Doanh nghiệp bán lẻ phải chuyển mình để thích ứng

Thứ tư, 14/08/2019 13:30

Với quy mô đầu tư dự báo sẽ tăng lên 180 tỷ USD vào năm 2020, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư ngoại, tuy nhiên đây cũng là thách thức đối với doanh nghiệp bán lẻ trong nước.

Sự khốc liệt của thị trường bán lẻ đang tạo ra nhiều cơ hội và thách thức mới cho các doanh nghiệp nội.

Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Savills, giai đoạn từ nay đến năm 2021, thị trường bán lẻ Việt Nam được dự đoán sẽ tăng trưởng ổn định nhờ nhu cầu giải trí tăng (10%/năm), cửa hàng tạp hóa hiện đại (9%/năm) và hàng may mặc (6%/năm). Tuy nhiên, với xu thế hội nhập sâu rộng hiện nay, nhiều doanh nghiệp bán lẻ ngoại không ngừng mở rộng tầm ảnh hưởng tại thị trường hấp dẫn này cũng đặt ra thách thức đối với các doanh nghiệp bán lẻ nội địa trong việc giành lại thị phần.

Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, tới đây là giai đoạn của bán hàng đa kênh cả trực tiếp và bán hàng online, mô hình bán lẻ kiểu liên doanh và bách hóa tổng hợp đã có lúc không còn phù hợp. Vì thế, thay vào đó là mô hình shopping mail vừa bán hàng vừa có các dịch vụ tổng hợp như vui chơi, ăn uống, làm đẹp. Do vậy, các nhà bán lẻ Việt Nam cần đi nhanh hơn, liên kết chặt chẽ để tạo sức mạnh tổng hợp, nhất là trong điều kiện đa số các doanh nghiệp Việt còn nhỏ bé trên thị trường.

Đón lõng xu hướng bán lẻ trong thời gian tới, mô hình siêu thị ảo đã được Vingroup cho ra đời nhằm đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử vào bán lẻ. Theo đó, thay cho việc đến tận siêu thị, cửa hàng, chọn đồ rồi chờ được thanh toán, giờ đây, chỉ với một chiếc điện thoại có cài ứng dụng VinID và một cuốn cẩm nang mua sắm thông minh của hệ thống siêu thị VinMart, khách mua hàng chọn tính năng Scan & Go, quét mã vạch các sản phẩm muốn mua, thanh toán ngay bằng ví điện tử. Hai đến bốn giờ sau, nhân viên của VinMart sẽ giao hàng đến tận nơi. Người tiêu dùng cũng có thể quét mã QR sản phẩm mình muốn mua được in trên các tấm áp-phích khổ lớn của siêu thị ảo "VinMart 4.0" đặt tại các khu dân cư, tòa nhà văn phòng, trường học, điểm chờ xe buýt... để "đi chợ" mọi lúc.

Hay trên mảng đại siêu thị/trung tâm phân phối, Saigon Co.op là doanh nghiệp Việt duy nhất cạnh tranh với Central Group Việt Nam với hệ thống Co.opXtra và Co.opXtra Plus cũng như hợp tác với đài truyền hình mở kênh bán hàng HTV Co.op. Ngoài ra, Saigon Co.op cũng có khoảng 300 cửa hàng tiện lợi Co.op Food và Co.op Smile, 2 trung tâm thương mại, 101 siêu thị và đại siêu thị Co.op Mart cùng kênh bán hàng trực tuyến coophomeshopping.vn. Bên cạnh đó, mô hình kết hợp với tiệm tạp hóa truyền thống như mô hình nhượng quyền thương hiệu Co.op Smile của Saigon Co.op cũng được xem là điểm khác biệt và có thể sẽ trở thành xu hướng nếu được khai thác đúng đắn và từng bước khắc phục các hạn chế còn tồn tại của kênh bán lẻ truyền thống hiện nay.

Theo ông Trần Duy Đông, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi nền sản xuất và tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, việc tiếp cận những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 là con đường ngắn nhất để các doanh nghiệp bứt phá, tận dụng các cơ hội nâng cao năng lực sản xuất. Đáng lưu ý, Việt Nam là một thị trường rất tiềm năng của thị trường bán lẻ với lượng dân số lớn, trẻ và ưa thích kết nối. Hơn nữa, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, thu nhập gia tăng... là những yếu tố thuận lợi hỗ trợ tăng trưởng thị trường bán lẻ. Đây chính là cơ hội để doanh nghiệp bán lẻ tận dụng sự phát triển của công nghệ, đi tắt đón đầu, cạnh tranh thành công với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài.

Để đáp ứng yêu cầu quản lý trong bối cảnh mới, Bộ Công Thương tích cực triển khai Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp mạng lưới phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020. Mặt khác, Bộ Công Thương cũng định hướng cho doanh nghiệp hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa; hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện chất lượng hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh. Đặc biệt, tới đây Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương tổ chức các phiên chợ hàng Việt về nông thôn, hội chợ hàng Việt để cung cấp đầy đủ hàng hóa, tăng sức mua cho khu vực này, góp phần tăng trưởng thương mại nội địa.

U.H