Đình làng Đà Nẵng trong nhịp sống hiện đại
Kỳ 1:Chấn hưng văn hóa đình làng
(Cadn.com.vn) - Trong cấu trúc văn hóa làng xã Việt
Nhiều đình làng Đà Nẵng hiện nay còn lưu giữ lại được những sắc phong có niên đại thời Cảnh Hưng (giữa thế kỷ thứ XVIII), và thời Gia Long (đầu thế kỷ thứ XIX) như đình làng Trung Nghĩa (P. Hòa Minh, Q. Liên Chiểu), Thạc Gián (Q. Thanh Khê)... Theo số liệu tại Bảo tàng Đà Nẵng thống kê, cả thành phố hiện có 5 đình làng được công nhận là di tích cấp quốc gia, 15 đình làng là di tích cấp thành phố và 5 đình làng đang được đăng ký bảo vệ. Sau chiến tranh một thời gian, hoạt động trùng tu, bảo vệ và duy trì phong tục tập quán tại các ngôi đình ít được quan tâm nên rất nhiều trong số đó đã xuống cấp, rêu phong.
Nhiều dấu tích của cộng đồng làng xã xa xưa đã dần dần bị mai một, các hiện vật quan trọng như sắc phong của từng đời vua, hoành phi, câu đối hoặc bút tích của bậc tiền hiền bị thất lạc. Và chủ trương “chấn hưng” đình làng, duy trì lại các lễ hội để làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân Đà Nẵng chỉ mới được bắt đầu trở lại độ chục năm nay nhưng cũng chỉ mang tính địa phương ở các quận, huyện, chưa có tính rộng khắp để trở thành một hoạt động thường xuyên. Khảo sát nhiều ngôi đình có hàng trăm năm tuổi, chúng tôi không khỏi băn khoăn khi chứng kiến cảnh hoang phế, xuống cấp nghiêm trọng của những nơi đã từng được coi là biểu hiện sự hưng thịnh của làng xã ngày xưa.
![]() |
Đình làng Hưởng Phước (Hòa Liên, Hòa Vang) bị xuống cấp nghiêm trọng. |
Trong những năm gần đây, trước thực trạng các đình làng bị xuống cấp nghiêm trọng, UBND thành phố đã có chủ trương đầu tư trùng tu, tôn tạo lại các đình làng cũ. Tuy nhiên, phục dựng lại thì không còn cách nào khác là phải áp dụng vật liệu xây dựng đương đại, dù điều đó ảnh hưởng đến tính nguyên thủy của ngôi đình. Nhưng khó khăn và trở ngại lớn nhất chính là việc duy trì lại các hoạt động lễ hội văn hóa đình làng.
Cụ Nguyễn Nghĩa (79 tuổi), Trưởng Hội đồng các gia tộc làng Hòa Mỹ kiêm Trưởng ban tổ chức các lễ hội đình làng Hòa Mỹ cho biết: “Cũng giống như trước đây, lễ hội đình làng gồm phần “lễ” và phần “hội”. Tuy nhiên, gần đây, đình nào có tổ chức lễ hội cũng đều đã tinh giản bớt một số khâu của phần “lễ” cho phù hợp với lối sống mới”. Cụ Nghĩa cũng đánh giá, việc tổ chức các lễ hội đình làng ở Đà Nẵng chỉ mới dừng lại ở mức độ duy trì các phong tục.
Ngoài một số đình làng tổ chức được lễ hội hằng năm và thu hút được sự chú ý của nhân dân cũng như một lượng du khách thì hầu hết đều phụ thuộc vào điều kiện của địa phương. Năm nào có điều kiện thì tổ chức, năm nào khó khăn thì thôi vì kinh phí khoảng 30 - 40 triệu đồng cho lễ hội chủ yếu là vận động từ nguồn đóng góp của bà con, không có từ ngân sách. Tuy là ngôi đình dẫn đầu về số lần tổ chức lễ hội, đã có 3 bằng khen của Bộ Văn hóa – Thông tin nhưng cho đến nay đình làng Hòa Mỹ vẫn chưa được UBND thành phố Đà Nẵng xếp hạng vì không đầy đủ các cứ liệu lịch sử. Ngay tại trung tâm thành phố, đình làng Hải Châu đã được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia cũng lâu lắm rồi chưa thể khôi phục lại hoạt động lễ hội.
Mỗi năm, thường vào dịp sau Tết âm lịch, trong số hàng mấy chục đình làng của TP Đà Nẵng thì chỉ đếm được trên đầu ngón tay các đình làng tổ chức được lễ hội. Nhìn đi nhìn lại cũng chỉ có các đình Hòa Mỹ, Trung Nghĩa, Túy Loan. Nhưng tổ chức đã khó, giữ được cái “hồn” của lễ hội lại càng khó. Thực tế cho thấy, có rất nhiều phong tục tập quán truyền thống trong lễ hội đình làng đã mất đi, không còn được duy trì.
Chưa nói đến việc nếu không có sự kết hợp chặt chẽ của ban tổ chức, các hoạt động mê tín dị đoan như bói toán hoặc cờ bạc phát sinh sẽ làm mất đi ý nghĩa thiêng liêng của hoạt động này. Một bậc cao niên có uy tín trong các lễ hội của đình làng Túy Loan khẳng định: “Phải đặt việc bảo tồn, gìn giữ lễ hội đình làng trong mối quan hệ giữa cái cũ và cái mới, giữa những nét văn hóa truyền thống và hiện đại. Làm được như vậy mới tạo được độ bền, không gây sự nhàm chán cho nhân dân cũng như du khách mà ý nghĩa thiêng liêng vẫn được đảm bảo”.
Tuấn Ngọc
(còn nữa)