Định hình kỷ nguyên hậu trừng phạt
(Cadn.com.vn) - Cử tri Iran ngày 26-2 bắt đầu đi bỏ phiếu trong hai cuộc bầu cử quan trọng, vốn được đánh giá là nhằm định hình tương lai chính trị của quốc gia Hồi giáo trong kỷ nguyên hậu trừng phạt.
Đây là cuộc bầu cử đầu tiên của Iran kể từ sau khi Tehran đạt thỏa thuận hạt nhân lịch sử với các cường quốc P5+1 vào tháng 7-2015 và được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế. Vì vậy, cuộc bầu cử này mang tính quyết định xem liệu nước Cộng hòa Hồi giáo sẽ phát triển như thế nào sau khi thoát khỏi sự cô lập về ngoại giao và kinh tế.
Lần này, các cử tri bỏ phiếu để bầu Quốc hội và Hội đồng các chuyên gia - cơ quan có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm lãnh đạo tối cao, nhân vật quyền lực nhất của Iran. Cả hai cơ quan này hiện đang nằm trong tay của những người bảo thủ. Và lần này, phe ủng hộ Tổng thống ôn hòa Hassan Rouhani, người đấu tranh cho thỏa thuận hạt nhân và có khả năng tìm kiếm một tổng thống nhiệm kỳ 5 năm tiếp theo, đọ sức với phe bảo thủ đối lập - vốn phản đối việc hòa giải với các cường quốc phương Tây. Thực tế cho thấy, phe ủng hộ Tổng thống Rouhani đã thành công khi nỗ lực đẩy Iran đến gần hơn với phương Tây sau nhiều năm chật vật vì bị cấm vận. Tuy nhiên, phe bảo thủ tìm cách làm suy yếu đối thủ khi cáo buộc họ liên kết với các cường quốc phương Tây.
Tất nhiên, rất khó để dự đoán kết quả bầu cử lần này, trong bối cảnh phe bảo thủ truyền thống được lòng cử tri khu vực nông thôn trong khi cử tri trẻ ở thành thị hướng đến những ứng viên cải cách hơn. Tuy nhiên, hầu hết đều cho rằng, phe đồng minh của Tổng thống Rouhani sẽ chiến thắng bởi những cải cách mà họ mang lại trong thời gian qua rất được lòng người dân. Nhưng nếu phe cải cách chiến thắng đó sẽ được xem như là thách thức quyền lực của Lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei - người vốn có tư tưởng truyền thống chống phương Tây.
Rõ ràng, thông điệp mà Tehran muốn gửi đến cộng đồng quốc tế từ cuộc bầu cử này là chính người dân Iran đang nắm giữ vững chắc chính phủ của họ. Ngoài ra, đúng như lời Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif, người đứng đầu các cuộc đàm phán hạt nhân, khẳng định, dù kết quả thế nào, Iran sẽ tiếp tục hỗ trợ các chính sách đã giúp họ mang về thỏa thuận hạt nhân.
Thanh Văn