Địa chỉ "đỏ" giáo dục truyền thống yêu nước

Thứ hai, 19/07/2021 14:43

Phối cảnh công trình Công viên văn hóa và Bia chiến tích Gò Hà (xã Hòa Khương, H. Hòa Vang).

Từ đầu tháng 6, công trình Công viên văn hóa tại khu chiến tích Gò Hà (xã Hòa Khương, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) được khởi công xây dựng, đáp ứng sự mong mỏi của bao thế hệ người dân địa phương. Công trình có tổng vốn đầu tư 12,4 tỷ đồng từ nguồn ngân sách TP, UBND huyện làm chủ đầu tư, xây dựng trên diện tích 12.790m2, gồm các hạng mục: bia chiến tích, nhà trưng bày truyền thống, sân hành lễ, vườn hoa, cây xanh… và dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 11. Đây là Di tích lịch sử cấp TP có giá trị lịch sử về ý chí quật cường, sẵn sàng chiến đấu hy sinh của quân và dân Quảng Nam- Đà Nẵng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước... "Với nhân dân địa phương, mỗi di tích lịch sử cách mạng đều mang trong mình những giá trị khác nhau về con người, vùng đất và trên hết là thể hiện cụ thể được một thời dựng nước và giữ nước của lớp cha anh đi trước và trở thành một địa chỉ "đỏ" giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay", Bí thư Đảng ủy xã Hòa Khương Đinh Ngọc Thiên chia sẻ.

Theo tư liệu, Gò Hà là cứ điểm quan trọng của địch dùng để án ngữ các thôn La Châu, Hương Lam, Phú Sơn (xã Hòa Lương cũ, nay là xã Hòa Khương) ra tuyến QL14B. Lợi dụng địa hình đồi cao, địch xây dựng cứ điểm này để khống chế một vùng chiến lược rộng lớn, nơi chuyển tiếp giữa đồng bằng và miền núi, giáp ranh giữa căn cứ của ta và những vùng tạm chiếm... Thương binh Lê Lại (1946, người đã gắn bó với vùng đất Gò Hà từ khi còn là du kích xã) nhớ lại, đêm 31-10-1965, Tiểu đoàn 1 (R20) được tăng cường một Trung đội bộ đội H. Điện Bàn, một Tiểu đội đặc công H. Hòa Vang và du kích các xã Hòa Phong, Hòa Khương đã bí mật tiến công cứ điểm Gò Hà do một Đại đội lính thủy đánh bộ Mỹ đóng giữ trong công sự kiên cố. Kết quả ta đã tiêu diệt 200 tên địch, phá hủy 2 xe bọc thép, thu 100 súng các loại. Đây là trận tiến công tiêu diệt đơn vị Mỹ trong công sự vững chắc đầu tiên trên chiến trường khu V. Chiến thắng Gò Hà lúc bấy giờ đã củng cố thêm niềm tin và quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của quân và dân Quảng Nam - Đà Nẵng. 

Khi công trình hoàn thành, từ đường Vành đai phía nam TP có điểm đầu tại xã Hòa Phước đến điểm cuối xã Hòa Khương, người đi đường đều có thể nhìn thấy công trình hoành tráng này được xây dựng trên đồi cao. Hằng năm, nơi đây sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, giáo dục truyền thống thông qua các hoạt động "Thăm lại chiến trường xưa", "Hướng về cội nguồn" của các thế hệ trên địa bàn nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn. Qua đó, thế hệ đi trước, là những người trực tiếp tham gia kháng chiến có điều kiện để ôn lại quá khứ hào hùng của một thời kỳ đấu tranh gian khổ. Và, thế hệ đi sau, là lớp người kế thừa, phát huy những thành quả cách mạng được hiểu rõ thêm những giá trị truyền thống quý báu, càng thêm trân trọng quá khứ, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống yêu nước và cách mạng để vững bước tiến vào tương lai, phấn đấu nhiều hơn nữa để xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp… "Việc đầu tư, xây dựng Công viên văn hóa tại khu chiến tích Gò Hà sẽ mãi khẳng định chiến công của quân, dân địa phương năm xưa không chỉ là những câu chuyện kể cùng con cháu, mà nó còn mang một giá trị nhân văn sâu sắc. Đó là niềm tự hào, kiêu hãnh của bao thế hệ cha ông đã dựng nên từ máu và nước mắt trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc", cụ Đinh Ngọc Lại- nguyên Chủ tịch UBND xã Hòa Khương phấn khởi trải lòng.

VY HẬU