức sống cho phong trào. Cũng tránh tình trạng, chỉ ưu tiên, quan tâm các doanh nghiệp lớn, các cơ quan có “vị trí quan trọng”, “hào phóng” trong quan hệ mà bỏ qua, thiếu quan tâm đến những những cá nhân, tập thể ở cơ sở, vùng sâu vùng xa, làm những công việc thầm lặng nhưng có ích nước lợi dân...
Đã có tình trạng, việc khen thưởng hàng năm thì rầm rộ với đủ loại danh hiệu, bằng khen, giấy khen và cả huân huy chương, nhưng khi cơ quan báo chí đến đề nghị cung cấp các gương ĐHTT để đưa tin, viết bài thì lại bị động, lúng túng, chật vật mãi mới tìm ra, thậm chí, bí quá phải tìm lại những ĐHTT của trước đó mấy năm!? Tìm ở đâu ư? Họ là những con người lao động thầm lặng, cần mẫn ngày đêm, giản dị nhưng lại làm những công việc rất có ý nghĩa, tô đẹp cho bức tranh cuộc sống như những người công nhân vệ sinh môi trường, những nông dân cặm cụi, mày mò phát minh ra các công cụ phục vụ cho sản xuất, những thầy cô giáo bỏ phố “cõng chữ” lên non dạy các em vùng sâu vùng xa... Các anh, các chị làm việc với thái độ tự giác, chăm chỉ. Họ là những “anh hùng thầm lặng”, những “chiến sỹ thi đua”, những “lao động tiên tiến” trong lòng mọi người. Họ khiêm tốn, không đòi hỏi bằng khen này danh hiệu nọ. Không giống như một số người, mới làm được những việc chưa phải là to tát gì cho đất nước, nhưng lại tích cực vận động, o bế cơ quan TĐKT để được khen thưởng càng nhiều danh hiệu càng tốt!!!
Sẽ là thiếu sót, vô trách nhiệm nếu những người làm công tác TĐKT bỏ qua hoặc thiếu quan tâm đối với các đối tượng xứng đáng là ĐHTT ở cơ sở, đáng để khen lại không được khen, trong khi những đối tượng chỉ nổi về bề ngoài, chịu khó “đánh bóng, tô vẽ” lại được đặc biệt quan tâm, chiếu cố cho khen thưởng hết danh hiệu này đến danh hiệu khác. Những tồn tại, bất cập vẫn có thể gặp ở đây đó, quả là một sự bất công đáng suy ngẫm và cần phải thay đổi từ trong cách nghĩ và hành động của những người làm công tác TĐKT trong giai đoạn hiện nay. Có như vậy, phong trào thi đua yêu nước mới thực sự mạnh về chất, mới có ý nghĩa thiết thực, góp phần tôn vinh cái hay, cái tốt, xây dựng đất nước ngày càng tươi đẹp để cả dân tộc ta, đi đâu cũng bắt gặp những vườn hoa, những bông hoa “Người tốt việc tốt” khoe sắc tỏa hương.
Dân Hùng