Doanh nghiệp “khó ở” vì khó khăn mặt bằng sản xuất
Không ít nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp sản xuất tại TP Đà Nẵng cho biết đang lên kế hoạch “di tản” vào các khu công nghiệp (KCN) thuộc địa phận Quảng Nam, thậm chí vào Quảng Ngãi để làm ăn, chứ không tha thiết ở Đà Nẵng nữa do gặp khó khăn về mặt bằng sản xuất.
Mặt bằng sản xuất của Công ty TNHH Hiếu Nam đang phải thuê lại từ một công ty khác ở KCN. |
Khi được hỏi vì sao di dời nhà máy, chủ một công ty chuyên sản xuất vật liệu xây dựng tại KCN Hòa Khánh đang có dự định chuyển nhà máy vào Cụm công nghiệp Đại Hiệp (H.Đại Lộc, Quảng Nam) than phiền: “Dĩ nhiên là do không có điều kiện tốt để làm ăn sản xuất. Cụ thể là không có mặt bằng sản xuất đúng quy định. Các KCN tại TP Đà Nẵng phải nói là chất lượng hạ tầng và các dịch vụ ngày càng tệ, trong khi chi phí phát sinh ngày càng cao mà lại không hề tạo điều kiện cho các dự án sản xuất”.
Ông Bùi Hồng Hải, Giám đốc Công ty TNHH Hiếu Nam (có trụ sở chính ở Q.Sơn Trà, TP Đà Nẵng) chia sẻ thêm rằng: Công ty ông đang đăng ký thuê mặt bằng sản xuất tại KCN Trảng Nhật (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) để dời xưởng nhà máy từ KCN Hòa Khánh vào vì ở đó, doanh nghiệp sẽ được chọn diện tích mặt bằng đúng với nhu cầu, từ vài ngàn mét vuông đến vài héc-ta. Điều này theo ông Hải là quá tốt để công ty ông yên tâm sản xuất kinh doanh, làm ăn lâu dài. Ông Hải cho biết, doanh nghiệp ông chuyên về sản xuất và xuất khẩu hàng gia dụng, trang trí nội, ngoại thất. Do đó, đơn vị không cần mặt bằng rộng, mà chỉ cần vài ngàn mét vuông. Nhưng các KCN tại Đà Nẵng đều chỉ cho thuê đến 1ha. Gần 10 năm qua, ông Hải phải thuê lại nhà xưởng của một công ty khác trong KCN Hòa Khánh để hoạt động. Ông Hải khẳng định ông chỉ ao ước có mặt bằng thuê “chính chủ”, diện tích vừa đủ và thuận lợi cho hoạt động sản xuất mà thôi. Do đó, một khi có thông tin thuận lợi từ phía Quảng Nam hay Quảng Ngãi, ông sẵn sàng di chuyển công ty vào đó, hơn là tiếp tục gặp khó khăn về mặt bằng tại Đà Nẵng.
Thực trạng khó khăn về mặt bằng sản xuất của các trường hợp trên đây đang là vấn đề đau đầu của nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất tại Đà Nẵng. Họ cho biết, đều đang phải thuê lại mặt bằng từ các đơn vị khác để hoạt động. Đây rõ ràng là tình trạng sử dụng sai mục đích việc thuê đất tại các KCN trên địa bàn TP Đà Nẵng, dẫn đến gây thất thu cho ngân sách Nhà nước nhưng các ban quản lý các KCN trên địa bàn vẫn không điều chỉnh. “Nói điều này, chúng tôi muốn nhấn mạnh, không phải Đà Nẵng không có mặt bằng cho các doanh nghiệp thuê để đầu tư, sản xuất kinh doanh mà là thái độ quan tâm của một số ban, ngành đến doanh nghiệp ra sao về vấn đề này”, ông Hải nhấn mạnh như vậy.
Theo nhiều doanh nghiệp, vấn đề mặt bằng sản xuất với họ, trong thực tế làm ăn, không cần nhiều diện tích. Điều này ngược với lý lẽ cho rằng các KCN Đà Nẵng không còn đất. Thậm chí, trong khi chính quyền thông tin chưa sắp xếp được khu vực cho các doanh nghiệp sản xuất cần mặt bằng nhỏ, thì một mảng lớn đất ở KCN Liên Chiểu đã được chuyển làm khu đô thị để chia lô bán nền. Một doanh nghiệp chế biến hàng thủ công mỹ nghệ tại KCN Hòa Cầm tâm tư: “Phải chăng đất Đà Nẵng giờ chỉ dành để cho kinh doanh bất động sản, không muốn đầu tư sản xuất? Mọi sổ đỏ đều cắm ngân hàng, đụng chỗ nào cũng thấy giá đất lên vùn vụt. Đến nỗi chúng tôi muốn mua một lô đất làm xưởng, cũng bị hiểu lầm là tìm cơ hội đầu cơ đất đai, bán lại kiếm lời. Sự thật thì mỗi người mỗi nghề, chúng tôi đâu thể chuyển qua làm cò đất đai trong khi nhu cầu sản xuất là có thật, cần có nhà xưởng, công nhân...”.
Năm 2018, TP Đà Nẵng đặt chủ đề là “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư” và năm 2019 tiếp tục được chọn là năm như thế. Thiết nghĩ, lãnh đạo TP cùng các sở, ban, ngành cần tiếp tục quan tâm, hỗ trợ hơn nữa trong việc tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, trong đó, có vấn đề khó khăn về mặt bằng sản xuất.
PHÚ NAM