Dinh dưỡng đầu đời cho trẻ em (Bài 1: Chế độ ăn uống kém chất lượng ảnh hưởng sự phát triển của trẻ)

Thứ năm, 31/10/2019 14:10

Dinh dưỡng của trẻ dưới 1 tuổi có ý nghĩa quan trọng và ảnh hưởng sức khỏe, quá trình phát triển của trẻ trong năm đầu đời. Nếu trẻ được chăm sóc nuôi dưỡng đầy đủ, hợp lý sẽ phát triển tốt, ít ốm đau bệnh tật và ngược lại trẻ sẽ ốm yếu, kém phát triển nếu dinh dưỡng không hợp lý.

Sữa mẹ được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo là thức ăn tốt nhất giúp trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ tăng cường hệ miễn dịch, phát triển cả về thể chất và tinh thần.

Chế độ ăn uống kém chất lượng là nguyên nhân dẫn đến 3 dạng thức suy dinh dưỡng (thiếu dinh dưỡng, đói tiềm ẩn và thừa cân) đang ngày càng phổ biến ở các cộng đồng trên thế giới. Chế độ ăn uống nghèo nàn, không đa dạng và thiếu hợp lý trong những năm đầu đời chính là nguyên nhân cản trở sự tăng trưởng và phát triển khỏe mạnh của trẻ.

Chế độ dinh dưỡng thiếu hợp lý

Theo báo cáo "Tình hình trẻ em thế giới năm 2019" của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), chế độ dinh dưỡng nghèo nàn là nguyên nhân dẫn đến suy dinh dưỡng ở trẻ em nhỏ trong thời kỳ thơ ấu. Cụ thể là có 44% trẻ em từ 6-23 tháng tuổi không được cho ăn hoa quả hoặc rau; 59% trẻ em không được cho ăn trứng, sữa, cá hoặc thịt. Ngoài ra, thực phẩm chế biến sẵn được thiếu niên tiêu thụ ngày càng nhiều.

Còn ở Việt Nam, tình trạng thấp còi, suy dinh dưỡng đang cao hơn trung bình nhiều nước trên thế giới cũng như trong khu vực. Tỷ lệ trẻ thấp còi gia tăng nhanh chóng trong giai đoạn ăn bổ sung của trẻ, từ 12% ở trẻ 6 tháng lên 29% ở trẻ 2 tuổi. Trẻ em Việt Nam phần lớn ăn bổ sung quá sớm (hơn 50% trẻ ăn bổ sung trước 6 tháng tuổi). Bên cạnh đó, khẩu phần ăn của trẻ thường kém chất lượng, thiếu các vi chất dinh dưỡng. Trẻ em trong các gia đình nghèo, vùng xa xôi, hẻo lánh, dân tộc thiểu số có lượng thực phẩm bổ sung ít nhất. Đặc biệt, có đến 75% trẻ không được bú mẹ hoàn toàn đến 2 tuổi trong khi sữa mẹ được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và nhiều chuyên gia khuyến cáo là thức ăn tốt nhất giúp trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ tăng cường hệ miễn dịch, phát triển cả về thể chất và tinh thần....

Phụ nữ khi mang thai mà nhẹ cân hoặc thiếu hụt chất dinh dưỡng, các em bé sinh ra có nguy cơ tử vong cao hơn, dễ mắc bệnh, bị thấp còi, suy giảm trí tuệ và sau này dễ mắc các bệnh tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch...

Nguyên nhân hàng đầu gây tử vong

Hiện nay, những trẻ em phát triển không khỏe mạnh là nạn nhân của một trong 3 loại hình thuộc gánh nặng 3 dạng thức suy dinh dưỡng: Thiếu dinh dưỡng, thừa cân và đói tiềm ẩn. Thậm chí, có một số trường hợp kết hợp cả 2 trong số 3 dạng thức suy dinh dưỡng này.

Dạng thức thiếu dinh dưỡng có thể được thấy rõ trên cơ thể thấp còi, gầy còm của trẻ em không nhận được dinh dưỡng đầy đủ trong 1.000 ngày vàng đầu đời (từ khi thụ thai cho đến khi trẻ tròn 2 tuổi). Các trẻ thấp còi còn bị tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường, ung thư... khi lớn lên.

Dạng thức thừa cân và nghiêm trọng hơn là béo phì cũng đang có chiều hướng gia tăng ở trẻ em. Thừa cân dẫn đến nguy cơ cao hơn mắc các bệnh không truyền nhiễm. Không giống như hai dạng thức trên, dạng thức đói tiềm ẩn (thiếu các vitamin và khoáng chất thiết yếu) không dễ quan sát được. Đói tiềm ẩn thường hiếm khi được phát hiện sớm nên dễ gây tổn hại đến sự sống còn và phát triển của trẻ em ở mọi giai đoạn trong cuộc đời...

Trẻ có não kém phát triển ở những năm đầu đời sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh của hệ thần kinh sau này, kết quả học tập kém hơn, bỏ học sớm hơn, kỹ năng làm việc kém, chăm sóc con cái kém, điều này tạo nên sự chuyển giao nghèo đói từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trẻ bị suy giảm phát triển về thể lực và trí lực do suy dinh dưỡng khi lớn lên đi làm thường có mức thu nhập bình quân thấp hơn, điều này tạo nên một gánh nặng to lớn về kinh tế cho các quốc gia, tiêu phí hàng tỷ USD do việc giảm năng suất lao động và các chi phí y tế không tránh được.

MINH HUỆ