Điểm xuyết kinh tế hợp tác xã miền Trung - Tây Nguyên
(Cadn.com.vn) - Khu vực miền Trung - Tây Nguyên hiện có trên 5.000 HTX và hơn 65.000 tổ hợp tác. Đây là khu vực kinh tế khá rộng lớn có tác động ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, công ăn việc làm của hàng triệu người lao động ở các vùng nông thôn, miền núi.
Điểm nổi bật của các HTX ở khu vực này là đa dạng các lĩnh vực hoạt động nhưng lại có quy mô nhỏ và đang có xu hướng liên kết các HTX lại với nhau để nâng cao hiệu quả hoạt động. Điều này vừa là lợi thế cũng đồng thời là thách thức về yêu cầu trình độ quản lý điều hành.
PHÁT HUY ƯU ĐÃI
Hiện nay, các HTX nông nghiệp trên địa bàn thường hoạt động theo hướng đa dạng ngành nghề nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho xã viên. Ngoài cung ứng các dịch vụ phục vụ sản xuất như trước đây, các HTX nông nghiệp còn đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị, xây dựng nhà xưởng, phát triển ngành nghề, trồng chuyên canh cây nguyên liệu...
Tiêu biểu như ở HTX nông nghiệp Đại Phong (Quảng Bình) đầu tư phát triển thêm lúa giống nguyên chủng, HTX sản xuất rau sạch Anh Đào (tỉnh Lâm Đồng) có đội xe tải dịch vụ, HTX Hòa Tiến 1 (TP Đà Nẵng) làm gia công sản phẩm lưới nuôi trai các loại, HTX nông nghiệp Phước Hưng (Bình Định) làm dịch vụ kinh doanh xăng dầu...
Nhiều HTX còn phát triển hình thức tín dụng nội bộ, cho xã viên vay vốn sản xuất hoặc nhận tiền gửi từ xã viên. Đối với HTX phi nông nghiệp, toàn khu vực có gần 2.000 HTX hoạt động trong các lĩnh vực xây dựng, dệt may, điện, giao thông vận tải...
Năm 2013, hoạt động của loại hình HTX này tiếp tục chịu ảnh hưởng khó khăn chung của nền kinh tế. Tuy vậy, nhiều HTX vẫn tích cực duy trì sản xuất, bảo đảm việc làm thu nhập cho xã viên như HTX Điện nước Lăng Cô (TT-Huế), HTX Dệt may Duy Trinh (Quảng Nam), HTX Vận tải Tiền Phong (Kon Tum)...
Ông Nguyễn Công, Trưởng cơ quan thường trực Liên minh HTX Việt Nam khu vực miền Trung - Tây Nguyên cho biết, thời gian qua liên minh HTX các tỉnh, thành phố trong khu vực đã tích cực phối hợp với các cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động phát triển kinh tế tập thể.
Năm 2013 các tỉnh đã thành lập được gần 260 HTX, trong đó nhiều HTX hoạt động trong các lĩnh vực mới như dịch vụ y tế, thu gom rác thải, cung cấp thức ăn cho khu công nghiệp, trường học... Các HTX mới thành lập đều xuất phát từ nhu cầu thực tiễn về hợp tác trong sản xuất, kinh doanh; có nội dung kinh tế, phương án kinh doanh phù hợp nên bước đầu hoạt động ổn định, có hiệu quả góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng nông thôn mới.
Để nâng cao năng lực điều hành sản xuất kinh doanh của HTX, các tỉnh, thành phố đã mở nhiều lớp tập huấn cho cán bộ HTX về kỹ năng quản lý, công tác kiểm tra, kiểm toán nội bộ. Bên cạnh đó, nhiều tỉnh, thành phố trong khu vực đã xây dựng được quỹ hỗ trợ phát triển HTX từ nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh.
Ông Hoàng Khang, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đắc Lắc cho biết, quỹ hỗ trợ phát triển HTX của tỉnh đang phát huy hiệu quả rất tích cực vì liên minh HTX nắm chắc được khả năng phát triển đồng vốn của các đơn vị vay; đồng thời tạo ra được mối quan hệ gần gũi giữa liên minh và các HTX. Với nguồn vốn khoảng 6 tỷ đồng, quỹ đã giúp nhiều hợp tác xã mở rộng sản xuất với mức vay tối đa 300 triệu đồng/dự án, ở mức lãi suất ưu đãi 0,65%/ năm.
Phát triển giống lúa ở HTX Hòa Tiến 1 (TP Đà Nẵng). Ảnh: NGUYỄN CẦU |
KHÓ TRONG KHÂU CÁN Bộ
Hiện nay, các HTX ở miền Trung - Tây Nguyên cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn để phát triển bền vững, trong đó nổi bật là vấn đề chất lượng cán bộ HTX. Nói về vai trò “đầu tàu” của cán bộ HTX, ông Nguyễn Công cho biết, “hiện nay xuất hiện tình trạng nhiều HTX có vốn nhưng ban chủ nhiệm lại loay hoay không tìm được hướng mở rộng sản xuất đành gửi tiền vào ngân hàng.
Nhiều HTX từ chỗ hoạt động với quy mô nhỏ hoặc trì trệ đã tự phục hồi vươn lên kinh doanh khởi sắc khi có chủ nhiệm mới có tâm huyết và trình độ”. Tuy vậy, thực trạng hiện nay 70% cán bộ HTX trong khu vực chưa được đào tạo cơ bản. Ngoài ra, thiếu những chính sách đãi ngộ cho những cán bộ này do đó nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng ra trường dù chưa có việc làm nhưng cũng không muốn xin vào làm việc ở các HTX, dẫn tới tình trạng đội ngũ cán bộ HTX đang “già hóa”.
Theo ông Nguyễn Thanh Tài, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam, để phát triển HTX thích ứng với yêu cầu của thị trường, cần đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ quản trị tốt. Tuy nhiên, đối với chủ nhiệm HTX đương nhiệm việc đào tạo dài hạn là không phù hợp với thực tế mà cần cử những người này tham dự các lớp tập huấn ngắn hạn chuyên sâu về quản lý, kinh doanh. Bên cạnh đó, ở một số địa phương các cấp ủy chính quyền cơ sở thiếu sự quan tâm chỉ đạo, có tình trạng buông lỏng để HTX tự xoay xở hoặc can thiệp quá sâu vào hoạt động điều hành của HTX.
Để các HTX phát triển ổn định trong thời gian tới, Liên minh HTX các tỉnh, thành phố trong khu vực xác định sẽ tập trung gắn hoạt động HTX với việc thực hiện các chương trình, dự án của địa phương góp phần tích cực vào quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới.
Đặc biệt, đẩy mạnh việc xử lý các HTX tồn tại hình thức kéo dài, riêng năm 2013 có gần 200 HTX kiểu này bị giải thể. Theo ông Hoàng Khang, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đắc Lắc, hiện nay tỷ lệ HTX tồn tại hình thức chiếm khoảng 20%, việc xử lý theo hướng củng cố lại hoặc giải thể các HTX này thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện. Việc đẩy nhanh xử lý vấn đề này sẽ giúp xây dựng hình ảnh, cổ vũ phong trào phát triển HTX kiểu mới hiện nay.
B.T - Đ.T