Dinh trưng bày kỷ vật văn hóa Đà Lạt: Kỷ vật vô giá của thành phố sương mù

Thứ sáu, 25/11/2016 09:29

(Cadn.com.vn) - Công trình Dinh Tỉnh trưởng (nay là Dinh trưng bày kỷ vật văn hóa Đà Lạt) là một kỷ vật vô giá ở thành phố sương mù trên cao nguyên Đà Lạt. Bên trong công trình này chứa đựng nhiều câu chuyện mà những người con của thành phố này mang đến góp vào thành bộ truyện kỷ vật của Đà Lạt. Những người đầu tiên góp phần xây dựng nên thành phố Đà Lạt, ngoài bác sĩ A.Yersin và những người Pháp khác chính là cộng đồng người Việt đến từ Hà Nội, các tỉnh thuộc khu IV và khu V cũ. Văn hóa một vùng đất được xây dựng qua thời gian. Tại Dinh trưng bày kỷ vật văn hóa Đà Lạt, ông Nguyễn Vũ Hoàng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Lâm Đồng giới thiệu cho chúng tôi bộ bàn ghế nhỏ do chủ nhân quán cà-phê Tùng, khu Hòa Bình (TP Đà Lạt) mang đến trưng bày ở đây. Bộ bàn ghế  gồm chiếc bàn bằng gỗ và đôi ghế làm bằng tre mà những năm 60 của thế kỷ trước, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ca sĩ Khánh Ly thường hay ngồi tại quán cà- phê Tùng mỗi khi đến với xứ lạnh mộng mơ. Nơi đây còn có bức ảnh chụp nhạc sĩ tài hoa cùng với những người bạn tại Đà Lạt khi lần đầu đến đây.

Ở một không gian gần đó là một chiếc đàn piano cũ kỹ cùng những quyển sách nhạc và có một bức ảnh nhỏ chụp cố nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Những ca sĩ, nhạc sỹ từ mọi miền khi đến với không gian này đều đến bên cây đàn để chơi một bản nhạc hoặc đơn giản chỉ để chiêm ngưỡng nó. Cây đàn cũ ấy đã gắn liền với nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 trong nhiều năm, từ khi ông bắt đầu học nhạc và chơi piano cách đây hơn 60 năm. Khi còn sống, vị nhạc sĩ tài hoa này đã từng rơi nước mắt xúc động khi lại được nhìn thấy cây đàn và vẫn thường đến ngồi bên nó mỗi lần về lại xứ hoa Đà Lạt. Trong số các hiện vật được trưng bày tại đây còn có hai chiếc tủ treo quần áo dài, chiếc máy khâu khoảng 70, 80 năm tuổi. Những chiếc tủ này được đưa về Đà Lạt từ nước Mỹ, do ông Hoàng Mạnh Tiến, một người con Đà Lạt định cư tại Mỹ gửi về. Đây là những kỷ vật của ông Võ Quang Tiềm, một trong 4 người Việt có dấu ấn trong thời kỳ đầu xây dựng thành phố Đà Lạt. Từ một thợ may đầu tiên ở Đà Lạt, sau đó, ông Tiềm đã chuyển qua nghề buôn bán rượu và thuốc lá, cung cấp cho toàn vùng Tây Nguyên... Vào năm 1946, người dân Đà Lạt đi tản cư, ông Tiềm mua lại hầu hết các căn nhà ở đây, biến nhiều dãy phố thành sở hữu riêng của mình. Nhưng cuối đời, ông lại ra đi trong thầm lặng... Tại đây, bên cạnh những hiện vật chứa đựng những câu chuyện riêng còn có những hiện vật chứa đựng câu chuyện chung của cả thành phố. Ví dụ như chiếc còi báo động được đưa về từ điểm mua bán đồng nát. Chiếc còi báo động này đã từng được đặt trên đỉnh khu trung tâm Hòa Bình của thành phố Đà Lạt...

"Góc Trịnh Công Sơn" trong Dinh trưng bày kỷ vật văn hóa Đà Lạt.

1.200 hiện vật được trưng bày ở đây hoàn toàn do những người đang hoặc đã từng ở Đà Lạt mang đến gửi và có thể mang đi bất cứ lúc nào. Lịch sử được viết lại bằng những câu chuyện qua các kỷ vật gắn liền với cuộc sống của mỗi người, gia đình và cộng đồng người di cư đến vùng đất mới tỉnh Tuyên Đức (tên gọi trước kia của tỉnh Lâm Đồng). Bất kỳ ai cũng có thể đưa kỷ vật của mình đến nơi này để trưng bày cho mọi người cùng thưởng lãm, chiêm nghiệm về lịch sử vùng đất Đà Lạt.

Điều thú vị là từ khi công trình Dinh Tỉnh trưởng được giao cho Trung tâm văn hóa tỉnh Lâm Đồng quản lý, trung tâm đã có sáng kiến biến nó thành ngôi nhà chung của những người Đà Lạt có những câu chuyện cần gìn giữ và có những hoài niệm để hướng về. Bản thân công trình này cũng là một kỷ vật của thành phố Đà Lạt. Dinh trưng bày kỷ vật văn hóa Đà Lạt - một di sản không chỉ của người Đà Lạt.

Phạm Kha