Diện kiến "kỳ nhân" tranh khói
(Cadn.com.vn) - Ai trong đời từng xem tranh truyền thần, chắc chắn không khỏi xuýt xoa thán phục trước biệt tài của người họa sĩ; và sẽ càng ngỡ ngàng, kính nể hơn nếu một lần được chiêm ngưỡng những bức tranh bằng khói bếp của lão nông Vũ Quốc Sự (54 tuổi, ở Đồng Nai), mà mọi người thường quen gọi ông là "kỳ nhân" tranh khói...
Ủ khói dệt tranh
Lần theo lời đồn đại, trong chuyến công tác Đồng Nai mới đây, tôi tìm đến nhà danh họa chân đất Vũ Quốc Sự ở đường Cách Mạng Tháng 8, P. Xuân An, TX Long Khánh. Đúng là không ngoa khi gọi ông là "kỳ nhân", bởi chỉ với một cây kim, lưỡi dao nhỏ và mảng khói bếp đen ngòm bu bám lại trên tre, nứa gác bếp, ông đã dệt nên những bức tranh đủ gam màu. Trước khi kể về nghề, ông Sự khoe với tôi rằng: "Cả trăm ngàn người khi xem tranh tôi vẽ đã nhầm tưởng tôi vẽ bằng mực, bằng sơn màu như bao họa sĩ khác. Nhưng tận mắt thấy tôi họa tranh, ai cũng tròn mắt kinh ngạc vì để tìm ra chủ nhân vẽ kiểu tranh này, Việt Nam khó tìm ra người thứ 2".
Nông dân Vũ Quốc Sự bên một bức tranh độc đáo do ông vẽ bằng khói bếp. |
Đúng là độc thật. Là một nông dân, chưa từng kinh qua trường lớp đào tạo mỹ thuật nào, song, những bức họa của ông khiến nhiều người thán phục. Sự nghiệp vẽ tranh bằng khói của ông Sự khởi đầu một cách tình cờ. Năm 2007, một lần ông đến giúp người bạn sửa lại nhà bếp, khi tháo đòn tre đen bóng trên mái nhà thì có vài đòn bị trầy xước vết khói bếp, lộ ra thân tre chỗ trắng, chỗ vàng. Vốn có chút tài hoa vẽ tranh bẩm sinh, ông tò mò dùng cái đinh vẽ lên thân đòn tre hình một con thỏ nhỏ. Vẽ xong ông đưa cho mọi người xem, ai cũng thích thú vì vừa đẹp, vừa lạ. Hứng khởi vì sự phát hiện tình cờ đó, ông về nhà mình lật tung... mái bếp, tháo những đòn tre bị khói ám đen mang ra sân ngồi vẽ. Cứ vẽ, vẽ mãi đến khi mái bếp nhà ông hết đòn tre, phải làm đòn bếp mới. Ông Sự kể: lúc đầu, do nôn nóng nên đòn tre mới ủ khói vài ngày đã mang ra vẽ ngay nên tranh bị hỏng nhiều vì khói bám kết chưa chặt. Cuối cùng, để có những bức tranh như ý, ông lặn lội đến các vùng miền núi trong tỉnh tìm tre nứa mang về kết lại với nhau tạo khổ lớn rồi đem gác lên bếp ủ khói trong thời gian 3 tháng, có khi cả nửa năm mới mang ra vẽ. Theo ông, khi khói phủ một lớp đen bóng như nhựa đường thì mới vẽ tranh lên. "Nếu tranh truyền thần bắt đầu bằng việc phủ màu lên giấy trắng thì tranh khói lại đối nghịch hoàn toàn. Nghệ thuật tranh khói là vẽ theo phương thức cạo trắng khuôn tranh. Tôi vẽ tranh khói là lấy màu trắng của chất liệu vẽ làm chuẩn, còn mình dùng dao cạo mỏng lớp khói đen bám trên bề mặt tranh để tạo đường nét, mà khó nhất là khâu tạo chiều sâu. Chính vì thế, khi vẽ phải biết chi tiết nào cạo sâu, chi tiết nào cạo nông để tạo nên từng khối màu riêng biệt. Riêng tranh khói được khắc họa trên nền tre nứa nên chỉ có thể tạo được duy nhất hai màu - trắng và đen thôi" - ông Sự nói.
