Đi tìm lời ru Raglai

Thứ năm, 09/09/2010 00:00

(Cadn.com.vn) - Tình cờ tôi được xem một bản dịch mộc ghi lại âm sắc, lời ca làn điệu Du anảq (ru con), Du adin (ru em) của đồng bào dân tộc Raglai. Và tôi đã đi tìm những lời ru đó, tìm người hát những làn điệu đó. Nhưng, có đi tìm mới biết, những người mẹ, người chị Raglai bây giờ đã không còn hát ru như ông bà của họ ngày xưa...

Lời ru ngày xưa

Trong một lần lên công tác tại huyện miền núi Khánh Sơn (Khánh Hòa), có dịp trò chuyện với anh Mấu Quốc Tiến–Nhà sưu tầm văn hóa Raglai, tôi ngỏ ý muốn tìm hiểu về những làn điệu hát ru của đồng bào Raglai, anh Tiến trầm ngâm: “Khó lắm, đồng bào mình bây giờ không hát ru nữa đâu”.

Rồi anh say sưa kể cho tôi nghe về cái thanh âm tha thiết, cái không gian mênh mang, tĩnh lặng vào mỗi trưa, mỗi chiều khi những làn điệu ru con, ru em chậm chậm lan đều trên nương rẫy, trong bản làng. “Thế hệ bọn mình được lớn lên cùng lời ru của bà, của mẹ. Giấc ngủ trẻ thơ được nhịp điệu lời ru đong đưa dẫn lối. Từ trên lưng mẹ, những lời ru cứ ngấm dần vào tâm hồn để khi lớn khôn vẫn mãi nhớ về những thanh âm ấy”- anh Tiến tâm sự. Qua lời kể của anh, nhất là khi được anh dịch lại lời của một vài bài hát ru, tôi đã phần nào hình dung được không gian và vai trò của những làn điệu hát ru trong đời sống tâm hồn của người Raglai xưa.

Ngày xưa ấy, những người con Raglai sinh ra và lớn lên trên vùng đất Khánh Sơn được “tắm mát” trong những làn điệu hát ru con, ru em ngọt ngào, tha thiết. Lời ru con được các bà mẹ Raglai hát trên đường đi lên rẫy; khi trỉa bắp, trồng mì; lúc hái rau rừng... Và trên lưng mẹ, lưng chị giấc ngủ trẻ thơ được chìm sâu cùng âm thanh nhẹ nhàng, ngân nga, đều đặn theo nhịp bước chân của người mẹ, người chị.

Lời hát ru hòa cùng tiếng suối chảy, tiếng gió rừng, tiếng chim muông giữa đại ngàn bao la. “Này con ơi! chờ mẹ về nhé, mẹ đi rẫy thôi mà. Con nhỏ hãy ngủ đi này. Chiều mát mẻ rồi chiều sẩm tối, con cứ ngủ thiếp giấc say...”; “Em này em ơi! em hãy ngủ đi. Chị sẽ hái cho em trái đậu cúc đu đưa. Chiều mát mẻ rồi, em hãy ngủ đi. Mẹ đang từ trong rẫy đi về. Mẹ gùi nhiều củi về sưởi ấm... Ừ em ơi! cha đang đi làm rẫy xa, mẹ đang xuống suối múc nước. Mà em ơi! đừng khóc nữa...” .

Những người mẹ trẻ Raglai bây giờ không còn biết hát ru như xưa.  

Những lời hát ru của đồng bào Raglai, bên cạnh việc tạo ra thanh âm dịu dàng, da diết để trẻ thơ dễ chìm vào giấc ngủ thì phần nội dung lời ru chính là sự gửi gắm tình cảm của người mẹ, người chị vào trong đó. Những lời hát ru mộc mạc, đơn sơ nói về cảnh sinh hoạt, lao động thường nhật trên nương rẫy của đồng bào; nói về khung cảnh núi rừng hùng vĩ, tươi đẹp; nói về bản làng thân thiết... Tất cả đều hài hòa, dung dị dễ đi vào tâm hồn trong trẻo của trẻ thơ. “Cha đang đi rẫy bẻ bắp. Mẹ đang đi rẫy ghé vào hái rau ơ kìa. Mẹ từ rẫy về mẹ sẽ bế em. Ừ là ừ em hãy ngủ ngon...”.

