"Đỏ mắt" tìm trường mầm non
(Cadn.com.vn) - Những ngày này, nhiều phụ huynh có con trong độ tuổi từ 3-5 tại TP Tam Kỳ (Quảng Nam) tất bật tìm trường cho con nhập học. Điều khiến nhiều phụ huynh không khỏi lo lắng là số lượng trường công lập có hạn, trong khi nhu cầu lại gấp nhiều lần. Ngoài số ít các em được vào công lập thì số còn lại phải chấp nhận học tư thục hoặc gửi ở nhóm trẻ gia đình. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh không khỏi băn khoăn về sự an toàn của con mình khi học ở những cơ sở này.
Để có được hồ sơ nhập học cho con vào trường Sơn Ca, chị L. (trú P. Tân Thạnh) phải chạy xuôi chạy ngược, thế nhưng hồ sơ của con chị vẫn bị loại mà không biết lý do. Chị L. cho biết việc tuyển sinh của các trường khá khó hiểu vì có cháu ba mẹ cùng làm ở P. Tân Thạnh, nhà ở và hộ khẩu tại P. Tân Thạnh nhưng vẫn không được học tại trường công của phường. Còn chị H. sau một thời gian dài mệt mỏi chờ đợi đành phải cho con vào học tại trường tư thục.
Mỗi ngày chị H. phải chạy một quãng đường khá xa để đưa đón con đi học. Chị H. thắc mắc: "Một thành phố mà mỗi phường chỉ có một trường công thì làm sao đáp ứng đủ nhu cầu học của trẻ? Không chỉ vậy, số lượng trường tư thục vẫn không đáp ứng được. Bằng chứng rõ ràng nhất là có cháu phải đi tận nửa vòng thành phố mới đến được điểm học bởi trường tại phường đã quá tải. Nếu cho con đi học tại các nhóm trẻ gia đình thì bố mẹ không an tâm vì cơ sở vật chất ở đây không đảm bảo".
Tình trạng thiếu trường mầm non khiến nhiều phụ huynh lo lắng. (Ảnh có tính chất minh họa) |
Các phụ huynh đều chia sẻ họ muốn con mình được học trường công vì sẽ an tâm hơn và môi trường học tập của các cháu cũng đầy đủ hơn. Hiện nay, các nhóm trẻ gia đình hầu hết đều không được cấp phép. Chị H. chia sẻ: "Kể từ sau vụ cháu bé bị sặc cháo tử vong tại một nhóm trẻ gia đình ở P. An Mỹ hồi năm ngoái thì phụ huynh không ai còn tin tưởng vào mô hình hoạt động này nữa. Làm sao chúng tôi biết được cơ sở nào có phép cơ sở nào không? Tại sao lại không mở thêm trường để các cháu có điều kiện học tập và tạo thuận lợi cho phụ huynh?".
Ông Bùi Tấn Nhã - Phó trưởng phòng GD-ĐT TP Tam Kỳ, cho biết: "Hiện nay trên địa bàn Tam Kỳ, bên cạnh 12 trường công lập còn có 5 trường tư. Việc xét tuyển cho các cháu vào học phải dựa trên 3 yếu tố: ưu tiên cho trẻ 5 tuổi, trẻ phải học trúng tuyến, tuyển đúng số lượng chỉ tiêu. Hiện nay, số lượng chỉ tiêu tại mỗi trường có chừng vì vậy phải ưu tiên những người có hộ khẩu lâu năm hơn".
Cơ chế tuyển sinh như vậy nhưng đi vào thực tế lại là chuyện khác. Ông Nhã cho biết mỗi địa phương có những chủ trương riêng tùy theo số lượng học sinh và điều kiện chỉ tiêu tại trường mà sắp xếp. Hội đồng tuyển sinh được thành lập tại địa phương bao gồm hiệu trưởng, lãnh đạo địa phương. Phòng GD-ĐT có trách nhiệm quản lý chung, nhưng trường hợp cụ thể của mỗi cháu thì phải hỏi hiệu trưởng của các trường.
Có năm đi khảo sát thực tế thì chỉ có 100 em đủ chuẩn vào học nhưng khi nộp hồ sơ lại đến 150 em. Như vậy, 50 em phát sinh kia phải chấp nhận học tư. Về nhóm trẻ gia đình, ông Nhã cho biết hiện nay toàn TP có 121 nhóm nhưng chỉ có 42 nhóm có phép. Việc quản lý nhóm trẻ gia đình rất khó khăn vì tự phát và không có quy luật. Tuy nhiên, nhóm trẻ gia đình lại đáp ứng nhu cầu của những người làm lao động không có thời gian đón con đúng giờ.
Ông Nhã khẳng định, khả năng đáp ứng của trường công có hạn và đây không chỉ là vấn đề riêng của TP Tam Kỳ mà còn nằm trong tình trạng thiếu lớp thiếu trường chung của toàn quốc. "Hiện nay, TP Tam Kỳ có chủ trương mở rộng hệ thống tư thục. Nếu có nhà đầu tư nào vào cuộc, TP sẵn sàng tạo điều kiện cho họ mở trường để giảm tải gánh nặng lên nhà nước", ông Nhã cho biết.
Đồng Dao