Đô thị Đà Nẵng 10 năm tới sẽ thế nào?
Quy hoạch trên nền tảng đô thị sẵn có với nhiều hạn chế phát sinh trong điều kiện quỹ đất dự trữ phát triển ít (vùng lõi còn khoảng 17%), vấn đề còn lại cần giải quyết trong khuôn khổ Nghị quyết 43 là một thách thức rất lớn với tư vấn Surbana Jurong (Singapore).
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa phát biểu tại cuộc họp nghe và cho ý kiến về ý tưởng quy hoạch chung Đà Nẵng tới 2030, tầm nhìn 2045. |
Hãy cùng hình dung Đà Nẵng 10 năm tới theo ý tưởng quy hoạch của Surbana Jurong được chia sẻ tại cuộc họp của Thành ủy Đà Nẵng hôm 18-10.
Nhiều trung tâm vệ tinh
Đánh giá thực tế các điều kiện, tư vấn đưa ra phương án tăng GRDP cao nhất của TP giai đoạn từ nay tới năm 2030 là 10,1%/năm, trong khi Nghị quyết 43 đặt ra trên 12%. Ông Lim Siah Gim - Giám đốc dự án (đơn vị tư vấn) nói rằng, để đạt GRGP 12%/năm (chiếm 2,88% GDP cả nước, GRDP/người đạt 190 triệu đồng, gấp 1,73 lần cả nước) trong giai đoạn này thì Đà Nẵng phải có sự đột phá mạnh về cơ cấu và thể chế kinh tế. Trong đó, sự đột phá về thể chế kinh tế đến từ việc Trung ương đồng ý cho TP thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù về quy hoạch, đầu tư, tài chính, ngân sách và các nội dung phân cấp, phân quyền, ủy quyền để xây dựng mô hình chính quyền đô thị.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ trao đổi với đại diện tư vấn Surbana Jurong bên lề cuộc họp. |
Dự báo về tăng trưởng dân số, tư vấn cho biết tới 2030 Đà Nẵng có 1,45 triệu người, sẽ tăng lên 1,97 triệu người vào 2045. Với quy mô dân số như vậy, tư vấn đề xuất mô hình đô thị nén cho khu vực trung tâm nhằm tăng không gian công cộng, tiện ích đô thị, không nhằm mục đích tăng sân số và làm quá tải hạ tầng khu trung tâm. Sau năm 2030 sẽ phát triển mở rộng về phía Tây, xây dựng các chung cư cao tầng mật độ dân số cao hơn. Cụ thể, tư vấn đề xuất cấu trúc đô thị gồm 3 phân vùng. Khu vực mặt nước dọc theo bờ biển, sông với nhiều cảnh quan mặt nước, thì nhà chỉ từ 6-12 tầng (các cụm công trình điểm nhấn đô thị có thể xem xét cao hơn), ở trung tâm hiện nay từ 10-12 tầng. Khu công viên giữa đô thị với những ngọn đồi và cây xanh, phát triển mật độ thấp, thấp tầng do vùng đất đồi hạn chế phát triển (gồm cả đất nghĩa trang, quân sự). Khu vực sườn đồi phía Tây với đặc điểm các đồi sinh thái, tương lai phát triển các khu ở cao tầng từ 15-20 tầng để đáp ứng nhu cầu dân số. Đường chân trời đô thị sẽ cao dần từ Đông sang Tây, như vậy nhà cao tầng phía Tây sẽ có phía sau đồi núi, phía trước mặt biển.
Tư vấn cũng đưa ra 2 vành đai kinh tế gồm phía Nam là khu đổi mới sáng tạo kết hợp nông nghiệp công nghệ cao, phía Bắc gồm khu công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin. Với cấu trúc này, Đà Nẵng sẽ có 1 trung tâm đô thị chính (như hiện tại) và 3 trung tâm phụ cận (vệ tinh) gồm Trung tâm dịch vụ công nghệ cao (Hòa Liên), Trung tâm dịch vụ logistics và hàng hải (Thọ Quang), Trung tâm đổi mới (Hòa Hải).
Một góc phố biển Đà Nẵng (hiện tại). |
Yếu tố bền vững hàng đầu
Liên quan tới các vấn đề hạ tầng phát triển bền vững, tư vấn đề xuất chọn phương án phát triển tối đa sân bay Đà Nẵng và liên kết với Phú Bài, Chu Lai. Lãnh đạo TP đồng thuận với phương án này, trong đó lưu ý mô hình đô thị sân bay trong giai đoạn tiếp đến. Với đường sắt và ga đường sắt tư vấn đề xuất kẹp sát phía đông đường cao tốc nhằm hạn chế chia cắt đô thị Đà Nẵng thành 3 mảnh, tận dụng cùng hành lang. Nhà ga chuyển về Hòa Tiến để tạo động lực phát triển khu vực đó. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng cho biết thống nhất vị trí ga hành khách ở Hòa Tiến, tuy nhiên vẫn phải tính toán bố trí ga hàng hóa phía Bắc thành phố nhằm gắn với các khu công nghiệp, công nghệ cao.
