Đồ gỗ thời đóng cửa rừng
(Cadn.com.vn) - Khi những cánh rừng đã “đóng”, cơ hội để gỗ rừng về phố thật hiếm hoi. Không vì vậy mà thú chơi đồ gỗ mỹ nghệ phải chết, dân chơi Đà Nẵng tận dụng những loài cây không mấy giá trị để thỏa mãn thú chơi của mình.
Gỗ vườn lên ngôi
Để tìm được những gốc cây rễ cây thuộc nhóm I, quả thực là một điều khó khăn trong thời buổi hiện nay. Dân chơi phải lùng sục các miền sơn cước, nơi mà rừng rú vẫn còn thì để dịch chuyển được chúng từ rừng về phố, ít nhất dân chơi phải bỏ ra số tiền đến tám con số, có khi cả chín con số là chuyện thường. Vì vậy không phải ai cũng chơi được thú chơi này. Đam mê thôi chưa đủ, cần một tiềm lực kinh tế thực sự .
Anh Hoàng Hùng (43 tuổi) là chủ một cơ sở tiện, chạm, điêu khắc đồ gỗ mỹ nghệ ở Q. Liên Chiểu (Đà Nẵng) cho hay: “Những năm về trước nhóm gỗ loại I còn thấy đưa đến đây để tạo thế, bây giờ thì ít gặp rồi. Lâu lắm mới có người kiếm được, cũng chả biết rừng hết gỗ quý hay cơ quan chức năng làm gắt quá nữa”. Trong lúc gỗ rừng đã thưa dần, dân chơi gỗ mỹ nghệ vẫn lùng sục từng ngày, gieo giá khá đắt những gốc cây có thế thành, ai có được những gốc cây ấy xem như có bảo bối trong tay.
Những gốc tràm không giá trị được thổi hồn thành tượng. |
Chỉ vào gốc xà cừ trước mặt, anh Hùng bảo rằng gốc cây xà cừ này có thế, có thể làm bàn ngồi uống trà, rượu được. Nhưng phải qua 2 tháng với 6 thợ dày công đục đẽo mới ra hồn. Người ngoài nghề nhìn vào thì gốc cây chỉ là gốc cây, chứ dân trong nghề thì thấy bàn ghế, tượng, phù điêu... Chính cái gốc xà cừ to đùng đến mấy chục năm tuổi này là sản phẩm của quá trình mở rộng đường sá, giải phóng mặt bằng. Phần thân đã cắt, còn phần gốc rễ, máy múc đào bới nhổ lên, bán vài ba triệu. Là một loài không nằm trong nhóm các loại gỗ quý hiếm, xà cừ có thể vô tư thành bàn thành ghế mà không phải lo lắng rằng phạm “luật rừng”.
Chính vì vậy, mỗi khi có người gọi bán gốc xà cừ là các chủ mộc mỹ nghệ đến ngay, vì ở phố đây là hàng độc. Một bộ bàn ghế xà cừ hoàn thiện, được chạm trổ mây trời, rồng rắn có giá cả trăm triệu đồng. Riêng cái bàn đã đến 50, 60 triệu đồng. Còn ghế thì mỗi cái chục triệu bạc là chuyện thường tình. Tiền gỗ không bao nhiêu nhưng tiền công thì vô khối, mà thợ thầy để làm cái việc này phải là những người có tay nghề cao và đầu óc tưởng tượng.
Với tay nghề cao, Trần Văn Lương được các chủ xưởng Đà thành mời gọi làm việc. |
Anh Hùng chia sẻ: “Những gốc cây khi mới múc đào lên thì vô hồn lắm, chỉ có dân chơi hay những người làm nghề mới nhận ra cái giá trị của nó. Mất một thời gian khá dài để đẽo gọt, tiện khắc lên trên đó, phải vào nước nhiều lần để gỗ giữ được lâu. Vì gỗ xà cừ thực chất cũng không tốt lắm, chỉ là gỗ nhà thôi”.
Tương tự, gốc mít lâu niên cũng là một loài gỗ vườn được săn rùng ráo riết. Những cây mít lâu năm thường có một màu vàng óng ả, toát lên một vẻ sang trọng, đài cát. Thân mít to thường được các chủ gỗ mua để làm cột chống nhà rường, gỗ thân thì giá khá cao, hầu hết mít lâu niên trên địa bàn Đà Nẵng không còn. Chỉ còn lại gốc, nhưng gốc cũng phải lặn lội lên miệt rừng ở Hòa Vang mới kiếm được. Không có gỗ quý hiếm, mít nhà lâu niên cũng trở thành hàng độc. Nghe chủ gỗ bảo rằng, bây giờ tìm ra một cây mít lâu niên ở đất Đà thành còn nguyên vẹn là rất khó. Thân mít cỡ một người ôm trở lên đã bị các chủ làm nhà rường lùng sục, đưa ra Huế để làm cột chống và xuyên kèo.
