Đi tìm vẻ đẹp của đá

Thứ bảy, 14/12/2013 11:33

(Cadn.com.vn) - Tân Lâm thuộc xã Cam Thành, H. Cam Lộ, Quảng Trị là nơi có trữ lượng đá lớn nhất tỉnh.  Đá con đá mẹ, đá chồng đá vợ xếp chất đống lên nhau để rồi thành những triền núi với độ cao tương đối lớn. Trên đó, hằng ngày có những con người miệt mài tìm đá cảnh để làm đẹp cho đời...

Những ngôi vườn đặc biệt, trồng toàn “cây đá”.

Ông Bùi Xuân Thắng (49 tuổi), ở thôn Thượng Lâm, Cam Thành đã có 8 năm làm nghề lấy đá cảnh, bảo tôi: “Đã bao giờ nhìn thấy loại đá nào có màu máu chưa, ở đây có loại đá đặc biệt vậy đó”. Quả thực, đá đen, đá nâu, đá tổ ong, đá để rải đường thì không lạ gì, nhưng “đá máu” thì không dễ gì mục sở thị. Ông Thắng cười rồi nói rằng đá màu máu là đá được nhuộm bởi máu của những người làm nghề này đó! Khi có nhu cầu “đưa núi rừng về nhà” của những người nhiều tiền lắm của thì cái nghề này cũng bắt đầu manh nha ở vùng này.

Theo người dân địa phương, từ năm 2002 không biết từ đâu mà các chủ xây dựng lùng sục khắp nơi tìm mua đá cảnh. Ban đầu chỉ vài hộ làm, một thời gian sau thì nhà nhà, người người lao vào nghề này, dần dà trở thành nghề “cơm gạo” của những người chuyên cõng đá trên lưng. Theo ông Thắng, đá cảnh để làm hòn non bộ hiện nay giá khoảng 2 triệu đồng/khối loại thường, những viên riêng rẽ thì tùy theo kích thước, hình thú mà  định giá, có viên lên đến chục triệu, trăm triệu đồng là chuyện thường. Nhưng việc phát hiện, khai thác và vận chuyển đá cảnh không đơn giản.

Ông Bùi Xuân Thắng bên một hòn đá tự nhiên vừa tìm được.

Theo chân những người đi tìm đá cảnh ở thôn Thượng Lâm mới thấy nỗi vất vả và nguy hiểm của nghề này. Từ mờ sáng nhóm thợ tìm đá phải cơm đùm gạo bới xuyên rừng. Từng khoảng núi đá cao chất ngất bị lùng sục, không có nơi nào vắng dấu chân những người đi tìm đá. Trớ trêu thay, đá cảnh chỉ nằm ở những nơi hóc hiểm, việc đi đứng đã khó khăn huống hồ vận chuyển. Ở nơi này những ngọn núi có độ cao từ 500 đến 600 m nằm thành dãy, muốn chuyển được đá xuống chỉ có hai cách. Một là cõng đá trên lưng, hai là dùng hệ thống cáp tời đưa xuống. Còn những viên có kích thước và trọng lượng quá lớn thì đành để nó yên vị mà ngắm.

Ông Lê Độ, người chuyên truy tìm những viên đá có hình thù kỳ quái chia sẻ: “Đá cảnh phải giữ nguyên hiện trạng tự nhiên, nếu bị sứt mẻ một góc nhỏ hay xây xước thì bị mất giá, có khi phải bỏ đi. Vì vậy, người thợ đá cần thận trọng trong mỗi bước vận chuyển đá. Cõng đá trên lưng cẩn trọng như cõng con cái mình vậy”. Vì thế, cái nghề nhọc nhằn và nguy hiểm này không phải ai cũng làm được. Điều cần nhất của một thợ đá cảnh là sức khỏe, gan góc và khả năng thẩm mỹ. Những viên đá được mang về nhà nhỏ nhất cũng vài ba chục cân. Bỏ ra công sức và có khi đổi cả tính mạng nhưng việc bán đá cảnh cũng không dễ dàng.

Chỉ những nơi người dân có nhu cầu xây dựng và “gu” thẩm mỹ cao mới mò mẫm lên tận miệt núi rừng này mua đá. Những người làm nghề này thường gặp ở giới “nghệ sĩ”, họ xem những viên đá mình tìm được như là một tác phẩm nghệ thuật của tạo hóa. Vì thế thường quan niệm rằng việc bán mua phải hiểu ý nhau, nghĩa là người mua phải biết thưởng thức, có nhãn quan về đá. Điều khác biệt ở nơi này sẽ là bất ngờ đối với những vị khách phương xa. Dân nông nghiệp thường trồng khoai sắn, cây ăn quả trong vườn, ở đây người dân lại “trồng đá” thành vườn. Tựa hồ như cao nguyên đá Đồng Văn vậy. Nhà nào, vườn nào cũng chất chồng toàn cây đá, to nhỏ mọi kích cỡ, hình thù muôn hình vạn trạng...

Bùi Đức Tú