Địa phương buông lỏng quản lý, rừng thông đặc dụng bị đốn hạ

Thứ hai, 09/10/2017 20:00

Khu rừng thông đặc dụng hàng trăm cây có tuổi đời hơn 30 năm với diện tích hàng ngàn mét vuông ở P. An Tây (TP Huế, TT-Huế) bị chặt phá trái phép đang khiến dư luận địa phương rất bức xúc. Điều đáng nói, dù việc phá rừng xảy ra khá lâu nhưng chính quyền địa phương vẫn không hề hay biết cho đến khi Đoàn kiểm tra liên ngành cấp trên kiểm tra mới phát hiện.

Nhiều biển cấm chôn cất và xây dựng mồ mả được dựng lên gần khu vực xảy ra phá rừng.

Cơ quan CSĐT CATP Huế vừa nhận được đơn yêu cầu của Chi cục Kiểm lâm tỉnh và UBND TP Huế về việc điều tra làm rõ vụ phá rừng thông đặc dụng trong thành phố. Cách đây khoảng 1 tháng, Đoàn kiểm tra liên ngành TP Huế kiểm tra việc quản lý rừng và sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn P. An Tây đã phát hiện diện tích lớn rừng thông đặc dụng bị chặt hạ, trong đó có 170 gốc dấu vết còn khá mới. Đây là khu rừng thông đặc dụng được trồng khoảng từ năm 1986-1989, có đường kính từ 20-25cm và do UBND P. An Tây quản lý.

Ông Lê Viết Ngọc Vinh- Hạt trưởng Hạt kiểm lâm TP Huế cho biết, sau khi xảy ra vụ phá rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh và UBND TP Huế cũng đã thành lập đoàn kiểm tra hiện trường, ghi nhận vụ việc và yêu cầu Cơ quan CSĐT CATP Huế vào cuộc điều tra làm rõ. "Theo quy định, diện tích rừng đặc dụng bị phá trên 1.000m2 sẽ khởi tố hình sự. Nếu có dấu hiệu tội phạm sẽ khởi tố vụ án để điều tra theo luật định. Sự việc trên chính quyền địa phương cũng phải có trách nhiệm vì không phát hiện được", ông Vinh thông tin. Cơ quan CSĐT CATP Huế cho biết, sau khi nhận được yêu cầu vào cuộc làm rõ vụ phá rừng, CA đã tiến hành khám nghiệm hiện trường, thu thập chứng cứ và bước đầu đang tạm giữ một số tang vật như gỗ, cành thông khô... để phục vụ công tác điều tra.

Liên quan đến vụ phá rừng thông nói trên, mấy ngày qua, người dân ở P. An Tây (TP Huế) rất bức xúc, liên tiếp phản ánh về việc cánh rừng bị tàn phá nghiêm trọng. Theo ghi nhận, khu vực rừng thông bị phá nằm khá gần khu dân cư. Từ tuyến đường Châu Chữ (TP Huế) đi lên quả đồi nhỏ tới khu vực rừng thông bị chặt phá chưa tới 100m. Xung quanh khu vực này có nhiều nhà dân và chùa chiền. Khu rừng thông đặc dụng này được giao tỉnh TT-Huế cho  UBND P. An Tây quản lý. Tại hiện trường, có hàng trăm gốc thông tuổi đời hàng chục năm tuổi với đường kính khoảng từ 20-25cm bị đốn hạ, chặt phá. Những gốc cây vẫn còn nguyên dấu cưa nằm trơ trọi.

Cánh rừng thông gần 3.000 m2 bị phá trụi. 

Xung quanh có nhiều cành, lá thông đã khô, nhiều vỏ cây thông còn sót lại. Cách khu vực rừng thông bị đốn hạ khoảng 15m có một đường dân sinh, còn nguyên dấu vết bánh xe tải vận chuyển gỗ đi. Ông N. Q.C. (63 tuổi, trú KV 5, P.An Tây) cho biết, sự việc diễn ra cũng đã lâu, hình như là gần 2 tháng trước. "Khi tôi đến hỏi các ông là ai mà đến cưa những cây thông này thì họ nói là người của lâm trường Tiền Phong. Nghe thế thì tôi nghĩ là làm ăn đúng luật nên tôi đi về..."- ông C. nói. Một người dân thường xuyên chăn bò tại khu vực này nói rằng, việc chặt hạ khu rừng thông này kéo dài gần 1 tuần lễ, diễn ra giữa ban ngày, gỗ thông cũng được vận chuyển đi công khai nhưng chẳng thấy ai ngăn chặn.

Bà Phạm Thị Phương Mai- Chủ tịch UBND P. An Tây thừa nhận, sự việc xảy ra trên địa bàn phần nào có trách nhiệm của chính quyền địa phương vì phường là đơn vị chủ rừng trong công tác giám sát, kịp thời phát hiện để ngăn chặn các hành vi vi phạm nhưng không thể quán xuyến được... "Số diện tích rừng thông bị chặt là 2.809m2. Nguyên nhân chặt cây có thể để lấy diện tích trồng keo tràm hoặc xây dựng lăng mộ. Thời điểm đoàn liên ngành kiểm tra không phát hiện đối tượng chặt phá. Hiện vụ việc đã được phường báo với các cơ quan liên quan nhằm điều tra tìm thủ phạm, còn tại khu vực bị chặt phá thì phường đã cho cắm biển cấm xây dựng thêm lăng mộ....", bà Mai nói.

Trong khi đó, nhiều người dân cho rằng, hoạt động chặt hạ rừng thông tại P. An Tây xảy ra nhiều ngày liền, việc vận chuyển gỗ ra ngoài địa bàn rất rầm rộ, nhưng các lực lượng chức năng của phường không phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời là điều bất thường.

H.LAN