Điện Biên trong ký ức tuổi thơ tôi

Thứ sáu, 04/05/2018 12:42

Vào cuối những năm 60 của thế kỷ trước, cả nước ta đang trong bầu không khí hào hùng chống Mỹ cứu nước, nhưng những kỷ niệm, những hồi ức về Điện Biên vẫn đầy ắp. Lúc đó tôi mới là cậu thiếu niên học cuối cấp I nhưng ngay trong câu chuyện trẻ con cũng chứa đựng những hình ảnh, những kỷ niệm về Điện Biên của người lớn. Nhớ lại hồi đó người lớn ai mà tự dưng mặc chiếc áo sơ- mi trắng, đi đôi dép Tiền Phong nhựa trắng Hải phòng, miệng túi áo gài bút Kim Tinh, bên trong lờ mờ thấy bao thuốc lá Điện Biên bao bạc là bọn trẻ chúng tôi biết sắp được ăn kẹo. Người lớn mà tự nhiên lại ăn mặc trang trọng túi có bao Điện Biên thì hoặc là sắp thành chú rể đi mời mọi người (thời đó hiếm khi có thiếp mời). Hoặc là chú đó sắp đi bộ đội, thế nào cơ quan cũng tổ chức liên hoan bánh kẹo, văn nghệ, bọn trẻ chúng tôi chỉ việc đến chầu rìa xin kẹo. Bao thuốc Điện Biên lúc đó như một cánh chim báo tin vui hoặc thông báo một sự kiện quan trọng. Trên bao thuốc Điện Biên, một mặt vẽ hình các chiến sĩ cắm cờ trên hầm De Castries,  nét vẽ màu xanh nước biển, mặt kia là cô gái ngồi trên máy cày để lại đằng sau những luống cày thẳng tắp. Bao thuốc được bọc thêm một lớp giấy bạc khi bóc ra thơm phức là sự chú ý và niềm trân trọng của những người lớn. Quanh câu chuyện về bao thuốc lá Điện Biên cũng được xen vào cuộc sống đời thường:

 

- Này đám cưới của cậu Thiều tối qua toàn Điện Biên bao bạc hẳn hoi nhé.

- Ối xời! Đến gần cuối làm gì còn Điện Biên, phải mang Đ' Rao bao bạc thay vào.

- Đ'Rao bao bạc còn tươm chán! Đám cưới bây giờ chỉ có Tam Thanh bao thường thôi. Hôm qua mới thấy đám cưới Điện Biên bao bạc đấy!

Trong nhóm bọn trẻ chúng tôi có cậu Bình, một hôm nó nói với chúng tôi: "Bố tao là chiến sĩ Điện Biên đấy, là người thứ hai đi sau người cầm cờ vẽ trên vỏ bao thuốc lá". Từ hôm đó chúng tôi nhìn nó với ánh mắt trìu mến, đầy ngưỡng mộ: trông nó hiền lành, chậm chạp vậy mà là con bác bộ đội trong nhóm cắm cờ trên hầm De Castries! Có một lần sau đó, cả bọn kéo đến nhà nó trèo ổi và hỏi bố nó chuyện Điện Biên, bố nó cũng kể y như vậy, chúng tôi thán phục ông lắm, từ đó nhìn thấy ông từ xa, mặc dầu ông có đi hướng khác, chúng tôi cũng thi nhau chạy vội đến khoanh tay chào. Gần đến hè vào dịp ngày 7-5 năm đó, tôi có mang chuyện này ra lớp học kể. Hôm sau có hai đứa ở trong lớp cũng bảo bố chúng nó cũng là chiến sĩ Điện Biên và cũng đi thứ hai trong nhóm cắm cờ, chúng cãi nhau ì xèo và còn định đánh nhau. Tôi nhanh trí giàn hòa: "Chúng mày sai rồi, nhóm cầm cờ có đến mấy người mà lúc ấy ai còn để ý mình chạy thứ mấy. Nhầm là chuyện thường. Bây giờ đến nhà hai đứa hỏi lại là biết ngay. Thế là chúng tôi rùng rùng kéo đi. Đến nhà nào, bố của chúng cũng xác định chắc như đinh đóng cột: "Mình là người thứ hai trong nhóm cắm cờ". Chúng tôi chẳng hiểu ra sao cả vì trong suy nghĩ non nớt của trẻ con thì người lớn là những người trung thực không bao giờ nói sai.  Chỉ có trẻ con thì mới nói dối và hay ăn vụng mà thôi! Sau này, khi đã trưởng thành tôi mới hiểu, những người tham gia chiến dịch Điện Biên ai cũng mơ ước mình sẽ là người cắm cờ trên hầm De Castries. Khi chiến thắng, người trực tiếp cầm cờ đã được đài báo nêu danh, những người đi sau vô danh không ai biết, không ai xác định được cả, và tất cả những chiến sĩ Điện Biên đều tưởng tượng mình chính là người đó, niềm vinh dự của ngày chiến thắng 7 - 5 quá lớn đã nhiễm vào người, ám thị họ khi nói chuyện với con cháu.

Hồi đó, trong xóm tôi có ông Tùng làm nghề bán điếu cày và bỏ mối thuốc lào, thỉnh thoảng ông uống rượu và lôi vợ con ra đánh chửi, miệng la hét làm náo loạn cả xóm phố, mấy người lớn chạy sang can ngăn xong khi trở về còn lầu bầu: "Thế mà cũng gọi là bộ đội Điện Biên, không biết xấu mặt!".  Nghe được những câu ấy tuy là trẻ con nhưng chúng tôi có nỗi buồn như mình đã đánh mất con cù bằng gỗ ổi, hay cặp sách thủng để lọt rơi mất đồng cái chì đánh đáo. Mấy ngày sau cả bọn chúng tôi vui như phá cỗ trung thu, hò reo vang động hệt lễ rước đèn ông sao. Nguyên do là chúng tôi đã biết được sự thật là ông Tùng kia không phải chiến sĩ Điện Biên. Đúng ra ông là bộ đội pháo binh theo chiến dịch nhưng mới hành quân đến Yên Bái thì mắc tội trai gái (lúc đó còn gọi là tội hủ hóa) bị đuổi về địa phương. Mặc dù cô gái dân tộc trót lỡ sau đã thành vợ ông và anh con trai của họ luôn là học sinh giỏi toán của tỉnh nhưng mỗi lần bất đắc chí ông lại luyến tiếc cho tuổi thanh xuân lầm lỡ của mình đã không được tham gia đến hết chiến dịch, không có mặt trong đoàn quân chiến thắng quấn lá ngụy trang trở về. Khi buồn say thì ông lại trút lên đầu vợ con, như họ là nguyên nhân chính làm cho ông không đi được trọn vẹn đến ngày chiến thắng 7-5 năm ấy...

Thế mà đã hơn 50 năm trôi qua, tôi cũng đã đến tuổi già.  Tối qua, những kỷ niệm của thời niên thiếu về Điện Biên lại ùa về khi cậu con trai nhỏ của tôi muốn tôi kể chuyện chiến thắng Điện Biên cho nó nghe. Cậu bé nghe rất chăm chú, tay vân vê bức ảnh cắm cờ trên hầm De Castries, chắc vừa cắt ra từ tờ báo cũ nào đó. Cho đến hôm nay nhiều lớp thế hệ kế tiếp đã lớn lên nhưng những câu chuyện về Điện Biên về chiến thắng Điện Biên vẫn còn được trân trọng, sống động trong lòng nhiều người, lấp lánh sáng trong lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Nguyễn Tuấn Anh