Doanh nghiệp Đà Nẵng đồng loạt thiết lập chế độ làm việc "3 tại chỗ"

Thứ bảy, 24/07/2021 13:04

Để chủ động ứng phó với dịch bệnh, không làm đứt gãy hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp tại các KCN Đà Nẵng đang nhanh chóng chuyển đổi trạng thái, xây dựng phương án "3 tại chỗ" (làm việc tại chỗ, ăn nghỉ tại chỗ, sinh hoạt tại chỗ). Một số đơn vị đã thực hiện với sự tham gia của 70-90% công nhân, số còn lại đã sẵn sàng kịch bản nếu dịch bệnh tiếp tục phức tạp. Đại bộ phận người lao động đều đồng thuận và hợp tác với chủ doanh nghiệp để vượt qua giai đoạn khó khăn.

Thiết lập chỗ ngủ, nghỉ ngơi cho công nhân Cty Điện tử Foster.

Giải pháp tất yếu

Thực tế thì đã có một số doanh nghiệp đang hoạt động tại các KCN thực hiện phương án "3 tại chỗ" cho một bộ phận là công nhân người Quảng Nam kể từ khi địa phương này thông báo sẽ thực hiện cách ly y tế theo quy định đối với tất cả người về từ Đà Nẵng. Đây là tình huống bắt buộc đối với số công nhân có nơi ở tại Quảng Nam làm việc trong các khu công nghiệp tại Đà Nẵng và đi về trong ngày, nhưng đồng thời cũng là thí điểm để các doanh nghiệp triển khai đồng loạt nếu xảy ra tình huống dịch phức tạp ảnh hưởng đến quá trình sản xuất kinh doanh.

Ông Bùi Nguyên Vũ - Chủ tịch công đoàn Cty Điện tử Foster tại KCN Hòa Cầm cho biết, những ngày qua đơn vị đã thực hiện "3 tại chỗ" đối với 63 công nhân là người Quảng Nam. Những ngày đầu còn một ít khó khăn, bỡ ngỡ về cơ sở vật chất, tâm lý người lao động, thiết lập chế độ sinh hoạt riêng, tuy nhiên hiện cơ bản đã đi vào ổn định. "Việc sắp xếp được nơi ăn ở, nghỉ ngơi, sinh hoạt cho hơn 60 người coi như là bước diễn tập để khi cần có thể lo được cho 750 lao động của công ty. Hiện chúng tôi đang nhanh chóng chuẩn bị phương án sẵn sàng chuyển đổi trạng thái sản xuất kinh doanh sau 48 tiếng đồng hồ nếu bắt buộc phải làm thế. Công nhân họ cũng hiểu và chuẩn bị tâm lý hết rồi", ông Vũ cho biết.

Trong khi đó, Cty TNHH Tân Long - doanh nghiệp sản xuất giấy, bao bì có trụ sở tại KCN Hòa Khánh thì đã thực hiện chế độ làm việc, nghỉ ngơi, ăn uống tại chỗ cho 300 trên tổng số 400 công nhân. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà - Giám đốc cty, sau khi thông báo phương án làm việc mới, toàn bộ công nhân sẽ được lấy mẫu xét nghiệm, kể cả người đăng ký ở lại và người về nhà vì điều kiện gia đình. "Tất nhiên sẽ khó khăn, vất vả hơn trạng thái bình thường, chi phí phát sinh cũng lớn hơn nhưng bây giờ mọi thứ đã vận hành theo quỹ đạo mới. Đến hôm nay nhiều công nhân xin phép vào làm trở lại nhưng công ty chưa đồng ý vì tình hình dịch bên ngoài còn phức tạp. Phải có kết quả xét nghiệm đảm bảo an toàn đủ thời gian thì mới xem xét", bà Hà cho hay.

Ông Huỳnh Văn Chính - Chủ tịch HĐQT Cty CP Dệt may 29-3, doanh nghiệp có lượng công nhân lớn nhất đến thời điểm này thực hiện phương án sản xuất "3 tại chỗ" kể lại, việc chuyển đổi trạng thái chỉ trong thời gian ngắn kể từ khi có một ca mắc COVID-19 tại khối làm việc Tổ chức hành chính được xem là thần tốc cả về mặt tâm lý cũng như chuẩn bị cơ sở vật chất. Ngay khi ngành y tế công bố ca bệnh, dù nhân viên này làm việc ở khối nhà tách biệt hoàn toàn với khối sản xuất kinh doanh nhưng toàn bộ hơn 3.000 công nhân đã lập tức được lấy mẫu xét nghiệm và thông báo ở lại, thực hiện chế độ làm việc mới luôn.

