Đi tìm thương hiệu quốc tế cho Huế

Thứ tư, 11/07/2018 14:33

Mấy năm trước, ở Huế đã diễn ra hội thảo quốc tế do Sở VH-TT&DL TT-Huế phối hợp với Akitek Tenggara (Singapore) tổ chức, nhằm xây dựng một thương hiệu Huế trên thế giới... Rất nhiều tham luận đã được trình bày, ai cũng có chung trăn trở là làm thế nào  xây dựng một thương hiệu du  lịch bền vững cho Huế. Thế nhưng chưa thấy bản tham luận nào bàn  đến cách xây dựng một thương hiệu cụ thể. Thương hiệu quốc tế của một vùng đất có thể là một sản phẩm công nghiệp, sản phẩm văn hóa, trang phục truyền thống hay một món ăn. Năm qua, hãng thông tấn CNN đã  bình chọn 50 món ăn nổi tiếng thế giới, Việt Nam có 2 món là Phở Hà Nội và gỏi cuốn Sài gòn. Còn Tổ chức Kỷ lục Châu Á đã công nhận 12 món ăn Việt Nam nổi tiếng là: phở Hà Nội, bún chả Hà Nội, bún Thang Hà Nội; gỏi cuốn Sài Gòn, cơm tấm Sài Gòn, bánh Đa Cua Hải Phòng, cơm cháy Ninh Bình, miến Lươn Nghệ An, phở Khô Gia Lai, bánh Khọt Vũng Tàu, bún bò giò heo Huế và mì Quảng (Quảng Nam). Cuối năm 2012, tại TP Hồ Chí Minh Hội Kỷ lục châu Á cũng đã công nhận  chiếc bánh đậu xanh Phượng Hoàng Vũ khổng lồ (dài 6,8 m, rộng 4,2 m) của Nghệ nhân ẩm thực Tôn Nữ Hà và con gái là Phan Tôn Tịnh Hải (Huế). Đây cũng là một kỳ tích, một thương hiệu ẩm thực mang tầm quốc tế được công nhận. Điều này có ý nghĩa trong việc khẳng định những giá trị về văn hóa ẩm thực Huế, góp phần quảng bá hình ảnh Huế và  Việt Nam ra thế giới.

Thực khách có thể vừa thưởng thức bữa ăn vừa thưởng thức nhã nhạc cung đình Huế.  

Như vậy, Huế cũng có một món ăn mang tầm quốc tế. Quả thực bún bò giò heo Huế đã trở thành thương hiệu nổi tiếng từ lâu trong nước. Ở bất cứ địa phương nào từ  miền núi Tây Bắc đến Nam Bộ, từ Hà Nội đến Sài Gòn, nơi nào cũng có hàng chục quán bún Huế. Có nhiều món ăn Huế cũng có thể trở thành thương hiệu thế giới được như: bánh khoái Thượng Tứ, cá dìa, cá hanh Phá Tam Giang hấp của Quán Ông Táo, bánh canh cá lóc Thủy Dương, bánh bèo tôm chấy... Các món này đều có trong Guide Book thế giới, mà khách du lịch  quốc tế nào đến Huế cũng cầm trong tay. Quán bánh khoái Thượng Tứ ở Cửa Thượng Tứ hàng ngày đông chật khách Tây. Hay các món ăn trong các đêm Dạ nhạc tiệc tại các kỳ Festival Huế trong Đại Nội do các đầu bếp giỏi của Công ty Du lịch Hương Giang chế biến, theo tôi cũng là những sản phẩm ẩm thực chất lượng cao. Các món ăn độc đáo đa dạng ấy có được từ những món ăn truyền thống kết hợp với những bí quyết và công nghệ chế biến, đến các sản vật địa phương riêng có và chế phẩm đi kèm..., kể cả triết lý "âm dương" trong việc kết hợp các nguyên liệu, gia vị của món ăn sao cho hài hòa, đảm bảo dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe. Các món ăn đó có thể "mang chuông đi đấm xứ người" được.

Đó là mới nói thương hiệu ẩm thực. Huế còn  nhiều sản phẩm văn hóa- lịch sử nổi tiếng khác như: áo dài Huế, cổ vật cung đình, điệu múa chén độc đáo, âm nhạc Trịnh Công Sơn, nhã nhạc Huế... Nếu trong mỗi nhà hàng ta biết kết hợp ẩm thực với trình diễn áo dài theo kiểu Minh Hạnh, triển lãm giới thiệu cổ vật cung đình, hay trình diễn âm nhạc Trịnh Công Sơn... chắc chắn sẽ thu hút được nhiều tầng lớp thực khách có trình độ, khách sang trọng ở các nước, từ đó  mà quảng bá thương hiệu. Tuy nhiên, thương hiệu một địa phương, một doanh nghiệp có được bắt đầu từ việc quảng bá lâu dài và bền bỉ năm này qua năm khác. Không thể nói suông, hô hào suông một vài lần mà được. Muốn tạo ra thương hiệu quốc tế Huế, tỉnh, ngành du lịch phải có chiến  lược đầu tư cụ thể cho việc phát triển thương hiệu Huế ở nước ngoài trong vòng vài thập niên hoặc xa hơn.

Ngô Minh