Dịch bệnh và ô nhiễm thực phẩm đang đe dọa tính mạng người dân
(Cadn.com.vn) - Dịch bệnh truyền nhiễm tăng cao, diễn biến phức tạp; quá tải tại các bệnh viện tuyến trên; cách hành xử và y đức của đội ngũ thầy thuốc; tình hình ngộ độc thực phẩm, nguy cơ ô nhiễm thực phẩm đã và đang đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng từng giờ, từng ngày... là những vấn đề nóng được đề cập tại hội nghị tổng kết công tác ngành Y tế TP Đà Nẵng năm 2013 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2014 tổ chức ngày 14-1.
Mỗi ngày BV Đà Nẵng đón nhận hàng ngàn người dân đến khám bệnh và điều trị. |
Quá tải tại các bệnh viện tuyến trên
Năm 2013, ngành Y tế thành phố đã ngăn chặn có hiệu quả, không để xảy ra các dịch Cúm A (H5N1), Cúm A (H1N1), dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm và hạn chế thấp số ca tử vong do dịch tay chân miệng (TCM), sốt xuất huyết (SXH). Đồng thời, đã củng cố và hoàn thiện mạng lưới khám, chữa bệnh từ thành phố đến các quận, huyện, xã, phường. Các trạm y tế đã thực hiện tốt việc sơ cấp cứu và giải quyết một số bệnh thông thường cho nhân dân địa phương, các trung tâm y tế quận, huyện thực hiện tốt công tác thu dung điều trị bệnh nhân theo phân tuyến.
Tại các bệnh viện chuyên khoa và đa khoa tuyến thành phố tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động y tế chuyên sâu, nhiều thành tựu khoa học và kỹ thuật y tế được áp dụng vào chẩn đoán và điều trị, góp phần giải quyết có hiệu quả công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân...
Trong năm qua, toàn thành phố đã khám và điều trị cho gần 3 triệu người dân (tăng 4,65% so với năm 2012), trong đó điều trị nội trú hơn 264.000 bệnh nhân (tăng 4,85%), công suất giường bệnh đạt gần 143.000 giường.
Bên cạnh những mặt đạt được thì ngành Y tế thành phố vẫn còn những khó khăn nhất định như đội ngũ cán bộ y tế có trình độ chuyên môn cao còn ít, chưa có nhiều GS, TS để phát triển y tế đầu ngành; đội ngũ bác sĩ tại tuyến y tế cơ sở còn thiếu nhiều (hiện chỉ có 21 bác sĩ/56 trạm y tế).
Ngoài ra, tình hình dịch bệnh có nhiều biến động, ngày càng tăng. Ngành Y tế thành phố đã triển khai các biện pháp như: kê thêm giường bệnh, mở rộng khu khám bệnh, cải tiến quy trình khám chữa bệnh; tăng cường ứng dụng những kỹ thuật mới, hiện đại góp phần rút ngắn thời gian điều trị nội trú, hạn chế chuyển bệnh nhân lên tuyến trên...
Tuy nhiên, đến thời điểm này, các BV đa khoa, chuyên khoa tại thành phố và một số TTYT quận, huyện vẫn còn tình trạng quá tải, công suất giường bệnh còn quá cao, đặc biệt tại BV Đà Nẵng (161,1%) và BV Phụ sản - Nhi (201,8%).
Nhiều BV ở Đà Nẵng đã ứng dụng kỹ thuật hiện đại trong điều trị nội trú để rút ngắn thời gian nằm viện nhưng vẫn không giảm được sự quá tải. |
Ô nhiễm thực phẩm đang đe dọa tính mạng người tiêu dùng
Tình hình ngộ độc thực phẩm và nguy cơ ô nhiễm thực phẩm là một trong những thách thức trong công tác bảo đảm VSATTP hiện nay, đã và đang đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng từng giờ, từng ngày và ảnh hưởng đến mọi sinh hoạt kinh tế, an sinh xã hội.
Cả nước trong 9 tháng đầu năm 2013 xảy ra 103 vụ ngộ độc thực phẩm với 2.800 người mắc và 18 người tử vong. Riêng tại TP Đà Nẵng trong năm 2013 có 6 vụ ngộ độc thực phẩm với 100 người mắc. Năm 2013, toàn thành phố tổ chức 103 đoàn thanh tra, kiểm tra 6.128/6.571 cơ sở. Qua đó, phát hiện 738 cơ sở vi phạm (chiếm 11,9%), trong đó cảnh cáo 603 cơ sở, phạt tiền 135 cơ sở với số tiền 272 triệu đồng...
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Xuân Anh đề nghị ngành Y tế thành phố tiếp tục nâng cao chất lượng khám bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan, tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh, kiểm dịch quốc tế ở sân bay, bến cảng..., chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, thiết bị, thuốc men, hóa chất để phòng chống dịch có hiệu quả.
Tăng chỉ tiêu giường bệnh đối với các BV quá tải, củng cố, kiện toàn mạng lưới y tế quận, huyện, phường, xã. Triển khai cơ chế, chính sách về đào tạo và thu hút cán bộ y tế giỏi, chuyên gia đầu ngành. Tiếp tục tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng và y đức cho công nhân viên chức lao động trong ngành, đặc biệt về tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.
Đồng thời, tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra về ATTP. Phối hợp với các ngành liên quan đảm bảo ATTP trên địa bàn, hạn chế tối đa các vụ ngộ độc, không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt. Nâng cao kiến thức, trách nhiệm của các cơ sở và người trực tiếp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm về đảm bảo ATTP do mình sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm khắc các cơ sở vi phạm về ATTP...
T.Dũng