Trước áp lực cấp nước phục vụ đô thị Đà Nẵng, tư vấn đề xuất ý tưởng “thành phố ngàn hồ” và xây dựng đập ngăn mặn tại cửa sông Hàn và sông Cu Đê. Cụ thể, TP sẽ xây các hồ trữ nước (các hồ lớn phía Tây, hồ công cộng trong đô thị kết hợp công viên, hồ tư nhân trong các dự án bằng chính sách dành khoảng 10% diện tích dự án). KTS Tô Văn Hùng - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Đà Nẵng phản đối việc xây đập ngăn mặn ở cửa sông Hàn, Cu Đê vì sẽ tác động tiêu cực tới môi trường sinh thái. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cũng cho rằng sông ở Đà Nẵng có độ dốc lớn, nước từ đập An Trạch về đủ dùng cho Đà Nẵng, cần xây dựng đường ống trong chiều dài 12 km dẫn nước về thay vì xây đập ngăn mặn. Ngoài ra Đà Nẵng còn có nguồn nước thô từ sông Cu Đê, về lâu dài sẽ tính toán tự chủ nguồn nước ngọt phục vụ TP. Xây đập ngăn mặn sẽ biến đổi hệ sinh thái, phức tạp về giao thông thủy...
Liên quan tới xử lý rác thải rắn đô thị, tư vấn đề xuất 2 vị trí mới ngoài đô thị ở cuối Hòa Bắc và Hòa Phú, khuyến cáo không tiếp tục xử lý tại bãi rác Khánh Sơn. Lãnh đạo TP cho rằng đề xuất này không phù hợp vì 2 vị trí đó đầu nguồn nước sông Cu Đê, cự ly di chuyển quá xa, hơn nữa vấn đề xử lý rác thải rắn không thể kéo dài thêm với Đà Nẵng. Trong kế hoạch TP tính phương án đầu tư trung hạn khu xử lý rác thải rắn tại Khánh Sơn. Ông Tô Văn Hùng nói, ở Nhật có nhiều khu xử lý rác trong đô thị, vấn đề là công nghệ xử lý thế nào đảm bảo môi trường nhất. Hơn nữa, Đà Nẵng đang triển khai các trạm trung chuyển rác, sẽ ép rác trước khu chở lên khu xử lý Khánh Sơn, không bị áp lực xe lưu thông nhiều, phức tạp.
Tư vấn đề xuất không xây cảng Liên Chiểu mà mở rộng cảng Tiên Sa (ảnh). |
Đề xuất không xây cảng Liên Chiểu
Đề xuất đáng lưu ý của tư vấn là không xây cảng Liên Chiểu (theo Nghị quyết 43) bởi vì sẽ dẫn tới nguy cơ cao hủy hoại môi trường sinh thái vịnh Đà Nẵng. Hai luồng tàu ra vào cảng, nạo vét luồng tàu nối thông hai cảng, ảnh hưởng cảnh quan vùng vịnh, cản trở tầm nhìn vào TP. Sự cần thiết hình thành cùng lúc 2 cảng, thực tế là nền tảng về công nghiệp sản xuất của cả Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và các tỉnh thành lân cận hiện nay rất mỏng. Thêm vào đó Huế, Quảng Nam cũng đã có cảng riêng. Liệu các tỉnh có tiếp tục sử dụng cảng Đà Nẵng để vận chuyển hàng hóa. Vịnh Đà Nẵng là tài nguyên, là cơ hội lớn để tương lai phát triển các lĩnh vực khác. Phương án tư vấn đưa ra là mở rộng cảng Tiên Sa theo hướng giải tỏa để khơi thông âu thuyền Thọ Quang qua sông Hàn đi ra dưới cầu Thuận Phước. Kết nối giao thông cảng Tiên Sa vào cao tốc và đường sắt mới thông qua việc hình thành tuyến đường sắt và đường bộ trên cao đi vào khu vực đường Đống Đa, nối vào Điện Biên Phủ. Phân luồng tàu du lịch đi bên ngoài, tiếp cận đến Mân Quang là bến tàu du lịch. Sử dụng đường Nguyễn Tất Thành và cầu Thuận Phước để lưu thông du lịch.
Đây là ý tưởng táo bạo của tư vấn, nhận được nhiều góp ý từ lãnh đạo TP. Quan điểm của ông Trần Đình Hồng - Trưởng ban Tuyên giáo, ông Võ Văn Thương - Trưởng ban Tổ chức, ông Phạm Quý - Trưởng ban Dân Vận, bà Đặng Thị Kim Liên - Chủ tịch UBMTTQVN TP đều cho rằng cần nghiên cứu, đánh giá khoa học, nếu đúng thì mạnh dạn đề xuất Trung ương thực hiện.
Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa nói, lâu nay cứ quan điểm cảng Liên Chiểu điểm cuối của hành lang kinh tế Đông Tây, nhưng thực tế điểm cuối là Chân Mây hay Kỳ Hà, và nếu không có Đà Nẵng thì hành lang này vẫn tồn tại. Trong quy hoạch, nên tránh tư duy trước đây là cái gì cũng muốn kéo về địa phương mình, nhưng không có gì để khai thác. Không làm cảng Liên Chiểu thì coi Chân Mây như cảng của Đà Nẵng, tư duy như vậy có được không?
Theo ông Nghĩa, mặc dù chịu tránh nhiệm trong đề xuất Trung ương ban hành Nghị quyết 43, trong đó có cảng Liên Chiểu, song theo đánh giá của tư vấn, các đồng chí nguyên lãnh đạo TP thì nên giữ lại vịnh Đà Nẵng vì nó rất đẹp. Nên nghĩ xây dựng ở đây để thấy một khung cảnh toàn du thuyền. Quay lại cảng Tiên Sa, cần tính toán công suất phù hợp, giải quyết tốt bài toán giao thông cắt ngang TP hiện nay. Ông Nghĩa cũng đề nghị UBND TP sớm tổ chức hội thảo quốc tế đánh giá khoa học vấn đề cảng Liên Chiểu, từ đó có định hướng rõ ràng cho tư vấn thực hiện quy hoạch.
HẢI QUỲNH