Điện Biên Phủ trong tôi...

Thứ ba, 23/04/2024 11:30
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã 70 năm, 70 năm của lịch sử, của biết bao đổi thay. 1954, Điện Biên Phủ là một chảo lửa, nơi cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại diễn ra, và kết thúc vào ngày 7-5-1954 khi quân Pháp thua trận, lá cờ Việt Nam tung bay trên đồi A1.
Hầm tướng De Castries.
Du khách tham quan chiến trường xưa nơi QĐND Việt Nam đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu.

Điện Biên Phủ - không chỉ là một địa danh, mà là khúc tráng ca lịch sử, là nơi chốn ai cũng mong muốn một lần đặt chân đến, bởi những cái tên Him Lam, Mường Thanh, đồi A1 hay hầm chỉ huy De Castries. Nhưng một cuộc hành trình tìm đến là không dễ dàng. Điện Biên Phủ cách Hà Nội 487 km, ngay từ Hà Nội làm một cuộc hành trình lên vẫn còn khó, huống chi tôi ở tận Nha Trang.

Lịch sử giữ nước và dựng nước của cha ông chúng ta đã tạo nên những thiên anh hùng ca, và những địa danh lịch sử trở thành những ký ức nhắc nhở cho con cháu mai sau. Như Điện Biên Phủ qua các tư liệu phim ảnh, cho thấy 70 năm trước hình ảnh đèo Pha Đin với những đội dân công thồ lương thực, những đoàn quân vận chuyển vũ khí và pháo, và bài hát: “Hò dô ta nào kéo pháo ta vượt qua đèo/Hò dô ta nào kéo pháo ta vượt qua núi...” được nhạc sĩ Hoàng Vân sáng tác trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

Từ Sơn La, chúng tôi qua đèo Pha Đin đến Điện Biên Phủ. Con đường đèo vào tháng 4 hoa mận đã tàn, bắt đầu ra trái. Con đường một bên núi, một bên lũng sâu thỉnh thoảng điểm xuyết những cây hoa gạo nở hoa rực lửa. Đến Điện Biên bây giờ chỉ là đi trên cung đường đèo, lên đỉnh đèo dừng chân ở những cửa hàng bán các loại lá thuốc, gạo nếp và thớt làm bằng cây nghiến… Là những mời chào mua bán, là gió mơn man trên đỉnh, là tấm bảng ghi dấu tích của 70 năm trước. Chỉ đi qua đèo Pha Đin, con đường bây giờ mở rộng và thuận lợi, đã là một cảm giác rất lạ.

Đường vào hầm đồi A1.

Điện Biên Phủ cách Hà Nội 455 km, có sân bay nhằm tạo điều kiện cho khách du lịch đến. Tên gọi Điện Biên do vua Thiệu Trị đặt vào năm 1841. Quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ được chính thức xếp hạng di tích lịch sử quốc gia ngày 28-4-1962, với 45 điểm di tích thành phần, hiện là một trong 23 di tích được Thủ tướng chính phủ đưa vào danh sách xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ được xây dựng nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (2004). Hiện nay, chạy dọc thung lũng Mường Thanh, nơi diễn ra cuộc đọ sức lịch sử năm xưa là đại lộ 279, nay là Đại lộ Võ Nguyên Giáp, con phố chính và lớn nhất thành phố Điện Biên Phủ. Và nơi này trở thành một điểm đến có sức hút đối với tất cả mọi người.

Cảm giác khi bạn đặt chân lên vùng đất huyền thoại là một cảm xúc khó thể diễn tả được bằng lời. Nơi chúng tôi ở là một khách sạn nhỏ, chỉ đi hơn 10 phút là tới Khu di tích đồi A1. Con phố ít bóng người, tìm quán cà-phê ngồi nhìn phố, gió mơn man thổi. Là chạm gặp ở đó - cuộc chiến lẫy lừng khắp năm châu năm xưa.

Hầm tướng De Castries.

Sáng sớm chúng tôi đến đồi A1. Đồi A1 đã trở thành điểm du lịch. Rất nhiều người lính tìm đến, và rất nhiều bạn trẻ tìm đến. Khu di tích được chỉnh trang, những tấm bảng ghi lại những ký ức, cả những đường hầm và có một chiếc xe tăng của Pháp còn để lại. Trên đỉnh đồi ấy, có cây cổ thụ vươn cành, có hố bom năm xưa để lại, có hàng cây tạo mát, và những bậc cấp đưa bạn đến nơi mà biết bao nhiêu xương máu đã đổ xuống…

Trong phim ảnh về Điện Biên Phủ, có cảnh quân Pháp đầu hàng, đi qua cây cầu sắt. Trong phim tư liệu, hầm De Castries với khung vòm sắt. Nay tới, có cô gái cầm sẵn lá cờ cho bạn chụp ảnh làm kỷ niệm. Hầm De Castries nay được chỉnh trang, có mái che để khỏi bị thời gian tàn phá.

Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ được đặt trên cứ điểm đồi D1. Tại đây có bức phù điêu đại cảnh lớn nhất Đông Nam Á với chiều cao trung bình 7,5m, chiều ngang 58m được ghép từ 217 tấm đá xanh Thanh Hóa, nặng gần 400 tấn. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, cứ điểm D1 là một cứ điểm quan trọng trong dãy đồi phòng ngự phía Đông của Thực dân Pháp. Là mục tiêu của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong đợt tấn công thứ hai bắt đầu vào chiều 30-3-1954. Sau 2 ngày chiến đấu, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 đã hoàn toàn làm chủ được cứ điểm này, sau đó giữ vững trận địa và yểm trợ cùng các đơn vị khác tiêu diệt các cứ điểm còn lại, góp phần làm nên chiến thắng chung của toàn chiến dịch.

Ở đó, nhìn xuống là thành phố Điện Biên Phủ đang chuyển mình, phát triển từng ngày.

Khuê Việt Trường