Mốt làm bàn ghế bằng gốc cây cổ thụ thịnh hành, mít nhà thuộc vào danh mục truy lùng. Một dân chơi trên địa bàn Đà Nẵng cho hay, mít có hai loại, nếu mít ướt thì vân không óng ả, màu vàng đục. Còn mít ráo thì màu vàng tươi, sau khi đánh dầu bóng, lên nước vàng sánh như mật ong. Có bộ bàn ghế làm bằng gỗ mít trong nhà thì tựa bảo bối. Dân ta thường quan niệm rằng màu vàng là màu của sự vương giả, sang trọng nên chơi bàn ghế bằng gỗ mít là rất hợp mốt. Nhưng có điều gỗ mít phải bảo quản một cách cẩn thận, nếu lâu ngày mà bị ánh nắng chiếu vào sẽ lập tức bị nứt nẻ.
Thông thường, một gốc cây khi đưa về phải được gọt bỏ lớp giác (thân non) cho đến khi nào gặp roòng (vân) mới thôi, tiếp theo sẽ dựa vào thế của mỗi phần rễ để tạc hình tượng, có thể là lân, ly, quy, phụng hoặc mây núi. Sau đó dùng máy để làm nhẵn gỗ, các chi tiết không làm nhẵn được bằng máy thì phải chùi tay bằng giấy nhám. Sau đó lên nước nhiều lần cho gỗ, đến lúc nào nước gỗ sáng bóng và phản chiếu ánh sáng mới thôi. Ngay đến tràm hoa vàng lâu năm cũng được chú ý, những gốc tràm khoảng 30 tuổi trở lên, nếu mọc trên đất đá sỏi cằn cỗi thì vân gỗ rất tốt, có thể chế tác.
Tượng thần tài bằng gỗ tràm hoa vàng lên nước giả Pơ Mu. |
Trông chờ thợ giỏi
Thú chơi đồ gỗ mỹ nghệ bằng gỗ vườn trông cậy chủ yếu vào tay nghề của người thợ. Một người thợ lành nghề sẽ biết phơi gỗ, phạt gỗ (lấy những phần có khả năng bị hư hại), lên nước để giữ được lâu dài.
Qua tiếp xúc với những xưởng đồ gỗ mỹ nghệ, các chủ xưởng cố công thuê bằng được những người thợ từ xứ Huế. Nghe họ bảo rằng thợ mộc mỹ nghệ Huế có tay nghề rất cao, đặc biệt là những vật dụng liên quan đến thờ cúng hay trang trí cung đình.
Trần Văn Lương (46 tuổi) là một thợ mộc mỹ nghệ có tay nghề cao được chủ xưởng Đà thành thuê mướn làm việc. Quê ở Bao Vinh - Huế, nơi có nhà cổ Bao Vinh nên anh Lương rất giỏi về kỹ nghệ điêu khắc và giữ gỗ tránh mối mọt, mưa gió. Hơn 30 năm trong nghề, được mời dạy cho những trẻ em cơ nhỡ và tật nguyền ở TP Tam Kỳ (Quảng Nam), từng xách búa đục đi khắp Tây Nguyên để chế tác đồ gỗ mỹ nghệ cho những người lắm tiền nhiều của nên chủ xưởng nào cũng mong muốn có một người thợ như anh trong tay.
Anh Lương cho biết, ở Đà thành hiện nay có trên 20 nhóm thợ mộc người Huế vào làm việc. Được các chủ xưởng trả công khá cao để xử lý những sản phẩm đắt giá. Anh bảo: “ Gỗ lạt bữa nay hiếm lắm, nhất là những loài có tên có tuổi. Không dễ gì có được một bộ bàn ghế làm bằng gỗ trắc, hương, lim…vì vậy dân chơi phải quay sang nhóm gỗ vườn như xà cừ, mít, tràm. Nhìn chung gỗ này không được tốt lắm nhưng qua quá trình chế tác của những người lành nghề thì độ bền cao hơn nhiều”. Vì vậy dân chơi đồ gỗ mỹ nghệ bằng gỗ nhà thường chọn những xưởng có thợ Huế để gửi gắm “đứa con” của mình. Cũng một nhóm gỗ nhưng cách xử lý khác nhau sẽ cho ra những sản phẩm khác nhau, quan trọng nhất của gỗ nhà chính là độ bền, không bị mối mọt và nứt nẻ.
Thú chơi đồ gỗ đã có từ lâu đời. Trong thời kim khí và “đóng cửa rừng” hiện nay thì chuyển sang gỗ vườn để chế tác có thể là một biện pháp để giữ gìn những cánh rừng mãi xanh. Khi đó sẽ không còn những người “cùn” lắm mới phải vào rừng nữa.
Bùi Đức Tú