Đỗ Thúc Tịnh- một văn thân vì dân, vì nước

Thứ sáu, 26/01/2018 10:40

Những ngày này, trên các trục đường chính của H. Hòa Vang (TP Đà Nẵng) xuất hiện nhiều pa-nô với nội dung "Đỗ Thúc Tịnh - một tấm gương sáng được lưu danh muôn đời!", "Đỗ Thúc Tịnh - một danh nhân hết lòng vì nước!"... Bên cạnh đó, địa phương còn tổ chức nhiều hoạt động như hội thảo, tri ân về cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến to lớn của Nhà yêu nước, danh nhân, tiến sĩ Đỗ Thúc Tịnh nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của ông (1818 - 2018)...

Mộ phần nhà yêu nước Đỗ Thúc Tịnh được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 2007.

Theo sử liệu, dưới Triều nhà Nguyễn, từ khoa thi Hội đầu tiên vào năm Minh Mạng thứ ba (Nhâm Ngọ - 1822) cho đến kỳ đại khoa cuối cùng vào năm Khải Định thứ tư (Kỷ Mùi - 1919), có tất cả 39 người Quảng Nam đỗ đại khoa, gồm 15 Tiến sĩ và 24 Phó bảng; trong đó, ông Đỗ Thúc Tịnh (1818 - 1862) là Tiến sĩ đầu tiên và duy nhất của H. Hòa Vang và là một tấm gương tiêu biểu có công lao với dân tộc, địa phương. Ông còn có tên Đỗ Như Chương, sinh ngày 20-2-1818, quê làng La Châu (xã Hòa Khương, H. Hòa Vang). Cha ông là cụ Đỗ Như Tùng, đỗ tú tài được bổ làm tri huyện An Định (Thanh Hóa) là nhà khoa bảng đầu tiên của huyện. Mẹ ông là bà Đinh Thị Thoại, một phụ nữ đảm đang, cần kiệm, chăm sóc vun vén việc nhà, bà thường đem việc trung hiếu, kinh sử dạy dỗ các con... Năm 1846, ông đỗ cử nhân, năm 1848, đỗ tiến sĩ, năm 1850 sơ bổ chức tri phủ Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Chỉ mấy tháng sau thì mẹ ông ốm nặng, ông xin về quê để chăm sóc nuôi dưỡng mẹ, Gia phả chép "suốt ngày ông quanh quẩn dưới gối, chẳng muốn xa lìa mẹ một phút". Trong lúc ở nhà thọ tang mẹ 3 năm, ông sáng lập, xây dựng Văn chỉ La Châu để thờ đức Khổng Tử và 72 người hiền tài, nhằm động viên con cháu trong làng, trong xã ra sức học tập và truyền dạy tinh thần yêu nước, lo cho dân trước nạn ngoại xâm... Năm 1853, vua Tự Đức tái bổ ông làm Tri phủ Diên Khánh (tỉnh Khánh Hòa). Tại đây, ông có công chiêu dân lập ấp, khai khẩn ruộng hoang, dân chúng rất thương mến. Năm 1854, ông được triệu về Huế làm Giám sát ngự sử, được đặc thăng Lang trung bộ Binh, tặng Hồng lô tự khanh, lưu chức. Sau đó, chuyển làm Án sát Khánh Hòa, rồi Bố chánh.

Tháng 4-1861, tỉnh Định Tường thất thủ, lúc đó ông Đỗ Thúc Tịnh đương chức Biện lý bộ binh tình nguyện vào Nam Kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Được vua Tự Đức chuẩn y, sung chức Khâm sai quân vụ, ông đã đem dụ vào các tỉnh Vĩnh Long, Định Tường, An Giang và Hà Tiên tuyên thị cho sĩ dân, chiêu mộ kẻ nghĩa dũng. Theo Đại Nam nhất thống chí tỉnh Quảng Nam, trong thời gian ngắn mà người ủng hộ kể đến số ngàn, phối hợp với các lực lượng vũ trang chống Pháp ở Nam Kỳ. Tháng 12-1861, tỉnh Biên Hòa thất thủ. Vua Tự Đức xuống dụ tổ chức lại quân vụ ba tỉnh miền Đông đã mất, ông được giữ trọng trách quân vụ tỉnh Định Tường. Trong khi cùng với quan quân tích cực tập trung lo việc đánh giặc nhằm thu hồi các tỉnh bị chiếm thì ông lâm bệnh và mất tại Vĩnh Long năm 1862 khi mới 45 tuổi. Cái chết của ông đã gây xúc động lớn với những người yêu nước, với nhóm quan lại kiên định lập trường chống Pháp trong triều đình vua Tự Đức cũng như trong nhân dân lục tỉnh. Đây là một mất mát lớn của cuộc chiến đấu chống ngoại xâm trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng lúc bấy giờ. Vua Tự Đức và triều đình đã dùng ngôn từ đẹp nhất để truy tặng ghi nhận công lao của ông "Đỗ Thúc Tịnh là người trung can, nghĩa khí, chẳng may chết sớm, việc làm của ông tuy chưa thành tựu nhưng tâm trí của ông thật đáng khen, đáng chuộng, một văn thân hết lòng vì dân, vì nước" và truy tặng ông thực thụ chức Tuần Vũ Định Tường phái quan khâm sai đến nhà tổ chức lễ phúng điếu trọng thể. Linh cữu ông được đưa từ Vĩnh Long về Quảng Nam an táng tại Trảng Bàu Rèn (xã Hòa Khương).

Đỗ Thúc Tịnh là người có công lao với đất nước, dân tộc và với quê hương Hòa Vang, thân thế và sự nghiệp của ông được Quốc sử quán triều Nguyễn ghi chép trong các bộ sách Đại Nam Thực Lục Chính Biên và Đại Nam Liệt truyện Chính Biên, hiện nay được trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng để lưu danh muôn đời. Cuộc đời sự nghiệp, tài năng, nhân cách của ông là tấm gương sáng ngời về tinh thần yêu nước, thương dân và xung phong ra tiền tuyến chống giặc cứu nước, vì vậy năm 1982, Ty Văn hóa Quảng Nam - Đà Nẵng đã tôn tạo phần mộ và xây dựng thêm nhà bia tưởng niệm nơi nhà yêu nước yên nghỉ. Năm 2007, mộ ông được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Để tưởng nhớ công lao to lớn của ông đối với dân, với nước, tại TP Đà Nẵng có con đường mang tên Đỗ Thúc Tịnh và tại địa phương cũng có ngôi trường THCS mang tên ông.

VY HẬU