Đìu hiu mùa tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp

Thứ bảy, 03/10/2015 08:00

(Cadn.com.vn) - Mùa tuyển sinh năm 2015 đã đi được hơn 1/2 chặng đường, tuy nhiên đến nay, nhiều trường Trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) và CĐ trên địa bàn TP Đà Nẵng vẫn đang "dở khóc" vì không tuyển sinh đủ chỉ tiêu. Thực trạng này kéo dài trong nhiều năm trở lại đây. Trong khi chờ đợi sự can thiệp, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường ĐH từ Chính phủ và bộ ngành có liên quan, điều quan trọng trong giai đoạn khó khăn này đối với các trường TCCN, CĐ chính là phải tự tìm lối ra cho mình trước khi bị đào thải.

Đìu hiu mùa tuyển sinh

Nếu như mùa tuyển sinh năm 2014, Trường CĐ Đức Trí tuyển sinh được 200 SV hệ CĐ cho 9 chuyên ngành đào tạo và trên 60 em hệ TCCN, thì mùa tuyển sinh năm nay trường chỉ mới tuyển được 100 SV hệ CĐ, gần 20 em hệ TCCN. Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh của trường năm nay là 2.100 cả hệ chính quy, liên thông và vừa học vừa làm. Đáng buồn hơn, có ngành chỉ tuyển sinh được 2 em. Phó hiệu trưởng Trần Thanh Trình cho biết, dù ngành ít SV nhưng nhà trường vẫn quyết định mở lớp dạy. "Hiện chúng tôi đang tiếp tục tuyển sinh đợt 3, đợt 4 kéo dài đến tháng 11 này. Hy vọng sẽ tuyển sinh được thêm SV, HS vào nhập học", ông Trình nói.

Tuy không đến nỗi đìu hiu như Trường CĐ Đức Trí, nhưng qua 2 đợt tuyển sinh, đến nay, Trường CĐ GTVT II tuyển chưa đến 300 SV hệ CĐ, gần 20 HS hệ TCCN. Phó Hiệu trưởng Phạm Ngọc Hoan cho biết: "Vào thời điểm hoàng kim, nhà trường tuyển sinh cả nghìn chỉ tiêu ở cả 2 hệ CĐ và TCCN. Vậy nhưng, vài năm trở lại đây chỉ tiêu có 500 thôi...". Cũng theo ông Hoan, hầu hết số học viên đăng ký vào học hệ TCCN tại trường đều tập trung vào 2 ngành học: công nghệ ô-tô và xây dựng cầu đường. Hai năm nay, trường không mở chuyên ngành đào tạo Kinh tế xây dựng đối với hệ TCCN do không có người học.

Trao đổi với ông Nguyễn Văn Dũng- Trưởng Phòng GDTX-TCCN Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, được biết hiện trên địa bàn TP có 5 trường TCCN đang còn hoạt động, nhưng tình hình tuyển sinh không mấy sáng sủa. Trường Trung cấp VHNT chỉ mới tuyển sinh được 189 em/450 em, TCCN Ý- Việt tuyển sinh được 272 em/500 chỉ tiêu, TCCN Thăng Long 20 em/300 chỉ tiêu; 2 trường TCCN Bưu chính viễn thông và Xây dựng miền Trung hiện chưa tuyển sinh được một em nào. Mùa tuyển sinh trước, 2 trường này cũng không tuyển sinh được. Đối với 6 trường CĐ ngoài công lập và 5 trường CĐ thuộc các bộ ngành có đào tạo hệ TCCN tuy có khá hơn so với các trường TCCN, nhưng tình hình chung vẫn rất khó khăn, chưa tuyển đủ chỉ tiêu.

Các học viên học nghề pha chế tại Trung tâm Reach Đà Nẵng.

Chất lượng gắn với đầu ra

Bài toán đang làm đau đầu các nhà quản lý của những cơ sở đào tạo TCCN và CĐ có hệ TCCN là phải làm sao cân đối được nguồn tài chính để giữ vững hoạt động của nhà trường, giữ chân đội ngũ giảng viên cơ hữu tại đây. Để giải quyết vấn đề sống còn này, bên cạnh việc chờ đợi sự can thiệp, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ từ Chính phủ và bộ ngành có liên quan, bản thân các trường cũng cần có các chiến lược cụ thể, hiệu quả nhằm thu hút người học.

Nói như GS.TSKH Bùi Văn Ga- Thứ trưởng Bộ GD-ĐT tại Hội thi giáo viên dạy giỏi TCCN toàn quốc vừa được tổ chức tại Đà Nẵng, trong bối cảnh đào tạo TCCN có nhiều thách thức như hiện nay, các trường và giảng viên phải tập trung các nguồn lực thực hiện việc đổi mới hệ đào tạo này theo các hướng: Gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với thị trường lao động để người học sau khi tốt nghiệp ra trường phải có việc làm ngay, người sử dụng lao động không phải đào tạo lại; phải đổi mới chương trình và phương pháp giảng dạy theo hướng tiếp cận năng lực. GS-TSKH Bùi Văn Ga nhấn mạnh: "Để làm được việc này, các trường cần có mối liên kết với các DN, nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh để phối hợp đào tạo, tạo cơ hội cho người học được tiếp cận với môi trường lao động, sản xuất. Thực tế cho thấy một số trường TCCN có mối quan hệ tốt với DN thì luôn thu hút mạnh mẽ HS vào học"...