Nhiều năm liền đam mê ủ khói "dệt" tranh, ông Sự đã cho ra đời gần 300 bức tranh, từ phong cảnh quê hương đến chân dung những người nổi tiếng. Thậm chí, những bức tranh của những họa sĩ nổi tiếng cũng được ông họa thành công, giống nguyên bản đến 95%. Cứ sau mỗi bức họa thành công phần thô, ông tiến hành công đoạn cuối cùng là phun dầu bóng rồi đóng tranh vào khung gỗ. Tiếng lành đồn xa, những bức tranh của ông không chỉ "cất tiếng vang" trong nước mà còn truyền đi khắp thế giới. Nhiều khách nước ngoài khi thấy những bức tranh đăng trên mạng đã tìm tới mua hoặc đặt hàng để ông vẽ.
Những bức tranh khói được ông bán ra thị trường với giá lên tới hàng ngàn USD. |
Ước mơ chinh phục nghệ thuật
Ông Sự kể: do nhu cầu khách đặt tranh nhiều nên ông đã xây gian bếp rộng hơn để có không gian hun khói tranh. Vợ chồng con cái cũng ủng hộ nên ngày ngày đi mua tre, nứa khắp nơi mang về cho chồng, cha. Còn ông, vì đam mê nên có nhiều đêm thức trắng để hoàn thành những bức tranh khách đặt hàng. Ông giới thiệu bức chân dung nữ minh tinh màn bạc Marilyn Monroe treo trên tường, bảo có người từng trả giá gần 2.000 USD nhưng ông chưa bán. Tháng 4-2016, bức họa "Nụ cười bí hiểm của nàng Mona Lisa" của danh họa Leonardo da Vinci đã được bán với giá 80 triệu đồng.
Sau khi thành công vẽ tranh khói trên tre, nứa, ông Sự còn đang tìm tòi, sáng tác trên các chất liệu khác như mica, thủy tinh, nhựa. Từ những thử nghiệm, bước đầu cũng đã cho ra những bức tranh tạm gọi là đẹp. Có điều, mica và thủy tinh ông cũng phải gác lên bếp để hun khói, nhưng do các chất liệu này hay bị biến dạng, vỡ do nhiệt độ cao nên hơi khó. "Bình thường một khổ tranh bằng tre, nứa tôi hun 3 tháng, nhưng mica và thủy tinh có khi hun tới 6-9 tháng mới có thể vẽ. Ngoài ra, khi sáng tác từ chất liệu này, phải rất cẩn thận vì chúng dễ vỡ" - ông Sự nói. Vẽ tranh khói trên chất liệu vỏ quả bầu cũng đang là ước mơ của ông. Theo ông, lúc quả bầu chín vỏ rất cứng và là chất liệu tuyệt vời nên ông đang nung nấu ý tưởng. Nếu thành công, tranh trên vỏ bầu sẽ là "linh hồn" của người Việt Nam, và tranh của ông sẽ góp phần quảng bá văn hóa Việt.
Từ những thành công khi làm nên những bức tranh khói có giá trị nghệ thuật cao, năm 2012, ông Sự vinh dự đoạt giải thưởng "Sáng tạo hàng thủ công, mỹ nghệ" do UBND tỉnh Đồng Nai trao tặng. Nhiều năm qua, tranh khói của ông cũng được mời tham gia các cuộc triển lãm tranh tại Hà Nội, Huế, TP HCM... và chính ông đã đăng ký thương hiệu tranh khói, đang chờ Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận. "Tôi sẽ tiếp tục tìm tòi, sáng tạo tranh khói của mình ở mọi vật liệu làm nền. Tuy nhiên, chủ đạo vẫn sẽ là trên thân tre, bởi từ thân tre, hình ảnh bức họa sẽ đẹp hơn, và cây tre cũng chính là biểu tượng đẹp của văn hóa làng xã Việt Nam"-họa sĩ nông dân Vũ Quốc Sự chia sẻ.
Công Hạnh