Điểm mặt dàn "xe dù" lộng hành tuyến Đà Nẵng-Huế
* Bài 1: Lật tẩy những chiêu trò lách luật
(Cadn.com.vn) - Không phiên chuyến, không tốn phí bến bãi, nhưng dàn "xe dù" cả chục chiếc chạy tuyến Đà Nẵng - Huế vẫn thản nhiên cho đặt chỗ, vận chuyển khách rầm rộ. Sự lộng hành hiện diện rõ cách cạnh tranh không lành mạnh, dẫn đến hàng loạt đầu xe có tuyến cố định đang rơi vào cảnh sống dở chết dở, thậm chí phá sản. Không chịu nổi sự "ù lì", hàng loạt chủ xe đã đồng loạt ký đơn kêu cứu gửi Bộ GTVT, lãnh đạo TP Đà Nẵng và các ngành chức năng để can thiệp...
Lực lượng TTGT tiến hành lập biên bản vi phạm của xe HAV. |
Đầu tiên phải nói đến đơn vị HAV Travel Limited Company, có trụ sở tại 445-Hải Phòng, Đà Nẵng. Lấy mác vận chuyển khách hợp đồng, suốt một thời gian dài, dàn xe gần 10 chiếc của HAV liên tục quảng cáo để hút nguồn khách tham gia đặt chỗ. Điều đáng nói, dù giá vé cao gấp 3 lần so với tuyến cố định (180.000 đồng/lượt; vé tại bến là 60.000 đồng), song được tổ chức đưa đón cùng nhiều dịch vụ khác kèm theo nên hành khách tìm đến HAV rất đông. Đáng nói hơn, sự hiện diện của HAV đã đẩy hàng chục đầu xe tuyến cố định tại Bến xe Đà Nẵng rơi vào cảnh ế khách. Từ nhiều kênh thông tin, những ngày cuối tháng 10 đầu tháng 11-2016, lực lượng Thanh tra giao thông (TTGT- Sở GTVT) đã vào cuộc, bóc mẽ hàng loạt chiêu trò lách luật của nhà xe này.
Trong ngày 29-10-2016, kế hoạch tuần tra, mật phục bắt nóng "xe dù" của HAV núp bóng hợp đồng du lịch, bắt khách lẻ được TTGT Đà Nẵng thực hiện. Khoảng 12 giờ ngày 29-10, HAV "lệnh" cho xe BKS 75B-010.91 nhận đón khách từ văn phòng Cty (số 445-Hải Phòng, Đà Nẵng) đi Huế. Khi xe này đón khách tại đường Nguyễn Tất Thành (Đà Nẵng), lập tức bị tổ TTGT ập đến kiểm tra. Thay vì nhận lỗi vi phạm, lái xe Nguyễn Văn Trỗi (1983, quê TT-Huế) lại chốt cửa, không cho hành khách ra ngoài, đồng thời trình ra một "bản hợp đồng vận chuyển khách" đã được ký sẵn hòng đối phó. Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ, TTGT chỉ rõ đây là "bản hợp đồng khống", trái quy định của pháp luật.
Sau nhiều giờ "cố thủ", cuối cùng lái xe trên phải ký vào biên bản vi phạm hành chính lỗi "vận chuyển khách có hợp đồng vận chuyển nhưng không đúng theo quy định" với mức phạt từ 1-2 triệu đồng, tước GPLX từ 1-3 tháng. Cũng trong ngày 29-10, tổ TTKS TTGT cũng bắt quả tang ô-tô 7 chỗ BKS 75A-000.79 của HAV do tài xế Nguyễn Văn Quang (trú Q. Cẩm Lệ, Đà Nẵng) điều khiển tổ chức đón khách tại đường Hà Huy Tập (Đà Nẵng). Để đối phó, tài xế Quang không "cố thủ" mà la lớn để hành khách trên xe chạy khỏi hiện trường hòng chối lỗi. Song, từ bằng chứng là phiếu đặt chỗ mã A21199J của HAV Travel cho 2 hành khách, tổ TTGT đã lập biên bản xử phạt lỗi bán vé khách lẻ (từ 4 - 6 triệu đồng), tước phù hiệu hợp đồng từ 1-3 tháng theo quy định.
Bị lực lượng thanh tra xử lý vi phạm ngày 1-11, HAV đã phải chuyển khách đi taxi ra Huế. |
Dù bị phạt nặng, nhưng do lợi nhuận cao từ cách kinh doanh bất hợp pháp này, HAV vẫn bất chấp, tiếp tục hoạt động và thách thức cơ quan thi hành pháp luật. Trong các ngày 31-10 và 1-11-2016, khi HAV đang tổ chức đón, vận chuyển khách trên đường Hải Phòng bằng xe BKS 75B-01009 và 75B-00849 thì bị TTGT TP Đà Nẵng lập biên bản xử phạt các lỗi "bán vé khách lẻ" và đỗ xe trái quy định. Chị Nguyễn Thắng Phương Thi, một hành khách cho hay: "Để lên xe BKS 75B-00849 của HAV, chúng tôi đã đặt chỗ với mức tiền 150.000 đồng từ Đà Nẵng đi Huế chứ bản thân không hợp đồng vận chuyển khách gì với HAV cả". Theo phản ánh của người dân sống gần khu vực HAV đặt trụ sở, ngày nào xe của Cty này cũng đậu đỗ đón khách tại khu vực này gây cản trở giao thông. Trong khi đó, chỗ đậu xe lại là đoạn đường cong, gây khuất tầm nhìn cho các phương tiện khác qua lại, dễ gây TNGT.
Ông Nguyễn Trung Nghĩa, Chánh thanh tra Sở GTVT cho hay, cách đối phó mà HAV thường đưa ra là chuẩn bị nhiều loại hợp đồng thuê xe, vận chuyển khách du lịch, tuy nhiên mọi vụ việc đều được cán bộ làm nhiệm vụ xác minh, bóc mẽ qua cách khai thác thông tin từ hành khách đi xe. Một mặt, thời gian trước đây HAV thường sử dụng xe 7 chỗ để trung chuyển khách đưa lên xe lớn (180.000 đồng/vé) thì khi bị lực lượng chức năng phát hiện, họ đã đổi "chiêu" bằng cách nói khách đến Cty rồi lên xe với mức giá giảm xuống 150.000 đồng/khách. "Bằng nghiệp vụ, tất cả cách đối phó đều bị chúng tôi phát giác, bởi thực tế, những bản hợp đồng du lịch nhằm đối phó của HAV lập lên rất sơ sài, chiếu lệ. Hoạt động của HAV rõ ràng là trá hình, cần phải làm mạnh tay để loại bỏ", ông Nghĩa nói.
Công Hạnh
(còn nữa)