Điểm chuẩn đại học tăng mạnh so với năm 2019, vì sao?

Thứ ba, 06/10/2020 12:27

Năm nay, rất nhiều trường đại học công bố điểm chuẩn cao ngất ngưởng, thí sinh đạt trung bình 9 điểm/môn vẫn có thể trượt đại học. Thậm chí, ngành Đông phương học của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội còn có điểm chuẩn lên mức 30 điểm.

Các thí sinh năm nay đều cho biết đề thi dễ hơn năm ngoái.

Điểm chuẩn cao ngất ngưởng

Bắt đầu từ chiều 4-10, các trường đại học, cao đẳng sư phạm đồng loạt công bố điểm chuẩn. Điểm chuẩn năm nay có sự tăng mạnh so với năm 2019. Càng ở các trường top trên, mức điểm chuẩn càng tăng mạnh.

Điểm chuẩn vào các trường thành viên ĐH Đà Nẵng cũng tăng, từ 0,5- 4 điểm so với năm 2019. Trường ĐH Bách khoa (DDK) có 44 ngành, chương trình đào tạo. Ngành CNTT (Đặc thù - Hợp tác doanh nghiệp) có điểm chuẩn cao nhất là 27,5 điểm. Các ngành CNTT chất lượng cao - tiếng Nhật, chất lượng cao, đặc thù - hợp tác doanh nghiệp có cùng điểm chuẩn  25,65 điểm. Ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa có điểm chuẩn là 26,55 điểm. 2 ngành đào tạo mới gồm: Kỹ thuật máy tính điểm chuẩn: 25,65, Kỹ thuật cơ khí – chuyên ngành Cơ khí hàng không: 24 điểm.

Trong khi đó, trường ĐH Kinh tế (DDQ) có 18 ngành, điểm chuẩn từ 22-26,75 điểm. Ngành Kinh doanh quốc tế có điểm chuẩn cao nhất là 26,75 điểm, tiếp đến là ngành Marketing 26 điểm. Các ngành Thương mại điện tử, Kinh doanh thương mại có cùng điểm chuẩn là 25,25 điểm. Các ngành Quản trị kinh doanh, Quản trị khách sạn có cùng điểm chuẩn là 25 điểm. Ngành đào tạo mới là Khoa học dữ liệu và phân tích kinh doanh có điểm chuẩn: 23,5 điểm. Trường ĐH Sư phạm (DDS) có 37 ngành, trong đó Giáo dục Tiểu học có điểm chuẩn cao nhất là 21,5 điểm. Các ngành Báo chí (chất lượng cao), Giáo dục Toán học lần lượt có điểm chuẩn 21,25 và 20,5 điểm.

Trường ĐH Ngoại ngữ (DDF) có 17 ngành. Ngành Sư phạm Tiếng Anh có điểm chuẩn cao nhất là 26,4 điểm. Các ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc, Ngôn ngữ Trung Quốc lần lượt có điểm chuẩn là 25,41 và 24,53 điểm. Các ngành Ngôn ngữ Nhật và Ngôn ngữ Nhật (chất lượng cao) có điểm chuẩn là 24,03 và 23,88 điểm. Hầu hết các ngành có điểm chuẩn tăng từ 1-2,77 điểm so với năm 2019.  Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (DSK) có 15 ngành. Ngành CNTT có điểm chuẩn cao nhất là 23,45 điểm. Các ngành Công nghệ Kỹ thuật Ô-tô, Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa lần lượt có điểm chuẩn là 22,9 điểm và 21,67 điểm.

Các ngành của Trường ĐH CNTT và Truyền thông Việt-Hàn (VKU) và Khoa CNTT và Truyền thông (DDI) đều có điểm chuẩn từ 18-18,25 điểm. Khoa Y Dược (DDY) có điểm chuẩn tăng từ 1,7- 3 điểm so với năm 2019, trong đó ngành Y khoa có điểm chuẩn cao nhất là 26,5 điểm, ngành Răng-Hàm-Mặt và Dược học (tổ hợp B00) có điểm chuẩn lần lượt là 26,45 và 25,75 điểm. Ngành Giáo dục Tiểu học có điểm chuẩn cao nhất Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum (DDP) 20,5 điểm. Theo tin từ Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, từ ngày 6 đến 8-10, nhà trường tổ chức nhận hồ sơ nhập học của các tân SV.

Năm 2019, mức điểm chuẩn cao nhất của Đại học Phòng cháy chữa cháy là 25,92 điểm. Tuy nhiên, điểm số này thậm chí còn thấp hơn tới 1 điểm so với điểm thấp nhất của trường năm nay khi điểm chuẩn năm 2020 của Đại học Phòng cháy chữa cháy thấp nhất là 26,95. Nếu là thí sinh nữ, thậm chí các em phải đạt đến 28,39 điểm mới đủ điểm bước lên giảng đường. Trong năm nay, với mức điểm cao ngất ngưởng, nhiều thí sinh dù đạt tới 9 điểm/môn vẫn trượt giấc mơ đại học.

Khi điểm thi tốt nghiệp dùng để xét tuyển đại học

Điểm chuẩn trúng tuyển vào các trường đại học năm 2020 tăng mạnh so với năm 2019 là điều đã được các chuyên gia nhận định.

Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT, kỳ thi THPT được Bộ tổ chức các năm trước có hai mục đích: Vừa để xét công nhận tốt nghiệp, vừa để xét tuyển vào các trường đại học. Tuy nhiên, năm 2020, kỳ thi đã được đổi tên thành thi Tốt nghiệp THPT, tính chất của kỳ thi cũng thay đổi khi mục tiêu chỉ để xét công nhận tốt nghiệp. Đề thi theo đó cũng được điều chỉnh theo hướng giảm độ khó để phù hợp với mục đích của kỳ thi.

Nhận xét về đề thi năm nay, các thí sinh đều cho biết đề thi dễ hơn năm ngoái. Phân tích về cơ cấu đề thi, các giáo viên cho biết đề thi đã có sự điều chỉnh rõ rệt với số lượng câu hỏi dễ, ở mức độ nhận biết và thông hiểu lên đến 75-80%. Số câu hỏi mang tính chất phân loại thí sinh chiếm từ 20-25%, tuy nhiên đa số là các câu hỏi ở mức vận dụng, số câu hỏi ở mức vận dụng cao không nhiều. Đề thi không quá khó để thí sinh có thể đạt điểm 8-9, thậm chí chạm gần đến mức điểm tuyệt đối với các thí sinh giỏi. Năm 2019, cả nước chỉ có 12 thí sinh đạt điểm 10 môn Toán nhưng năm nay con số này là 302 em. Năm 2019, đỉnh phổ điểm môn Toán ở mức từ 5 đến 7,6 điểm thì năm nay, đỉnh môn Toán lệch hẳn về bên phải với đỉnh phổ điểm ở mức từ 7 đến 8,8 điểm. Đây cũng bức tranh chung của tất cả các môn.

“Với mức điểm như vậy, việc các trường lấy điểm chuẩn cao lên là tất yếu”, phó giáo sư Phạm Thu Hương, Phó hiệu trưởng Đại học Ngoại thương nói.

K.Y - P.V