Điện lực trả tiền mua điện mặt trời cho khách hàng
Hiện nay, trên địa bàn TP Đà Nẵng đã có nhiều gia đình và doanh nghiệp lắp đặt điện mặt trời. Đây là một giải pháp góp phần quan trọng giảm áp lực về đầu tư nguồn điện và giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường. Liên quan đến nội dung này, P.V Báo Công an TP Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với ông Trần Nguyễn Bảo An, Phó Giám đốc Cty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng).
Ông Trần Nguyễn Bảo An. |
P.V: Thưa ông, tình hình triển khai điện mặt trời tại Đà Nẵng, đến thời điểm hiện nay đã tiến triển?
Ông Trần Nguyễn Bảo An: Ngày 8-1-2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 02/2019/QĐTTg sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định số 11/2017/QĐTTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, qua đó tạo cơ sở pháp lý cho việc phát triển các dự án điện mặt trời, bao gồm điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN). Như chúng ta đều biết, điện mặt trời mái nhà là giải pháp năng lượng mặt trời cho hộ gia đình, doanh nghiệp... là nguồn năng lượng tái tạo thực sự, chuyển hóa quang năng thành điện năng, tận dụng ánh sáng mặt trời, thân thiện với môi trường. Hệ thống ĐMTMN với công suất nhỏ, tiện dụng, không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, mà còn góp phần giảm áp lực về đầu tư nguồn điện, giảm ô nhiễm môi trường. Vì vậy, trong thời gian qua, PC Đà Nẵng đã tích cực tuyên truyền, kết hợp triển khai các giải pháp nhằm phát triển ĐMTMN trong nhân dân và khách hàng sử dụng điện. Theo số liệu ghi nhận tại thời điểm ngày 20-5-2019, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã có 157 khách hàng (23 doanh nghiệp và 134 hộ gia đình) lắp đặt hệ thống ĐMTMN có đấu nối vào hệ thống điện của PC Đà Nẵng với tổng công suất lắp đặt 1.028 kWp.
P.V: Ngành điện nói chung, PC Đà Nẵng nói riêng có cơ chế khuyến khích sử dụng điện mặt trời như thế nào?
Ông Trần Nguyễn Bảo An: PC Đà Nẵng cam kết sẽ hỗ trợ lắp đặt miễn phí công-tơ đo đếm 2 chiều cho khách hàng, đấu nối vào hệ thống điện nếu đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định trong thời gian ngắn nhất. Sau khi ký kết hợp đồng mua bán điện theo giá quy định của Nhà nước, hàng tháng, các Điện lực khu vực sẽ ghi nhận chỉ số điện năng tiêu thụ và chỉ số điện mặt trời phát lên lưới cho các khách hàng đã được lắp đặt điện kế 2 chiều, làm cơ sở để thanh toán tiền điện cho khách hàng. PC Đà Nẵng cũng đã kiến nghị Sở Công Thương TP Đà Nẵng, trình UBND TP có văn bản khuyến khích các cơ quan hành chính sự nghiệp, đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước, trường học, bệnh viện... chủ động xây dựng kế hoạch trang bị lắp đặt hệ thống điện mặt trời nối lưới tại đơn vị. Đây là giải pháp tiết kiệm điện hiệu quả, lâu dài, tiết kiệm chi phí tiền điện hàng tháng. Ngoài ra PC Đà Nẵng đã tích cực quảng bá cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời cho các khách hàng tiềm năng; đồng thời thực hiện vai trò kết nối khách hàng với nhà cung cấp uy tín, tin cậy.
P.V: Ông có thể nói rõ hơn điện mặt trời đem lại lợi ích gì cho khách hàng và ngành điện?
Ông Trần Nguyễn Bảo An: Với chính sách của nhà nước khuyến khích phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo, ngành điện kỳ vọng ĐMTMN sẽ ngày càng có nhiều tổ chức, gia đình áp dụng, vừa góp phần khắc phục thiếu hụt nguồn điện vừa mang lại lợi ích kinh tế cho mọi nhà. Những ưu điểm của ĐMTMN là: Không tốn diện tích đất; giúp tăng cường chống nóng hiệu quả cho các công trình; có quy mô nhỏ, lắp đặt phân tán nên được đấu nối vào lưới điện hạ áp và trung áp hiện hữu, không cần đầu tư thêm hệ thống lưới điện truyền tải. ĐMTMN khi lắp đặt trên mái sẽ góp phần giảm sức nóng lên ngôi nhà, làm nhà mát hơn. Sử dụng nguồn "nguyên liệu" gần như là vô tận - ánh sáng mặt trời, sử dụng trong gia đình, doanh nghiệp giúp giảm chi phí tiền điện hằng tháng. Chi phí đầu tư ban đầu không quá cao (đối với hộ gia đình khoảng 50 – 75 triệu đồng). Chi phí bảo trì, bảo dưỡng thấp. Người dùng chỉ cần giữ hệ thống sạch sẽ (vệ sinh 2-3 lần/năm). Hệ thống điện mặt trời mái nhà không có các bộ phận chuyển động gây hao mòn, do đó chi phí bảo dưỡng gần như là không có.
