Dịch lở mồm long móng diễn biến xấu

Thứ năm, 07/03/2019 13:25

Trong khi dịch tả lợn Châu Phi đang có những diễn biến phức tạp, khó lường thì tại Quảng Nam, dù chưa phát hiện loại dịch này nhưng người chăn nuôi đang phải đối diện với nhiều dịch bệnh liên quan đến gia súc khác, trong đó có lở mồm long móng (LMLM). Đáng nói, khi các ngành chức năng ra sức khuyến cáo người dân phòng bệnh, không vận chuyển, mua bán gia súc bệnh thì vì lợi nhuận, nhiều thương lái bất chấp tuồn gia súc vùng dịch ra ngoài.

Heo được vận chuyển tại bến đò Phú Thuận bị cơ quan chức năng yêu cầu đưa về lại huyện Đại Lộc.

Ngày 6-3, có mặt tại bến đò Phú Thuận (H. Duy Xuyên), đoàn kiểm tra liên ngành do UBND H. Duy Xuyên thành lập nỗ lực tuyên truyền cho người dân và thương lái biết về tình hình dịch LMLM đang có những diễn biến phức tạp. Tại đây, đoàn cũng kiên quyết ngăn chặn những thương lái có ý định mang heo từ vùng dịch sang các huyện lân cận. Ông Văn Bá Năm - Trưởng Phòng NN&PTNT H. Duy Xuyên cho hay, nhờ xử lý kịp thời, hiện nay huyện không có dịch, tuy nhiên điều khó khăn nhất đó chính là làm sao quản lý được lượng heo bệnh do người dân tuồn vào. "Có hai điểm chốt chặn chính là đầu cầu Giao Thủy và bến đò Phú Thuận bởi hai nơi này là điểm thuận lợi đưa heo từ xã Đại Cường và Đại Thắng (H. Đại Lộc), nơi đang có dịch LMLM xâm nhập vào. Cứ thấy ai chở heo sang là chúng tôi yêu cầu họ quay xe trở lại, bất kể heo đã nhiễm bệnh hay chưa. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là biện pháp tạm thời bởi có một số thương lái chuyển sang vận chuyển trên tuyến QL1A thì cơ quan chức năng không thể kiểm soát được".

Cũng theo ông Năm, sau Tết, tại thôn An Trung (xã Duy Trung) có 6 con bò của 3 hộ dân mắc bệnh LMLM. Nhận tin báo, chính quyền địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch và tích cực hỗ trợ người dân cách chữa trị. Sau khi xác minh, trong số 6 con bò nhiễm bệnh có 1 con được vận chuyển từ H. Đại Lộc sang và cũng mang theo nguồn lây bệnh từ đây. "Chúng tôi chốt chặn 10 ngày nay, trung bình mỗi ngày có trên dưới 10 vụ vận chuyển heo, một số thương lái sau khi bị phát hiện đã đưa heo quay về Đại Lộc nhưng cũng có trường hợp bỏ chạy nên lực lượng chức năng phải đuổi theo yêu cầu họ chấp hành. Hiện nay chưa có công bố dịch tại Đại Lộc nên chúng tôi chỉ ngăn chặn và yêu cầu thương lái đưa heo quay lại địa phận huyện chứ không thể tịch thu, tiêu hủy". Tại H. Thăng Bình, ông Bùi Thanh Việt - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện nhìn nhận, nguyên nhân xuất hiện, lây lan bệnh là do hoạt động mua bán động vật nhộn nhịp trong dịp trước và sau tết. "Tình hình dịch bệnh LMLM đang phức tạp, sự kiểm soát của cơ quan chuyên môn khó chặt chẽ trong khi đó nhu cầu thịt heo trước và sau tết là rất lớn. Các ngành chức năng đã vào cuộc để khống chế lượng gia súc nhập vào địa phương nhưng hoạt động này vẫn còn nhiều khó khăn", ông Việt nói.

Dịch lở mồm long móng đã lan ra 10 huyện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Theo thống kê chưa đầy đủ, dịch LMLM đã xảy ra tại 42 thôn thuộc 25 xã, thị trấn của 10 huyện, thị xã, thành phố gồm: Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ, Quế Sơn, Phước Sơn, Hiệp Đức, Tiên Phước và Tây Giang. Trong tổng số 863 gia súc mắc bệnh LMLM trên phạm vi toàn tỉnh thì đã có 381 con bị chết hoặc phải tiêu hủy bắt buộc. Theo ông Nguyễn Thành Nam - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & thú y tỉnh Quảng Nam, hiện toàn ngành đang tập trung xử lý dứt điểm các ổ dịch LMLM. Thế nhưng, việc phát hiện, thông tin, báo cáo bệnh tại tuyến cơ sở còn chậm. "Dịch bệnh đang có chuyển biến xấu nhưng người dân còn khá chủ quan, không báo cáo kịp thời để Chi cục Chăn nuôi & thú y lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm, do đó chưa có cơ sở đề xuất công bố dịch và chưa có cơ sở đề xuất hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi. Tốt nhất, thương lái và người dân cần phối hợp với cơ quan chức năng khoanh vùng dịch, nghiêm cấm các hành vi vận chuyển heo bệnh đi tiêu thụ", ông Nam khuyến cáo.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết thêm, đã đề nghị chính quyền các huyện có dịch cần phối hợp bố trí các điểm chốt chặn để sớm ngăn chặn tình trạng vận chuyển heo bệnh hoặc heo trong vùng dịch ra khỏi địa bàn. Ngoài ra, ngành thú y cũng tiến hành phun thuốc tiêu độc, khử trùng. Đây là thời điểm nguy cơ phát tán dịch bệnh rất cao, do vậy người chăn nuôi cần tích cực phối hợp với cán bộ thú y bắt giữ gia súc, tiêm phòng bệnh và khống chế không để lây lan dịch bệnh trên diện rộng. Ngoài bệnh LMLM thì dịch tả lợn Châu Phi cũng đang có nguy cơ lây lan đến Quảng Nam, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã có chỉ đạo, yêu cầu các địa phương, sở, ngành liên quan tổ chức, thông tin liên tục để người chăn nuôi biết về tình hình dịch bệnh nhằm chủ động phối hợp trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

ĐỒNG DAO