Địu con cõng chữ lên non

Thứ tư, 10/10/2012 00:00

(Cadn.com.vn) - Biết chúng tôi có chuyến công tác ở H. Bắc Trà My (Quảng Nam), một đồng nghiệp xứ Quảng mách nước, lên đó có điều kiện đến xã Trà Ka, tìm hiểu về đời sống của các nữ giáo viên, có khối chuyện hay để viết. Chúng tôi đặc biệt lưu tâm đến gợi ý này, bởi Trà Ka là địa bàn vùng sâu vùng xa của H. Bắc Trà My, sự nghiệp dạy và học ở đây còn gặp nhiều khó khăn.  

Tiếp chuyện với chúng tôi, cô Kiều Thị Tuyết, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Trà Ka cho biết, năm học 2012-2013, toàn xã có 8 lớp, 5 điểm trường, hầu hết là con em đồng bào dân tộc thiểu số Co và Ca Dong. Ngoài điểm trường chính tại trung tâm xã Trà Ka, số còn lại đều tạm bợ, giáo viên đứng lớp gặp rất nhiều khó khăn. Hiện trong biên chế của trường, 5 giáo viên có con nhỏ, hết thời hạn nghỉ thai sản, buộc phải theo mẹ đến các điểm trường. Đời sống tinh thần của giáo viên thiếu thốn, nhất là việc đi lại khó khăn, nay phải chăm sóc thêm con nhỏ quả là không dễ dàng. Cô Tuyết kể rằng, trước khi đảm nhận chức hiệu trưởng, cô  từng có 5 năm lăn lộn ở các điểm trường vùng sâu, vùng xa H. Bắc Trà My. Gian khổ, vất vả đã từng nếm trải nên cô hiểu, thông cảm và rất yêu thương những giáo viên mới vào nghề, mang theo con nhỏ đến trường. Nhưng biết làm sao được, quy định là vậy, khó khăn là vậy, chỉ mong ngành GIÁO dục có thêm nhiều chính sách quan tâm hơn nữa đến giáo viên miền núi để họ bớt thiệt thòi.

 Cô Ung Thị Hiền và con nhỏ 7 tháng tuổi.

Tại trung tâm xã Trà Ka, chúng tôi gặp cô Ung Thị Hiền và cô Đinh Thị Thảo cùng có con nhỏ dưới 1 tuổi. Do cả hai con còn quá nhỏ nên các cô được Ban Giám hiệu ưu tiên bố trí dạy ở điểm trường gần trung tâm xã. Cô Thảo và Hiền lập gia đình tại H. Bắc Trà My, cách điểm dạy chừng 50km. Sau khi nghỉ chế độ thai sản 4 tháng, các cô phải trở lại nhiệm sở. Lúc này con còn quá nhỏ, cần sữa mẹ nên buộc lòng phải mang theo lên xã Trà Ka, vừa dạy vừa chăm con. Trước khi vào năm học mới chừng 1 tháng, hai cô phải vào các thôn bản đồng bào dân tộc tìm người trông trẻ. Vận động, thuyết phục mãi, cuối cùng cũng tìm được 2 thiếu nữ người bản địa đồng ý trông trẻ để các cô có thời gian đứng lớp. Cô Thảo bảo rằng, để thuyết phục gia đình đồng ý cho con đi trông trẻ là cả vấn đề hết sức khó khăn. Ban đầu, các ông bố, bà mẹ không đồng ý, về sau bắt phải viết giấy cam kết, hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu xảy ra chuyện không hay với con mình mới cho đi. Khác với Thảo và Hiền, cô Hoàng Thị Phượng khi con mới 4 tháng tuổi phải mang lên điểm trường tại thôn 3B xã Trà Ka, nơi xa nhất, khó khăn nhất H. Bắc Trà My. Thương cháu ngoại nhỏ dại, mẹ của Phượng quyết định theo cháu lên ở chung với đồng bào dân tộc.

Do điều kiện đi lại khó khăn, lại vừa chăm con nhỏ vừa dạy học nên hầu như mỗi tuần một lần, các cô mới tổ chức về thăm nhà. Vào mùa mưa, nước lũ dâng cao hay sạt lở đất, giao thông chia cắt, các cô đành phải chấp nhận cảnh đói cơm, lạt muối. Theo các cô, việc ăn ở, giảng dạy ở vùng sâu, vùng xa không đáng ngại, sợ nhất là những lúc trái gió trở trời, nơi rừng thiêng nước độc, dịch vụ y tế còn hạn chế và lạc hậu, con của các cô còn quá nhỏ, sợ không trụ nổi. Nhưng  vì công việc, vì niềm đam mê gieo cái chữ cho trẻ vùng cao, vì mưu sinh các cô đành chấp nhận hy sinh. Các cô tâm sự với chúng tôi rằng, học trò ở đây rất ngoan, biết thương các cô vất vả. Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, chúng biết hái hoa rừng tặng cô, thỉnh thoảng biếu cô búp măng, mớ nấm, bó rau rừng. Nhìn bọn chúng đứa nào đứa nấy đen nhẻm vì nắng, suốt ngày ríu rít quanh mình, bao nhiêu cực nhọc, vất vả như tan biến, giúp các cô có thêm động lực bám trường.

 Một buổi sinh hoạt ngoại khóa của học sinh vùng cao xã Trà Ka (H. Bắc Trà My).

Khi chúng tôi thực hiện bài viết này thì một đồng nghiệp vừa công tác từ Quảng Nam về báo tin, động đất tại Thủy điện Sông Tranh 2 ngày một gia tăng, tác động tiêu cực đến đời sống người dân H. Bắc Trà My. Nhiều gia đình sợ động đất, không cho con đến trường, ảnh hưởng đến công tác giáo dục của địa phương. Chúng tôi biết chắc rằng, không chỉ các cô giáo Mầm non ở xã Trà Ka mà cả hệ thống giáo dục của H. Bắc Trà My đang gặp khó khăn trong việc vận động học sinh trở lại trường. Mong rằng, sức trẻ, niềm đam mê nghề nghiệp sẽ giúp các thầy, các cô trụ vững trên mảnh đất đầy rẫy thử thách, tiếp tục sự nghiệp trồng người đầy cao quý.

Bài, ảnh: Nguyên Thảo