Các dự án ĐMTMN được thực hiện cơ chế mua bán điện theo chiều giao và chiều nhận riêng biệt của công-tơ điện đo đếm hai chiều. Theo cách này, ngoài sử dụng theo nhu cầu, lượng điện sản xuất được sẽ tự động hòa vào lưới điện và dựa theo chỉ số trên công-tơ điện, Công ty Điện lực thanh toán cho chủ đầu tư theo giá mua điện quy định cho từng thời điểm. Theo đó, giá mua điện dành cho những công trình ĐMTMN thực hiện hòa lưới trước ngày 30-6-2019 là 2.134 đồng/kWh (tương ứng với 9,35 cent USD) (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Mức giá này cao hơn so với giá điện bán lẻ điện bình quân hiện hành của ngành điện.
Lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà. |
P.V: Đến nay, Điện lực đã thanh toán bao nhiêu tiền cho bao nhiêu khách hàng lắp điện mặt trời và thủ tục đăng ký?
Ông Trần Nguyễn Bảo An: Tính đến ngày 20-5-2019, tức sau chưa đầy một tháng kể từ 25-4-2019 - ngày Thông tư số 05/2019/TT-BCT ngày 11-3-2019 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2017/TT-BCT ngày 12-9-2017 của Bộ Công Thương quy định về phát triển dự án và Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời có hiệu lực, PC Đà Nẵng đã tích cực liên hệ tất cả khách hàng có lắp công-tơ 2 chiều để ký hợp đồng mua bán điện MTMN và thực hiện thanh toán cho 105 khách hàng với tổng số tiền hơn 290 triệu đồng.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, PC Đà Nẵng khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hiện dự án ĐMTMN. Trình tự về thủ tục đăng ký, ký kết hợp đồng, mua bán điện do các điện lực trực thuộc trực tiếp tư vấn, hướng dẫn cho chủ đầu tư. Cụ thể, các điện lực phổ biến và hướng dẫn chủ đầu tư thủ tục đăng ký lắp đặt ĐMTMN để được khảo sát về khả năng đấu nối vào lưới điện của dự án nhằm đảm bảo hiệu quả khi đầu tư dự án. Công ty tiếp nhận đăng ký nhu cầu lắp đặt ĐMTMN qua Trung tâm Chăm sóc khách hàng Tổng Công ty Điện lực miền Trung bằng các hình thức: điện thoại, email, Zalo, chat box... Khi đăng ký, chủ đầu tư cần cung cấp thông tin ban đầu về địa điểm và công suất dự kiến lắp đặt, mã khách hàng sử dụng điện để tiện liên hệ và khảo sát đấu nối. Việc ký kết hợp đồng mua, bán điện thực hiện theo quy định của Thông tư số 05/2019/TT-BCT của Bộ Công Thương. Theo hợp đồng này, ngày vận hành thương mại (bán điện) được tính từ ngày hai bên ký biên bản chốt chỉ số công-tơ thực hiện giao nhận điện năng của dự án. Công ty sẽ ghi chỉ số công-tơ 1 lần/tháng, cùng với kỳ ghi chỉ số công-tơ chiều mua điện từ lưới của chủ đầu tư để làm cơ sở thanh toán lượng điện bán của chủ đầu tư. Đối với chủ đầu tư là khách hàng sử dụng điện ghi chỉ số công-tơ nhiều kỳ/tháng thì ghi chỉ số công-tơ chiều bán điện lên lưới cùng với kỳ ghi chỉ số công-tơ cuối cùng trong tháng. Về thanh toán tiền điện, Đối với chủ đầu tư là hộ gia đình, cá nhân không phát hành hóa đơn: hằng tháng các điện lực thực hiện lập bảng kê thanh toán tiền điện trên hệ thống CMIS để thanh toán cho chủ đầu tư bằng hình thức chuyển khoản (tiền thanh toán không bao gồm thuế GTGT).
P.V: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
PHƯƠNG KIẾM (thực hiện)