Doanh nghiệp Đà Nẵng trước “cú sốc” Covid-19! (Kỳ 1: Doanh nghiệp chồng chất khó khăn)

Thứ hai, 06/04/2020 18:00

Hàng loạt doanh nghiệp (DN) lớn, nhỏ lâm vào tình cảnh điêu đứng, phải tạm ngưng hoạt động, đóng cửa vì dịch bệnh. Kéo theo đó, hàng trăm công nhân, người lao động, kể cả lao động tự do buộc phải nghỉ trong khi không có thu nhập ổn định khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Không chỉ tại Việt Nam, mà hầu hết các nền kinh tế lớn nhỏ trên thế giới đều “cùng chung số phận” kể từ khi Tổ chức Y tế thế giới công bố dịch Covid-19 do virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) là đại dịch toàn cầu. Tại Đà Nẵng, hàng ngàn DN cũng rơi vào tình cảnh tương tự và đang từng ngày nỗ lực tìm cách vượt qua “cơn bão” mang tên Covid-19.

Hàng loạt khách sạn cao cấp trên đường Võ Nguyên Giáp (Đà Nẵng) “cửa đóng then cài”.

Đứng bánh toàn diện!

Chịu tác động tiêu cực của dịch Covid – 19, đầu tiên là các DN trong lĩnh vực thương mại – dịch vụ. Sức mua giảm, lưu chuyển hàng hóa thấp, tâm lý e ngại của người dân trước dịch bệnh… là những lý do cơ bản khiến hoạt động thương mại, dịch vụ tại TP Đà Nẵng trong tháng 2 và 3 tụt giảm, dự kiến tháng 4 còn giảm mạnh hơn.

Ông Trần Quốc Danh, Giám đốc Công ty TNHH Danh An Phát cho biết do tác động của Covid-19, hàng loạt chi nhánh, đại lý của cà-phê Danh An Phát trong cả nước báo cắt giảm nguồn hàng. “Doanh thu bán hàng trong cả nước giảm hơn 40%. Cá biệt tại TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, doanh thu giảm tới gần 60% do lượng khách du lịch tại khu vực này giảm, hàng loạt quán cà-phê đóng cửa”, ông Danh nói và cho biết, cá nhân ông cũng đóng cửa chuỗi cà-phê và thực phẩm đã 2 tuần để nghe ngóng tình hình dịch bệnh. “Phòng vẫn hơn chống, sức khỏe là quan trọng nhất, qua dịch rồi mình ổn định lại”, ông Danh cho hay.

Nếu như công ty Danh An Phát “thiệt đơn” vì Covid-19, thì Cty TNHH Bình Vinh chịu “thiệt kép”. Ông Phạm Bắc Bình, Giám đốc công ty cho biết là đơn vị vận tải hàng tiêu dùng, thức uống, ngay từ khi Nghị định 100 của Chính phủ về xử phạt nồng độ cồn, lượng hàng hóa bia, rượu tiêu thụ giảm mạnh, kéo theo hoạt động vận tải của Công ty cũng giảm theo. “Chưa phục hồi được thì Covid-19 ập tới. Mọi hoạt động vận tải của công ty gần như dừng lại, doanh thu công ty tụt giảm kỷ lục”, ông Bình nói.

Tương tự, với diễn biến ngày càng phức tạp, các điểm du lịch tạm đóng cửa. Cùng với đó, tâm lý lo ngại dịch bệnh, hầu hết các tour du lịch của khách nội địa cũng bị khách hàng chủ động hủy. Ngành du lịch bước vào thời kỳ “ngủ đông”.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng cho biết, ngành du lịch thành phố ước phải gánh chịu thiệt hại lên tới gần 20.000 tỷ đồng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, nếu không sớm kiểm soát được dịch bệnh thì con số này sẽ không dừng lại, đi kèm với đó là hàng loạt DN du lịch, lữ hành tạm ngừng hoạt động.

Thống kê chưa đầy đủ cho thấy đã có khoảng hơn 23.000/35.000 lao động của 800 DN du lịch, lữ hành tạm thời mất việc. Trong đó, nhiều nhất là lao động khối dịch vụ khách sạn, vận chuyển, điểm đến. Các đơn vị lữ hành cũng buộc phải “mạnh tay” cắt giảm tạm thời gần như toàn bộ hướng dẫn viên vì không còn khách để giảm bớt gánh nặng tài chính.

Là một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực tổ chức sự kiện phục vụ du lịch, tuy nhiên, từ thời điểm sau Tết đến nay, từ lãnh đạo đến nhân viên Cty CP Bảo Nguyên Food & Event cũng rơi vào tình cảnh “ngồi chơi xơi nước”. “Hàng chục chương trình nghệ thuật, hoạt động giải trí, nhà hát bị hủy do ảnh hưởng của dịch. Từ khi bước chân vào lĩnh vực này, chưa khi nào DN rơi vào tình cảnh dở khóc như vậy”, ông Phùng Văn Thuận, Giám đốc công ty chia sẻ và cho biết thêm, toàn bộ các hoạt động liên quan đến lĩnh vực sự kiện “đứng bánh hoàn toàn”, bên cạnh đó, doanh thu của hoạt động thực phẩm cũng giảm sâu đến hơn 50% do hàng loạt nhà hàng, điểm đến đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng. Ngoài ra, do đặc thù của lĩnh vực hoạt động cần nhiều nhân sự, nên trong bối cảnh dịch Covid-19, DN buộc lòng phải thanh lọc và cắt giảm bớt lao động thời vụ.

Bãi biển Đà Nẵng vắng tanh khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát.

