Dịch sốt xuất huyết đang gia tăng và lan rộng

Thứ năm, 20/07/2017 11:20

Mặc dù đang ở thời điểm mùa hè nhưng dịch sốt xuất huyết (SXH) đang diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng và lan rộng. Theo thống kê của Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay đã có 14 trường hợp tử vong do SXH và có 23 tỉnh, thành phố có số mắc tích lũy cao so với năm 2016, trong đó có cả Đà Nẵng và Quảng Nam.  

Ngành Y tế triển khai phun hóa chất diệt muỗi tại các khu dân cư. Ảnh: L.HÙNG

Có chiều hướng gia tăng

Hiện nay, SXH lan rộng trên phạm vi cả nước. Trong 6 tháng năm 2017 đã ghi nhận hơn 45.000 trường hợp mắc SXH. Riêng tại Đà Nẵng, số trường hợp mắc bệnh cũng có chiều hướng gia tăng ở mức báo động. Đến nay, toàn thành phố đã có hơn 3.458 ca mắc SXH, cao hơn 1.500 trường hợp so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, các trường hợp mắc bệnh diễn ra ở tất cả các quận, huyện trên địa bàn TP. Đặc biệt, tại quận Liên Chiểu, Hải Châu và Cẩm Lệ liên tục ghi nhận các ca mắc SXH trong 2 tuần qua. Cụ thể: Cẩm Lệ 35 ca, Liên Chiểu 45 ca, Hải Châu 44 ca.

"Dịch SXH diễn biến thất thường nên rất khó khăn trong công tác phòng chống. Đa số những nơi có các ổ dịch bùng phát đều không đảm bảo vệ sinh môi trường, có điều kiện thuận lợi để muỗi sinh sống", bác sĩ Nguyễn Tam Lãm - Trưởng khoa kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm và vắc-xin sinh phẩm, Trung tâm y tế dự phòng (YTDP) TP Đà Nẵng cho biết. Cũng theo bác sĩ Lãm, hiện nay, dịch SXH trên địa bàn TP đang ở mức báo động khi số ca mắc bệnh cao nhất từ trước đến nay và chưa có dấu hiệu dừng lại. "Đà Nẵng hiện đang nằm tốp những tỉnh, thành phố bùng phát dịch SXH mạnh nhất cả nước. Riêng tại địa bàn Ngũ Hành Sơn đã phát hiện đến 28 ổ dịch", bác sĩ Lãm cho hay.

Tại Quảng Nam, dịch SXH cũng đang là chủ đề "nóng" ở các Trung tâm YTDP. Trong đó, các địa bàn thường xuyên có người mắc bệnh là Núi Thành, Duy Xuyên, Thăng Bình, TX Điện Bàn, TP Hội An… Theo báo cáo của Trung tâm YTDP tỉnh Quảng Nam, từ đầu năm đến nay đã có 1.112 ca mắc SXH, tăng 1,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái. "Trước đây, SXH chỉ xuất hiện vào mùa mưa nhưng thời điểm này đang mùa hè mà dịch lại bùng phát nên người dân có phần chủ quan, không chủ động phòng tránh. Ở địa bàn H. Duy Xuyên, TX Điện Bàn liên tiếp phát hiện nhiều ổ dịch ngay tại nhà dân nhưng điều đặc biệt là người dân không hề hay biết", bác sĩ Trần Văn Hoàn, Phó Giám đốc Trung tâm YTDP tỉnh Quảng Nam cảnh báo.

Cần chủ động phòng chống

Để ngăn chặn được dịch SXH, các ngành chức năng đã tổ chức phun hóa chất, diệt bọ gậy, muỗi, kịp thời phát hiện các ổ dịch để ngăn chặn. Trung tâm YTDP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với Trung tâm y tế các quận, huyện đồng loạt ra quân, kiểm soát, phòng chống dịch bệnh trên diện rộng. Ngoài ra, hưởng ứng ngày ASEAN phòng chống SXH lần thứ VII năm 2017, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam đã đẩy mạnh công tác phòng chống SHX bằng các hoạt động thiết thực, ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh bằng việc đến từng nhà tuyên truyền, đồng thời nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, hướng dẫn cách phòng chống SXH cho người dân.

"Điều quan trọng là mỗi người dân cần phải chủ động phòng chống, tự bảo vệ bản thân và người thân trong gia đình", bác sĩ Trần Văn Hoàn nhấn mạnh. Cũng theo bác sĩ Hoàn, mặc dù dịch SXH tăng nhưng hiện vẫn còn nhiều người dân tương đối thờ ơ, bất hợp tác trong việc phòng chống dịch bệnh và có tâm lý ỷ lại ngành Y tế.

Giải thích về nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh lây lan, các bác sĩ cho rằng do thời tiết thất thường, độ ẩm cao tạo điều kiện cho muỗi sinh sản và phát triển. Nhằm ngăn chặn, dập tắt dịch bệnh SXH, Bộ Y tế khuyến cáo người dân giữ gìn vệ sinh môi trường tại nơi ở, không để nước mưa ứ đọng tạo điều kiện cho muỗi sinh sản; ra quân phát quang bụi rậm, tiêu diệt lăng quăng, thông cống rãnh; thả màn khi ngủ… Ngoài ra, phải phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các cơ sở y tế tiến hành phun hóa chất dập dịch.

PHI NÔNG