Dịch bạch hầu diễn biến phức tạp ở nhiều nơi
Bất chấp những nỗ lực dập dịch đầy quyết liệt ở các địa phương, dịch bệnh bạch hầu vẫn đang diễn biến phức tạp ở nhiều nơi, như ở Tây Nguyên và Quảng Trị, khi liên tiếp ghi nhận thêm các ca nhiễm mới.
Cán bộ y tế ở Quảng Nam lấy mẫu đưa đi xét nghiệm bạch hầu. |
Quảng Nam: 5 ca nghi mắc có kết quả âm tính
Theo tin từ Sở Y tế tỉnh Quảng Nam ngày 26-7, 5 bệnh nhân có độ tuổi từ 1-7 nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu tại các xã Trà Nam, Trà Vân, Trà Mai (huyện miền núi Nam Trà My) đều có kết quả âm tính với bệnh bạch hầu.
Trước đó, trong những ngày cuối tháng 7, tại huyện miền núi Nam Trà My đã phát hiện 5 trẻ bị nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu. Các trẻ đều có các triệu chứng sốt nhẹ, đau họng, ăn uống khó. Qua chẩn đoán điều trị, các y, bác sĩ tại Trung tâm Y tế Nam Trà My, ghi nhận: bệnh nhân sốt dưới 400C, họng đỏ, có hóc mủ trắng, được chẩn đoán viêm họng mủ..., được theo dõi điều trị và báo cáo cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiến hành các biện pháp ngăn chặn và dập dịch.
Từ ngày 10-7, Đoàn công tác gồm lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Nam, TTYT H. Nam Trà My và Trạm Y tế xã Trà Nam đã có mặt tại nóc Long Túc 3 (thôn 4, xã Trà Nam) để thu thập thông tin về trường hợp bệnh và bàn các biện pháp phòng chống. Qua điều tra, giám sát thực địa, các lực lượng y tế ghi nhận bệnh nhân có tiền sử tiêm chủng không rõ ràng; khu vực bệnh nhân sinh sống chưa phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Tại đây cũng không phát hiện người đi làm ăn xa ở các địa phương từng xảy ra dịch bệnh bạch hầu trong những năm gần đây hoặc đang xảy ra dịch bạch hầu như các tỉnh Tây Nguyên.
Theo BS Nguyễn Văn Hai - Giám đốc sở Y tế tỉnh Quảng Nam - địa bàn có các ca nghi ngờ bạch hầu xảy ra là khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, khó khăn trong công tác tiêm chủng, trẻ không được tiêm hoặc tiêm không đủ mũi vắc xin bảo vệ. Ngoài ra, còn có nguyên nhân nữa là hiện nay, tình hình dịch bệnh bạch hầu tại các tỉnh Tây Nguyên đang diễn biến rất phức tạp, số mắc tăng cao, đặc biệt là tỉnh Kon Tum với đường biên giới chung với tỉnh Quảng Nam. Do vậy không loại trừ nguy cơ cao mầm bệnh có thể xâm nhập từ các khu vực trên vào địa bàn các xã xác biên giới của tỉnh.
Nhiều ca mới ở Tây Nguyên
Trong khi đó, mối lo dịch bạch hầu tại Tây Nguyên cũng chưa có dấu hiệu lắng dịu. Trong chiều 26-7, thông tin từ Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết, những ngày gần đây trên địa bàn tỉnh liên tiếp ghi nhận thêm các trường hợp mắc bạch hầu, nâng tổng số bệnh nhân đến thời điểm này lên 24 trường hợp. Các trường hợp mắc bệnh mới phát hiện chủ yếu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu ở vùng sâu của huyện Krông Bông và Lắk. Mới đây nhất là vào ngày 24-7, tại buôn Ea Uôl, xã Cư Pui, huyện Krông Bông đã phát hiện một trường hợp bé trai 8 tuổi, dân tộc H'Mông dương tính với vi khuẩn bạch hầu.
Gia Lai cũng tiếp tục phát hiện thêm một ca dương tính với bạch hầu, nâng tổng số xã có ổ dịch bạch hầu lên 7 xã với 28 trường hợp dương tính (1 trường hợp tử vong). Thông tin từ Sở Y tế tỉnh Gia Lai ngày 26-7 cho biết, ca mới này ở làng Đê Klanh, xã Đak Krong, huyện Đak Đoa. Trong số 7 xã có ổ dịch bạch hầu, huyện Đak Đoa có 5 xã với 25 trường hợp dương tính (1 ca tử vong) gồm xã Hải Yang, Đak Sơ Mei, Hnol, xã Trang và Đak Krong; còn lại huyện Ia Grai có 2 xã, 3 trường hợp dương tính tại xã Ia O và Ia Hrung.
Tại tỉnh Quảng Trị, tình hình dịch bạch hầu vẫn diễn biến phức tạp. Trong ngày 26-7, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị Đỗ Văn Hùng cho biết, 5 ca bạch hầu trên địa bàn đều là trẻ em, 7-9 tuổi, trú ở 2 thôn Bãi Hà mới và Khe Hó Trù thuộc xã Vĩnh Hà, H.Vĩnh Linh. Các bệnh nhân nhi đang được cách ly, điều trị tại cơ sở y tế và hiện sức khỏe ổn định. Hiện công tác khoanh vùng, phòng chống dịch diễn ra tại xã Vĩnh Hà nói riêng và cả địa bàn tỉnh đang được tiếp tục khẩn trương, quyết liệt. Sở Y tế cũng tổ chức đội cấp cứu lưu động nội viện, ngoại viện để sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống, hỗ trợ tuyến dưới; rà soát, tổ chức tiêm vét, tiêm bù vắc xin phòng bệnh Bạch Hầu cho các đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng.
M.T-B.H-T.H