Diễn đàn Nhịp cầu phát triển Việt Nam năm 2023: Tăng trưởng xanh và chuyển đổi số là chìa khóa tạo đột phá cho miền Trung

Thứ sáu, 17/03/2023 21:52
Khu vực miền Trung - Tây Nguyên có lợi thế để phát triển bền vững, dựa vào công nghệ số. Việc tìm ra cơ chế, giải pháp liên kết các địa phương trong khu vực theo xu hướng kinh tế xanh, công nghệ số sẽ giúp miền Trung - Tây Nguyên tạo đột phá trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh chia sẻ định hướng phát triển kinh tế số của TP trong thời gian tới.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn Nhịp cầu phát triển Việt Nam năm 2023.

Thay đổi tư duy liên kết vùng

Hiện nay không thỏa thuận xanh nào mà thiếu chuyển đổi số. Dự báo các giải pháp công nghệ 4.0 có tiềm năng cắt giảm 20% lượng khí thải toàn cầu vào năm 2030. Tại Diễn đàn Nhịp cầu phát triển Việt Nam năm 2023 tổ chức tại Đà Nẵng chiều 17-3, các nhà lãnh đạo và chuyên gia đã bàn thảo nhiều vấn đề liên quan đến chuyển đổi kép “xanh và công nghệ số”. Chủ đề này đã được phân tích trên cơ sở các bài toán thực tiễn đang đặt ra tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Đây là nơi có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển kinh tế biển, kinh tế biển xanh, năng lượng tái tạo, du lịch, nông - lâm nghiệp bền vững.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang có bài phát biểu định hướng quan trọng tại Diễn đàn.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ giải pháp liên kết khu vực.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh chia sẻ định hướng phát triển kinh tế số của TP trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh chia sẻ, năm 2022 kinh tế số đóng góp 17% GRDP TP, dự kiến sẽ chiếm 20% trong 3 năm tới. Đà Nẵng đã xác định phải đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, khai thác tối đa ưu thế do các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại, trong đó, kinh tế tuần hoàn - tăng trưởng xanh là mô hình kinh tế hiện đại được cho là rất phù hợp với điều kiện, bối cảnh và nguồn lực của Đà Nẵng cũng sẽ triển khai mô hình “Thành phố thông minh toàn diện”, “thành phố môi trường”, tăng trưởng xanh, trong đó ưu tiên khai thác, tạo ra giá trị cụ thể từ dữ liệu số để huy động, khơi thông nguồn lực mới.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc thì cho biết, khu vực MT-TN còn nhiều dư địa phát triển các loại năng lượng xanh. Đường biển dài, khí hậu nhiệt đới, có lượng nhiệt mặt trời tương đối lớn là ưu điểm để các địa phương trong khu vực xây dựng và phát triển ngành công nghiệp năng lượng xanh. Mặc dù vậy, cần giải pháp liên kết các địa phương trong khu vực để phát triển kép “xanh và công nghệ số” mới tạo ra đột phá cho khu vực.

Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, liên kết phát triển vùng là chủ đề đã được thảo luận nhiều nhưng trên thực tế không có nhiều tiến triển, mà nguyên nhân từ cơ chế, chính sách cũng có, từ nhận thức lãnh đạo cũng có. Để phát triển vùng, trước hết cần có sự thống nhất về nhận thức giữa các lãnh đạo địa phương: “Trong anh có tôi, trong tôi có anh, chúng ta là một thể thống nhất…”. Hiện nay vướng về cơ chế là chưa hình thành được cơ quan hành chính cấp vùng; 63 tỉnh/thành ở ta được ví như 63 nền kinh tế, cái gì cũng có. Hệ quả của tình trạng cục bộ là cạnh tranh xuống đáy giữa các tỉnh, nền kinh tế không giải quyết được các vấn đề chung như môi trưởng, sử dụng hiệu quả tài nguyên… Liên kết phát triển vùng sẽ mở ra không gian phát triển mới, phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của từng địa phương và cả vùng, giải quyết những vấn đề chung (môi trường, biến đổi khí hậu, sử dụng hiệu quả tài nguyên…).

