Diễn biến vụ cá chết hàng loạt ở miền Trung: Nước biển Đà Nẵng vẫn an toàn

Thứ sáu, 29/04/2016 11:15

(Cadn.com.vn) - Chiều 28-4, tại cuộc họp triển khai các hoạt động du lịch biển năm 2016 do Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng chủ trì, cơ quan chuyên môn đã có thông báo chính thức về kết quả lấy mẫu phân tích chất lượng nước ven biển Đà Nẵng.

Các chỉ số đều nằm trong giới hạn cho phép

Theo ông Đặng Quang Vinh - Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở TN&MT, sau khi tiếp nhận thông tin của người dân về tình hình “cá chết dọc biển Đà Nẵng”, Sở đã tổ chức kiểm tra thực tế và lấy mẫu nước biển khu vực bãi biển trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Thanh Khê, Liên Chiểu, tại các vị trí cách bờ biển khoảng 100m gồm: tại bãi tắm Phạm Văn Đồng, Mỹ Khê, Non Nước, Bãi Rạng; cầu cảng Tiên Sa; cửa sông Phú Lộc; cửa sông Cu Đê.

Kết quả, so với giá trị giới hạn của các thông số chất lượng nước biển vùng biển ven bờ “Vùng bãi tắm biển, thể thao dưới nước” của QCVN 10-MT:2015/BTNMT thì các thông số như: pH, DO (lượng oxy hòa tan trong nước), TSS (tổng chất rắn lơ lửng), NH4+ N (Amoni), Cr6+ (Crom 6), Pb (Chì), Hg (Thủy ngân), CN- (Xyanua) đều nằm trong giới hạn cho phép, đảm bảo yêu cầu phục vụ mục đích thể thao, giải trí dưới nước. Kết quả phân tích mẫu nước biển vào ngày 27-4 so với ngày 17-4 và trong năm 2015 cũng cho thấy không có sự biến động bất thường nào.

Bắt đầu từ hôm nay, Sở TN&MT đã giao Trung tâm Kỹ thuật môi trường tiếp tục lấy mẫu phân tích chất lượng nước biển và lập kế hoạch quan trắc sinh học trong thời gian 30 ngày tiếp theo để nắm tình hình, công bố 2 ngày 1 lần trên Trang thông tin điện tử của Sở.

Người dân vẫn nghi ngại

Mặc dù các chỉ số được công bố cho thấy biển Đà Nẵng vẫn an toàn, nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, người dân TP Đà Nẵng vẫn nghi ngại với cá biển. Cá trong các chợ đã giảm giá rất mạnh nhưng hầu như vẫn không tiêu thụ được. Trao đổi với chúng tôi, một tiểu thương ở chợ An Hải Đông, Q. Sơn Trà nói: “Đánh được mớ cá đã khổ, đem vào bờ bán còn khổ hơn vì người ta sợ, không dám mua, có giải thích cách chi nhiều người cũng không tin. Đúng là vạ lây”.  chứ nhà chị làm nghề biển chị biết, mấy loại cá nhỏ này là đánh bắt ở gần bờ dọc biển từ Đà Nẵng đến Điện Dương, tối đi sáng vô, không ảnh hưởng chi mô. Vậy mà giờ giá rớt từ phân nửa tới hai phần ba cũng khó bán".

Một bạn đồng nghiệp kể chuyện vừa cãi nhau với vợ hồi trưa cũng do chuyện ăn cá hay không. Buổi sáng cô vợ đi chợ mua được mớ cá ngon, kho lên thơm phức nhưng khi nghe chuyện cá chết thì nhất định không cho cả nhà ăn. Người chồng đã trấn an là ở Đà Nẵng, chuyện cá chết không đáng lo, thứ nhất là ở rất xa vùng nóng về cá chết, số lượng cá dạt vào bờ tính đến chiều ngày 27-4 chỉ chưa đến hai chục con, còn sáng 28-4 thì chỉ một vài con, trên đoạn bờ biển dài hơn 10 cây số từ Non Nước đến núi Sơn Trà mà với số lượng ấy thì không đáng kể, thế mà bây giờ lại trở thành mối quan tâm của không ít người.

Nhiều người dân TT-Huế đổ xô đến đại lý muối mua.

Đổ xô đi mua muối

Tại TT-Huế, lo ngại nước biển nhiễm chất độc dẫn đến muối ăn cũng bị nhiễm bẩn theo, sáng 28-4,  nhiều người dân ở Huế đổ xô đi mua muối ăn các loại với số lượng lớn để mang về tích trữ. Tại các chợ như: Đông Ba, An Cựu, Tây Lộc, chợ Cống... (TP Huế), nhiều người dân chen lấn, xô đẩy để có thể mua được muối mang về. Một chủ cửa hàng tạp hóa ở chợ Đông Ba nói: Ngày thường, họ chỉ mua 1 hoặc 2 gói nhưng  hôm nay có người mua cả thùng 10 kg đến bao tải 50 kg. Chị Nguyễn Thị Châu (37 tuổi, trú P.Phú Hội, TP Huế) cho biết: Do mình bán hàng ăn nên nhiều bạn hàng gọi điện nói đi mua muối để trữ vì họ nói nước biển độc, vài bữa muối không an toàn. Nhưng khi mình về chợ Cống, đi gần chục chỗ bán hàng nhưng đều “cháy” muối.

Chị Nguyễn Thị Ái Nhi, chủ một quầy muối tại chợ Tây Lộc cho biết: “Mấy hôm trước, mọi người đổ về chợ Đông Ba và chợ An Cựu để mua muối, nhưng do 2 chợ này cũng hết muối bán nên mới tìm sang mua tận chợ Tây Lộc”. Dù nguồn muối của quầy luôn được cung ứng từ đại lý lớn sang để bán nhưng trong ngày 28-4, quầy hàng của chị Nhi luôn trong tình trạng “cháy” hàng.

“Chắc người dân lo sợ nước biển nhiễm bẩn không có muối sạch để ăn nên mới đi mua nhiều đến vậy. Tôi thấy khách hàng đến mua thì tôi bán thôi”- ông Nguyễn Đăng Tỵ, chủ đại lý muối tại 686-Lê Duẩn (TP Huế) cho biết.

C.Khanh – K.Thanh - H.Lan

* Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh vừa ký quyết định tạm trích ngân sách từ nguồn dự phòng năm 2016 để cấp hỗ trợ cho các ngư dân là vùng bị ảnh hưởng nặng nề từ việc hải sản chết bất thường. Theo đó, trích 150 tấn gạo để hỗ trợ cho các nhân khẩu thuộc hộ ngư dân có lao động đánh bắt hải sản do phải ngừng sản xuất, nhất là các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, khó khăn, các trường hợp bị thiệt hại lớn. Mức hỗ trợ cho mỗi nhân khẩu là 15 kg gạo trong thời gian 45 ngày. Tạm cấp ứng số tiền 750 triệu đồng để cấp hỗ trợ cho UBND thị xã Kỳ Anh nhằm hỗ trợ các tổ chức và hộ dân nuôi trồng thủy hải sản bị thiệt hại.

X.S