Theo lời anh Mấu Quốc Tiến, kho tàng những làn điệu hát ru của đồng bào Raglai vốn rất phong phú. Nội dung của những làn điệu đó bên cạnh việc miêu tả lại khung cảnh thiên nhiên, sinh hoạt, lao động,... thì có nhiều làn điệu còn nói đến nguồn gốc tổ tiên; những chiến công của người Raglai... Đáng tiếc là bây giờ những làn điệu đó đã bị mai một đi nhiều, việc sưu tầm lại những làn điệu đó ngày càng khó khăn do đồng bào bây giờ đã... ngại hát những làn điệu ru con, ru em.

Nghe ông già hát ru

Với mong muốn được nghe trực tiếp đồng bào Raglai hát ru, tôi đã nhờ anh Tiến giới thiệu cho gặp người nào đó còn biết hát. Đáp lại đề nghị của tôi là ánh mắt bối rối của anh: “Ở Khánh Sơn bây giờ chỉ còn hai người chịu hát ru, đó là cụ bà Tro Thị Hai ở xã Ba Cụm Nam và ông Mấu Cường ở thôn Tà Lương (thị trấn Tô Hạp). Nhưng hai cụ này cũng chỉ biết hát một vài làn điệu thôi”. Và tôi đã nhờ anh dẫn đến nhà cụ bà Tro Thị Hai, nhưng không may cho chúng tôi khi đến nơi thì bà Hai đã lên rẫy.

Chúng tôi lại quay trở về thị trấn Tô Hạp tìm đến nhà ông Mấu Cường. Trong nhà sàn nhỏ, ông Cường đồng ý hát cho chúng tôi nghe một làn điệu hát ru mà ông không nhớ tên gọi của nó là gì. Ông Cường bảo “Lâu không hát, quên gần hết rồi, chỉ còn nhớ một ít thôi”. Do không biết tiếng Raglai nên tôi chỉ có thể cảm nhận được âm thanh ề a đều đều, nhịp nhàng, có quãng ngân dài.

Sau khi được anh Tiến dịch lại, tôi mới biết đoạn lời ru ông Cường vừa hát có nội dung “Ngủ ơi! ngủ ngon giấc ơi! Con của mẹ đấy ơi! mau chìm vào giấc ngủ. Con này nơi! Con như búp măng non. Chỗ êm ấm này con hãy ngủ ngon...”.

Rời nhà ông Mấu Cường, chúng tôi mang theo nỗi băn khoăn về tương lai của những làn điệu hát ru. Bởi hôm nay đây, dù không trọn vẹn nhưng vẫn còn được nghe hát ru, nhưng rồi ngày mai biết ai còn nhớ đến những tiếng lòng của các bà, các mẹ ngày xưa?

Với ý định tìm hiểu vì sao người mẹ, người chị Raglai bây giờ không còn hát ru như ngày xưa, tôi gặp chị Bo Bo Thị Hồng, ở thôn A Thi (xã Ba Cụm Bắc) đang địu trên lưng đứa bé mới 3 tháng tuổi. Chị Hồng bảo: “Mình không biết hát ru đâu. Lúc nào thấy con khóc thì cho bú thôi”. Còn chị Cao Thị Miên, ở thôn Tà Gụ, có 3 con nhỏ thì nói: “Mình thỉnh thoảng có ru con nhưng ru như người Kinh ấy, không biết ru như ông bà mình đâu...”.

Có thể thấy một thực tế, cùng với thời gian, những làn điệu hát ru của người Raglai đang ngày càng vắng bóng trong cuộc sống của chính đồng bào. Lớp trẻ người Raglai bây giờ đa số không biết hát ru, còn lớp người già một số biết hát nhưng lại e ngại nên không hát và cũng không lưu truyền cho con cháu. Để tìm được những lời ru Raglai ngay trong cộng đồng người Raglai bây giờ thật sự là điều không dễ dàng gì.

Trao đổi với anh Tiến về việc sưu tầm và lưu giữ những làn điệu hát ru, anh chia sẻ: “Sử thi, cồng chiêng, hay các làn điệu dân ca, dân vũ... còn có thể phục dựng được thông qua một số lễ hội của đồng bào, còn với hát ru, việc phục dựng rất khó. Đặc thù của những làn điệu hát ru là gắn bó chặt chẽ với cuộc sống thường nhật của người dân như cơm ăn, nước uống. Vậy nên, nếu đồng bào không biết hoặc biết nhưng không mặn mà với những làn điệu hát ru của chính cha ông họ để lại thì mọi nỗ lực đều vô nghĩa”.

Rời đất Khánh Sơn, tôi mường tượng về một không gian mênh mang, sâu lắng với những lời hát ru, nhưng sao lòng vẫn thấy trống trải một nỗi niềm luyến tiếc...

Bùi Minh Hải