Giải quyết thách thức “kép”

Giám đốc Danh mục dự án của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, bà Stefanie Stallmeister nhận định, khu vực miền Trung sẽ phải đối mặt với 2 thách thức lớn trong tăng trưởng xanh và công nghệ số, đó là mực nước biển dâng cao, những cơn bão mạnh hơn, lượng mưa thất thường hơn. Các thành phố trong khu vực hứng chịu nhiều trận lũ, hạn hán, trong khi người dân sống dọc theo bờ biển phải đối mặt với sự xói mòn và nhiễm mặn. Do đó, cần phải đầu tư các công trình để thích ứng với biến đổi khí hậu, nếu không, trong khoảng 10 năm, chỉ tính riêng khu vực ven biển sẽ mất đi 4,3 tỷ USD tăng trưởng kinh tế từ các cú sốc tự nhiên. Bà Stallmeister cũng nhấn mạnh rằng việc đầu tư này phải "mang tính khu vực chứ không phải cấp tỉnh", bởi rất khó để đầu tư vào các biện pháp bảo vệ bờ biển theo từng tỉnh hay đầu tư quản lý đường sông theo tỉnh. Chẳng hạn, Đà Nẵng không thể quản lý lũ theo mùa mà không phối hợp với các tỉnh xung quanh trong quản lý lưu vực giàu rừng.

Cũng theo bà Stallmeister, mô hình phát triển sử dụng nhiều tài nguyên giúp Việt Nam đạt được mức thu nhập hiện tại không thể duy trì trong một thế giới biến đổi khí hậu. Việc giảm lượng khí thải carbon trong hàng xuất khẩu sẽ đảm bảo hàng xuất khẩu của Việt Nam duy trì tính cạnh tranh. Vì vậy, đã đến lúc khu vực miền Trung phải xem xét nền nông nghiệp phát thải thấp carbon; ngành du lịch phải tiếp cận với năng lượng tái tạo và quản lý chất thải rắn bền vững để bạn có thể tiếp tục thu hút khách du lịch có ý thức bảo vệ môi trường; ngành sản xuất cũng phải sử dụng năng lượng mặt trời, điện gió…

3 vấn đề cốt lõi để đột phá

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nêu 3 vấn đề cốt lõi để miền Trung - Tây Nguyên tạo đột phá trong phát triển bền vững. Theo Phó Thủ tướng, trong thời gian qua, các địa phương và doanh nghiệp khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã thể hiện quyết tâm rất cao, chủ động, tích cực triển khai các nhiệm vụ về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và chuyển đổi số. Tuy nhiên, để có thể đạt được những kết quả có tính đột phá thì còn nhiều việc phải làm. Phó Thủ tướng đề nghị, từ kinh nghiệm quốc tế phải đánh giá được cơ hội, thách thức của khu vực miền Trung- Tây Nguyên trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh, chuyển đổi số hướng tới phát triển bền vững. Từ đó, phải đề xuất các giải pháp có tính khả thi cao, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện và ưu tiên của Việt Nam nói chung và các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói riêng để hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp thu hút các nguồn lực cả trong nước và quốc tế nhằm phục vụ các mục tiêu về phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, chuyển đổi số. Đặc biệt, phải đề ra các chương trình, dự án cụ thể trong các lĩnh vực ưu tiên để các địa phương, doanh nghiệp, các đối tác quốc tế nghiên cứu khả năng hợp tác và triển khai trong thời gian tới.

HẢI QUỲNH

Trong khuôn khổ diễn đàn đã diễn ra Lễ công bố và vinh danh 50 doanh nghiệp FDI tiêu biểu nhận giải Rồng Vàng lần thứ 22. Các doanh nghiệp này tiên phong đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi xanh, ứng dụng công nghệ số trong quy trình sản xuất, kinh doanh; đạt kết quả phục hồi ấn tượng sau đại dịch COVID-19 và thể hiện chiến lược phát triển bền vững. Từ 500 đề cử đã có 50 doanh nghiệp nhận giải ở 6 nhóm ngành, trong đó nhiều thương hiệu nổi bật như LEGO Manufacturing Việt Nam, Qualcomm Việt Nam, Intel Products Việt Nam, Sembcorp Energy Việt Nam, Siemens Việt Nam.