"Chúng tôi thông báo cho công nhân ở lại, lẽ đầu tiên là để hạn chế ảnh hưởng tới cộng đồng nếu chẳng may có ai đó vô tình bị lây nhiễm. Song song với đó là chuẩn bị tâm lý luôn cho phương án. Cả lãnh đạo cũng không được về nhà, người không liên quan thì bắt tay vào công tác xét nghiệm, điều phối sắp xếp chỗ ăn ở, nghỉ ngơi; người liên quan thì thực hiện cách ly. Ngoại trừ những trường hợp nữ công nhân đang trong thai kỳ, con quá nhỏ…, hiện 90% đã làm quen với chế độ làm việc mới. Đây cũng là giải pháp tất yếu cho các doanh nghiệp trong bối cảnh này", ông Chính chia sẻ.

Doanh nghiệp và người lao động "hy sinh" vì nhau

Để thiết lập chế độ làm việc "3 tại chỗ", các chi phí phải bỏ ra để xét nghiệm cho công nhân, điện nước, bữa ăn và dụng cụ thiết yếu… là rất lớn. Trong khi đó, công nhân cũng không phải thích ứng ngay được khi hầu hết họ có hoàn cảnh gia đình khó khăn, neo người, con nhỏ, cha mẹ già… Chị Cao Thị Liên - công nhân Cty Dệt may 29-3 tâm sự, sáng sớm đi làm tay không như mọi hôm, đến cuối ngày thì được thông báo ở lại xét nghiệm và chuẩn bị cho tình huống "lấy xí nghiệp làm nhà" tâm trạng ai cũng rối bời. Thậm chí có người khóc vì nhớ con, bức xúc vì bị người sử dụng lao động đưa vào thế khó khăn.

Tuy nhiên lãnh đạo Cty, tổ chức công đoàn đã nhanh chóng thông báo tình hình và ổn định tinh thần với cam kết chia sẻ khó khăn, đảm bảo quyền lợi. Ai có điều kiện quá ngặt nghèo thì được giải quyết cho về, còn lại quyết tâm chi sẻ cùng nhau. "Nếu không đảm bảo được đơn hàng, doanh nghiệp sẽ thiệt hại về kinh tế. Không được làm việc lúc này thì công nhân cũng không có thu nhập, dịch bệnh còn diễn biến khó lường, nếu điều đó xảy ra thì cuộc sống bấp bênh. Chính vì vậy mọi người đoàn kết, chịu khó để cùng nhau vượt qua giai đoạn này. Dù sao chồng tôi là lao động tự do, giai đoạn này cũng không biết làm gì. Thôi thì một người làm, một người lo việc nhà", chị Liên tâm sự.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Giám đốc Cty Tân Long chia sẻ, trong bối cảnh này, doanh nghiệp chấp nhận tốn kém hơn để đảm bảo công việc không ngưng trệ, người lao động chấp nhận khó khăn trong sắp xếp việc gia đình để đảm bảo việc làm, thu nhập. Nhiều người ở vào tình thế buộc phải về, hoặc do lo lắng quá mà về bằng được thì giờ chưa thể trở lại làm việc vì ngoài cộng đồng còn nhiều nguy cơ, bây giờ chính trong doanh nghiệp là rất an toàn. Theo bà Hà: "Càng khó khăn thì phải càng phải cộng sinh, chia sẻ. Đây là bài toán tất yếu trong bối cảnh mà chưa biết đến khi nào dịch sẽ được đẩy lùi".

Bà Đinh Thị Thanh Hà - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng cho hay, những ngày qua phương án sản xuất "3 tại chỗ" đã được các doanh nghiệp gấp rút chuẩn bị, sau một số đơn vị đã ổn định ở trạng thái mới, dự kiến đầu tuần tới sẽ có nhiều đơn vị đi vào vận hành nếu các ca nhiễm trong cộng đồng chưa có dấu hiệu giảm. Hiện người sử dụng lao động tại các doanh nghiệp đang nhanh chóng liên hệ với cơ quan chức năng như Ban Quản lý khu công nghiệp, chính quyền địa phương nơi đứng chân, cơ quan công an, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật… để kiểm tra, thẩm định các phương án cần thiết theo đúng quy định. Tổ chức công đoàn tại các doanh nghiệp cũng thường xuyên bám sát diễn biến để chia sẻ khó khăn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và hỗ trợ công nhân những điều kiện thiết yếu.

CÔNG KHANH