Minh chứng cho thấy, hướng đi của Trường CĐ nghề Đà Nẵng thực hiện trong nhiều năm qua đã phát huy được hiệu quả. Với lợi thế là trường công lập nên so với các trường ngoài công lập, Trường CĐ Nghề Đà Nẵng không gặp khó khăn nhiều trong công tác tuyển sinh. Ngoài lý do học phí thấp, các chính sách hỗ trợ cho SV, học viên trong diện chính sách, xã hội được đảm bảo, một trong những nguyên nhân khiến trường đứng vững trước cơn lốc "loạn" ĐH hiện nay chính là các giải pháp thu hút người học thông qua việc không ngừng nâng cao chất lượng gắn liền với việc tìm đầu ra cho người học. Không chủ quan là trường công lập, để thu hút SV và học viên, nhà trường đã thành lập Trung tâm Tư vấn tuyển sinh để chăm lo việc tuyển sinh của trường.

Theo đó, cứ sau Tết Nguyên đán, các thành viên của trung tâm này tỏa đi khắp nơi trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên để tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho HS năm cuối THPT và phân luồng đối với HS năm cuối THCS không mặn mà với việc học kiến thức để theo học nghề hệ TCCN. Song song với công tác này, nhà trường tìm đầu ra cho SV, học viên học nghề, đặc biệt là một số chuyên ngành thế mạnh của trường như nghề ô-tô, hàn, điện công nghiệp, may thời trang, du lịch...

Ông  Nguyễn Đoàn Anh Vũ- Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường CĐ Nghề khẳng định: "100 học viên, SV học các ngành nghề này ra trường đều đã có việc làm". Qua tìm hiểu, được biết, không chỉ nâng cao chất lượng đào tạo, đào tạo có địa chỉ gắn với đầu ra thông qua các DN, trên tinh thần cầu thị, trong quá trình liên kết đào tạo với DN, nhà trường luôn lắng nghe ý kiến phản hồi từ phía DN để có hướng điều chỉnh về phương pháp, chương trình giảng dạy.

Tự nhận thức rõ về vấn đề này, Trường CĐ Đức Trí cũng đang từng bước chú trọng đào tạo gắn với đầu ra cho SV. Ngay khi SV đang còn học, nhà trường đã liên hệ với một số DN cho SV, học viên đến làm việc để thực hành. Trường hướng giảm thời lượng dạy lý thuyết, tăng thời lượng thực hành nhiều hơn. Nhà trường đang xây dựng khu thực nghiệm để SV, học viên có điều kiện thực hành nhiều hơn.

Cần thay đổi tư duy bằng cấp

Sự phát triển ồ ạt mạng lưới các trường ĐH trong hơn 1 thập kỷ qua đã kéo theo hệ lụy mà xã hội đang phải đối mặt đó là thực trạng "thừa thầy, thiếu thợ". Trong khi các SV ĐH ra trường không có việc làm phải chấp nhận đi làm công nhân thì các trường TCCN, CĐ nghề lại rơi vào nghịch cảnh không tuyển sinh đủ chỉ tiêu. Để tự cứu mình, tất nhiên, các trường TCCN, CĐ nghề không thể cứ mãi than vãn, mà phải tự cứu mình bằng các giải pháp hiệu quả. Tuy nhiên, nói đi cũng cần phải nói lại, ai cũng nhận thức rằng ĐH không phải là con đường lập thân duy nhất, nhưng thực tế hầu hết phụ huynh đều muốn con em học bằng được ĐH, với mong muốn sau này có tấm bằng để dễ xin việc hơn. Một khi tư duy bằng cấp vẫn còn nặng nề trong suy nghĩ của xã hội thì thực trạng nhà nhà, người người đổ xô nhau đi học ĐH sẽ còn tiếp diễn. Vì vậy, Nhà nước, xã hội, chính quyền các cấp cũng cần thay đổi tư duy trong quá trình tuyển dụng lao động; cần có những giải pháp trong việc phân luồng đào tạo đối với người học...

Một số nước tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Nhật, Singapore... đang có nhiều nỗ lực trong việc đầu tư, phát triển mạng lưới hệ thống các trường đào tạo nghề, CĐ cộng đồng, khuyến khích người học đăng ký vào học tại các trường này. Điều đó cho thấy, không riêng gì Việt Nam, thực trạng "thừa thầy, thiếu thợ" cũng đang là một trong những nguy cơ mà các nước trên thế giới phải đối mặt. Theo đó, công tác dự báo nhu cầu nguồn lao động trên từng lĩnh vực, ngành cụ thể mà xã hội đã, đang và sẽ cần vô cùng quan trọng. Vì, nó góp phần giúp cho các cơ sở đào tạo định hướng chiến lược đào tạo, nhằm tránh gây lãng phí tiền của dân và xã hội.

P.Thủy