Diễn biến nguy hiểm trong xung đột Nga - Ukraine

Thứ năm, 08/12/2022 11:03
Hôm 6-12 (giờ địa phương) Nga đã phóng một loạt tên lửa mới về phía Ukraine, sau khi Moscow cáo buộc Kiev tấn công các sân bay quân sự nằm sâu chưa từng có trong lãnh thổ của Nga, và việc Tòa án Nga ra lệnh bắt Phó thủ tướng và Ngoại trưởng Ukraine là những diễn biến mang tính bước ngoặt và nguy hiểm, khiến triển vọng đàm phán hòa bình giữa hai bên càng thêm xa vời.
Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk tới thăm một cơ sở quân sự ở Lugansk cuối năm 2021.
Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk tới thăm một cơ sở quân sự ở Lugansk cuối năm 2021.

3 đợt tấn công sang đất Nga

Ngày 6-12, sân bay thứ ba của Nga bị tấn công bằng máy bay không người lái, chỉ 1 ngày sau khi Ukraine thể hiện năng lực mới với việc vào sâu hàng trăm ki-lô-mét trong không phận Nga để tấn công 2 căn cứ không quân.

Giới chức thành phố Kursk của Nga, nơi cách biên giới khoảng 90km, công bố một số bức ảnh chụp khói đen bay tại sân bay vào sáng sớm 6-12, sau vụ tấn công mới nhất. Thị trưởng cho biết một bể chứa dầu bốc cháy, nhưng không có thương vong về người. Ngày 5-12, Nga cho biết họ bị tấn công bằng máy bay không người lái do Liên Xô sản xuất, nhằm vào căn cứ không quân Engels, nằm cách biên giới Ukraine ít nhất 600km, và ở Ryazan, cách thủ đô Moscow vài giờ lái xe. Sân bay Engels là một phần quan trọng trong lực lượng hạt nhân chiến lược, nơi Nga đặt đội máy bay ném bom chiến lược. Bộ Quốc phòng Nga cho biết 3 binh lính thiệt mạng trong vụ tấn công vào Ryazan. Dù các vụ tấn công nhằm vào mục tiêu quân sự, nhưng Nga gọi đây là hành động khủng bố và cho rằng mục tiêu của hành động này là vô hiệu hóa đội máy bay tầm xa của Moscow.

Tới nay, Kiev không nhận trách nhiệm về vụ tấn công, nhưng cũng không phủ nhận. Báo New York Times dẫn lời một quan chức cấp cao Ukraine cho biết, các máy bay thực hiện đợt tấn công ngày 5-12 được phóng từ đất Ukraine, với ít nhất một đợt được lực lượng đặc biệt gần căn cứ hỗ trợ.

Hãng thông tấn Nga Tass dẫn lời cựu Đô đốc Hải quân Mỹ James Stavridis - cựu tổng Tư lệnh lực lượng NATO ở châu Âu, cho biết các cuộc tấn công nhằm vào các sân bay của Nga cho thấy một bước ngoặt mới và nguy hiểm trong xung đột Nga - Ukraine cũng như phát đi chỉ dấu rằng trong tương lai sẽ có những nỗ lực khác chỉ nhằm vào các cơ sở quân sự của Nga. Ông Stavridis tin rằng "phương Tây sẽ cố gắng kiềm chế Ukraine tiến hành các cuộc tấn công quy mô lớn hơn, với hy vọng giảm nguy cơ xung đột leo thang hơn nữa và kéo theo sự tham gia trực tiếp của NATO. NATO sẽ cố gắng xoa dịu Ukraine bằng cách cung cấp nhiều tên lửa đất đối không tốt hơn để Kiev bảo vệ các thành phố của họ, thậm chí có thể nghiêm túc xem xét việc cung cấp máy bay chiến đấu".

Nga phát lệnh bắt Phó thủ tướng và Ngoại trưởng Ukraine

Ngày 6-12, Tòa án ở Moscow ra lệnh bắt Phó thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk và Ngoại trưởng nước này Emine Dzhaparova sau khi cáo buộc họ vi phạm toàn vẹn lãnh thổ Nga.

Nga cho biết hồi tháng 9, nước này đã sáp nhập 4 khu vực của Ukraine sau khi tổ chức trưng cầu dân ý ở Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia và Kherson. Sau đó, một số nhân vật cấp cao của Ukraine, bao gồm Tổng thống Volodymyr Zelensky, đã tới thăm những khu vực trên bất chấp giao tranh.Trong khi Phó Thủ tướng Vereshchuk đã tới Kherson sau khi lực lượng của Kiev tái chiếm thành phố vào tháng 11 thì Ngoại trưởng Dzhaparova cũng thực hiện chuyến đi tới Bán đảo Crimea, kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế đối với việc giải phóng Crimea và trả lại cho Ukraine.Cả hai nữ chính trị gia của Ukraine đều bị đưa vào danh sách truy nã của Nga.

Đáp lại lệnh bắt của Nga, bà Dzhaparova mỉa mai rằng Mocow đã thừa nhận "hiệu quả công việc của tôi".

Triển vọng hòa bình mờ mịt

Hơn 9 tháng qua, xung đột Nga- Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt và triển vọng đàm phán đi vào ngõ cụt. Nga dường như vẫn đặt cược vào một thắng lợi quân sự ở Ukraine, trong khi Kiev quyết không nhượng bộ.

Điện Kremlin ngày 6-12 cho biết họ đồng tình với Mỹ rằng đàm phán hòa bình ở Ukraine là cần thiết, nhưng không thấy khả năng hai bên ngồi vào bàn thương lượng lúc này. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói thêm Nga cần phải hoàn thành các mục tiêu của chiến dịch quân sự trước khi bàn tới việc đàm phán với các đối tác.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 1-12 cho biết ông sẵn sàng thảo luận với Tổng thống Nga Vladimir Putin nếu "ông ấy thực sự muốn tìm cách chấm dứt chiến tranh". Khi được hỏi về bình luận này, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Moskva vẫn để ngỏ cơ hội đàm phán, miễn là "các lợi ích quốc gia Nga" được đảm bảo. Nhưng ông Peskov cũng lưu ý rằng, Nga không chấp nhận điều kiện mà Tổng thống Mỹ đưa ra là "các cuộc đàm phán chỉ có thể thực hiện sau khi ông Putin rút quân khỏi Ukraine", khẳng định rằng "chiến dịch quân sự đặc biệt đang tiếp tục".

Giới quan sát cho rằng những bình luận mới của Nga cho thấy tương lai đàm phán chấm dứt xung đột là điều xa vời.

AN BÌNH