Doanh nghiệp công nghiệp, bất động sản “chung số phận”

Nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, điểm cuối Hành lang Kinh tế Đông Tây nên các DN trong lĩnh vực công nghiệp tại Đà Nẵng có vai trò hết sức to lớn trong việc phát triển kinh tế địa phương nói riêng và miền Trung nói chung. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã khiến nhiều DN “thoi thóp”.

Kết thúc năm 2019, lĩnh vực công nghiệp – dịch vụ tại TP Đà Nẵng ước tăng 4%, thấp hơn so với kế hoạch đặt ra là tăng từ 7 – 7,5%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cũng thấp hơn kế hoạch đặt ra (chỉ đạt 4,06% so với kế hoạch 7,2%). Năm 2020, TP Đà Nẵng đặt mục tiêu giá trị gia tăng khu vực công nghiệp – xây dựng sẽ tăng từ 7 – 8% so với năm 2019, song với diễn biến phức tạp của dịch virus Covid-19 đang gây ra hàng loạt khó khăn cho DN. Các hội, tổ chức đại diện cho DN trên địa bàn TP Đà Nẵng đã đưa ra những dự báo xấu cho lĩnh vực công nghiệp. Theo đó, tác động lớn nhất là yếu tố gián đoạn nguồn cung ứng nguyên liệu sản xuất từ các thị trường lớn như Trung Quốc, Đức… Không chỉ các DN nằm trong các KCN mà những DN đóng bên ngoài cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Tình trạng thiếu nguyên liệu, mất đơn hàng xuất khẩu, dư thừa lao động, không sản xuất, nhà máy đình trệ… khiến DN lao đao.

Nói về sức ảnh hưởng và mức độ tác động của dịch Covid-19 đối với lĩnh vực Cơ khí và công nghiệp tại Đà Nẵng nói chung, ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng (VCCI Đà Nẵng), nhìn nhận “mức độ tác động của dịch Covid-19 đến kinh tế - xã hội là nghiêm trọng, phức tạp và khó lường”.

Theo ông Quang, ngành công nghiệp của Đà Nẵng sẽ bị tác động mạnh bởi Covid-19. Các ngành dệt may, điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học là những ngành có kim ngạch xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao của Đà Nẵng trong khi đầu vào nguyên liệu nhập không ít từ Trung Quốc. Nếu tình hình dịch bệnh chưa chấm dứt trong quý 2, một số DN công nghiệp của Đà Nẵng sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất.

Ông Hà Đức Hùng, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP Đà Nẵng cho rằng, các DN bị ảnh hưởng trực tiếp sẽ kéo theo sự khó khăn của các DN trong các ngành khác, kế hoạch kinh doanh bị đảo lộn, người lao động bị mất việc… Ông Hùng nhận định, nếu tình hình dịch bệnh kéo dài và không có các giải pháp hiệu quả hỗ trợ, sắp đến DN có nguy cơ dừng sản xuất, thậm chí phá sản trên diện rộng. Hiện các DN nằm trong các ngành bị ảnh hưởng trực tiếp có doanh số giảm mạnh, thậm chí có DN giảm về xấp xỉ bằng 0…

Liên quan đến lĩnh vực bất động sản (BĐS), cũng như các DN trong lĩnh vực khác, tình hình dịch Covid-19 càng kéo dài thì DN BĐS ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng. Ngoài tâm lý người mua e ngại thì khi kinh tế suy giảm, đồng nghĩa với dòng tài chính thị trường trở nên khó khăn hơn, nhu cầu sở hữu BĐS tất yếu cũng sẽ giảm. “Tâm lý chờ đợi” cũng phát sinh từ đây khiến nhiều người không dám đầu tư vào lĩnh vực này. Điều này làm cho giới kinh doanh BĐS trở nên khốn khó hơn bao giờ hết…

Theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam, hơn 300 trên tổng số 1.000 sàn giao dịch BĐS trên cả nước đóng cửa. Ngoài ra, 500 sàn cũng hoạt động cầm chừng do ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Tại Đà Nẵng, hàng loạt sàn giao dịch BĐS cũng chung số phận. Ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng viện Nghiên cứu và Đào tạo BĐS nhìn nhận, từ cơn sốt đỉnh điểm vào tháng 3-2019 đến thời điểm cách đây khoảng 2 tháng thì có nhiều nơi đã giảm 30-40%. Trong 2 tháng trở lại đây một số nơi lại giảm tiếp 10% nữa. So với cơn sốt đỉnh điểm năm 2019 thì nhiều nơi đã giảm 50% giá BĐS.

Tổng Giám đốc CTCP phát triển Đà Thành (DDI, đóng tại Đà Nẵng), ông Nguyễn Ngọc Tuấn cho hay, không nằm ngoài sự ảnh hưởng dịch Covid-19, các dự án DDI đang thực hiện tại các thị trường mặc dù vẫn có giao dịch, nhưng giảm sút hẳn. Doanh thu từ hoạt động môi giới (chiếm tỷ trọng lớn nhất của công ty) chỉ đạt 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Các lĩnh vực kinh tế khó tất yếu dòng tiền không thể chuyển vào BĐS được. Đối với công ty hiện tại cũng đã tập trung một số giải pháp mang tính trung và dài hạn hơn để đối phó với tình hình thị trường như hiện nay.

Một doanh nghiệp BĐS xin được giấu tên thẳng thắn nhìn nhận, DN nào cũng đang khó, gồng mình để tồn tại và duy trì. Đầu năm 2020 dịch covid-19 xuất hiện làm cho thị trường BĐS gần như tê liệt, các dự án khó triển khai vì khách hàng cũng hạn chế tụ tập đông người. Công ty cũng ứng phó bằng cách cắt giảm chi tiêu, co lại biên chế và cơ chế, dần tinh gọn lại bộ máy.

(còn nữa)

D.HÙNG